Đơn vị này vừa công bố báo cáo phản ánh tình hình đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản của châu Á trong năm 2015. Các nhà đầu tư tổ chức tích cực từ Singapore và Trung Quốc vẫn tiếp tục rót vốn ra ngoài lãnh thổ thông qua các hợp đồng giao dịch lớn trị giá hơn 500 triệu USD, tăng 167% so với cùng kỳ năm trước. Loại hình giao dịch danh mục đầu tư chiếm 28% tổng doanh thu từ đầu tư nước ngoài của châu Á, tăng so với mức 16% trong năm 2014.
Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài chủ yếu vẫn tiếp tục đến từ Singapore, Trung Quốc và Hong Kong. Điểm đến hàng đầu của giới đầu tư châu Á là London có xu hướng nhận được tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài thấp hơn, giảm từ 17% trong năm 2014 xuống 13% trong năm 2015. Ngược lại, các thành phố cửa ngõ chính khác như New York, Sydney, Thượng Hải và Hong Kong đều nhận được tỷ lệ vốn đầu tư từ châu Á cao hơn.
Châu Mỹ vượt trội hơn khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi để trở thành nơi thu hút dòng vốn đầu tư châu Á nhiều nhất, đạt mức 22,4 tỷ USD (tăng 109% so với cùng kỳ năm trước). New York, Washington, Chicago, Los Angeles, Dallas và Houstonđang nhanh chóng trở thành những điểm nóng hút vốn châu Á nhờ vào tăng trưởng kinh tế tương đối mạnh mẽ tại Mỹ.
Đầu tư châu Á tại khu vực Thái Bình Dương cũng có sự tăng trưởng đáng kể (tăng 45% so với cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, tỉ lệ tăng trưởng tại khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (tăng 7% so với cùng kỳ năm trước) và trong khu vực châu Á (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước) chỉ ở mức trung bình.
Văn phòng vẫn là phân khúc được quan tâm nhất, nhưng thị trường khách sạn và bất động sản công nghiệp tiếp tục được các nhà đầu tư châu Á săn lùng mạnh mẽ. Bất động sản công nghiệp ghi nhận sự gia tăng hoạt động đáng kể, chủ yếu từ hai giao dịch lớn tại Mỹ do đồng đôla mạnh lên dẫn đến gia tăng chi tiêu vào hàng hóa nhập khẩu và sự tăng trưởng không ngừng của thương mại điện tử, dẫn đến nhu cầu về không gian kho bãi.
Giám đốc cấp cao Bộ phận nghiên cứu CBRE châu Á, Ada Choi nhận định, môi trường lợi nhuận thấp tại châu Á là nguyên nhân thúc đẩy giới đầu tư vươn mình ra thế giới tìm kiếm những thị trường có lợi nhuận tiềm năng cao hơn. Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của châu Á sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016 khi các nhà đầu tư lớn vẫn đang tiếp tục xây dựng danh mục đầu tư toàn cầu của họ còn các nhà đầu tư nhỏ đang dần lớn mạnh.
Theo bà Ada Choi, các nhà đầu tư tổ chức châu Á tiếp tục dẫn đầu trong việc dịch chuyển vốn ra nước ngoài để săn tìm cơ hội. Nhiều quỹ đầu tư độc lập của Trung Quốc và Singapore đã thực hiện những giao dịch đầu tư lớn ngoài châu Á, trong khi các công ty bảo hiểm Trung Quốc và Đài Loan ngày càng mở rộng danh mục đầu tư ngoài lãnh thổ. Nhiều công ty bảo hiểm được ghi nhận mới mua bất động sản đầu tiên của họ ở hải ngoại. Các công ty bất động sản cũng tích cực hơn tại thị trường quốc tế, đặc biệt là các công ty Singapore với hai giao dịch đầu tư lớn trong năm.
Các nguồn vốn châu Á khác như Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản tuy không dẫn đầu về giá trị đầu tư nhưng lại có tần suất hoạt động cực kỳ năng động. Riêng Nhật tuy quan tâm đến thị trường đầu tư toàn cầu nhưng họ có thể sẽ sử dụng phương thức đầu tư gián tiếp thông qua quỹ đầu tư.
Vũ Lê