Chứng khoán vừa ghi nhận một phiên giảm mạnh với áp lực bán tháo tăng vọt chỉ trong nửa sau của phiên chiều. VN-Index lao dốc, chốt phiên giảm gần 40 điểm (3,34%) xuống 1.153,2 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng mất khoảng 4,8%. Sắc đỏ chiếm áp đảo ở bảng điện với gần 500 mã giảm trên HoSE, trong đó 110 mã giảm kịch sàn.
Theo đánh giá của VinaCapital, thị trường đã có một đợt tăng tốt liên tục gần đây nên xu hướng điều chỉnh là có thể hiểu được, nhất là khi phía trước còn nhiều bất định về tình hình vĩ mô toàn cầu, dẫn tới các quan ngại về tỷ giá và chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, ngoài những lo ngại về diễn biến bất định của vĩ mô, một phần đà giảm đến từ tâm lý nhà đầu tư khi bị ảnh hưởng bởi những tin đồn. Từ thứ 6 tuần trước, thông tin thất thiệt về lãnh đạo công ty quản lý lớn bắt đầu xuất hiện. Thông tin này được chia sẻ nhiều hơn vào đầu phiên chiều nay, trước khi thị trường lao dốc.
Theo VinaCapital, lịch sử thị trường chứng khoán đã cho thấy các nhà đầu tư cá nhân thường dễ bị thao túng tâm lý theo hướng giao dịch bất lợi (mua cao, bán thấp) khi nghe theo các tin đồn này.
"Nhà đầu tư cần giữ tâm lý bình tĩnh khi tham gia thị trường, phân tích mọi thông tin một cách thấu đáo, đầu tư với tầm nhìn dài hạn và dựa trên giá trị căn bản", đại diện VinaCapital cho biết. Theo tổ chức này, đầu tư dựa vào việc phân tích nền tảng và giá trị nội tại của từng cổ phiếu nên không quá quan tâm tới các tin đồn, đặc biệt là các tin đồn vô căn cứ.
Tương tự, Dragon Capital cũng cho rằng thị trường "đang chịu áp lực từ các yếu tố vĩ mô toàn cầu".
Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã báo hiệu khả năng tăng lãi suất vào tháng 11, và kinh tế của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Thêm vào đó, thông tin tỷ giá tăng, cùng với việc phát hành tín phiếu điều tiết cung tiền gần đây của Ngân hàng Nhà nước đã khiến tâm lý thị trường trở nên không ổn định. Cùng với việc một số công ty chứng khoán siết chặt đòn bẩy tài chính đã tạo ra một đợt bán tháo mạnh mẽ.
Tỷ lệ đòn bẩy tài chính tại một số công ty chứng khoán lớn đã giảm khoảng 11% so với đỉnh điểm. Thông thường, trong các giai đoạn điều chỉnh giảm của thị trường trong một xu hướng tăng dài hạn, tỷ lệ đòn bẩy thường phải điều chỉnh sâu hơn, lên đến mức tối đa khoảng 20%.
"Tóm lại, biến động về mặt kinh tế toàn cầu và xu hướng thị trường gần đây chưa tạo ra sự đảo chiều trong xu hướng hiện tại. Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên giữ vững sự bình tĩnh và quan sát trong giai đoạn này", chuyên gia từ Dragon Capital nói. Quỹ này cũng đánh giá việc rời khỏi thị trường tại thời điểm này có thể không phải là quyết định tốt. Bởi, sự biến động trong khoảng 5-12% trong một chu kỳ tăng giá không phải là điều hiếm gặp.
Trong báo cáo cập nhật sau phiên 25/9, giới phân tích cũng tỏ ra thận trọng về xu hướng thị trường sau phiên giảm sâu.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư tạm thời quan sát thêm diễn biến thị trường và dừng giải ngân mới để chờ đợi mức biến động của thị trường giảm xuống. Đồng thời, nhóm phân tích cho rằng có thể cân nhắc thu gọn lại danh mục với tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp khoảng 20% với ưu tiên nắm giữ là các mã chưa bứt phá mạnh từ nền giá gần nhất hoặc điều chỉnh giảm thấp hơn chỉ số chung.
Theo Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), động lực trong ngắn hạn của thị trường đã bị suy giảm mạnh, do đó nếu nhịp hồi phục diễn ra trong thời gian tới sẽ chỉ mang tính hồi phục kỹ thuật nhiều hơn.
Cùng quan điểm, Công ty chứng khoán VietCap (VCSC) dự báo nếu VN-Index có thể đóng cửa trên mốc 1.145 điểm, chỉ số sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật để kiểm định lại kháng cự EMA100 tại 1.170-1.175 điểm. Tuy nhiên, VN-Index sẽ cần thêm những nỗ lực mua vào để có thể tạo vùng cân bằng.
Minh Sơn