Trong phiên giao dịch sáng 2/10, hàng loạt thị trường chứng khoán châu Á đi xuống. Chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 1,6%. Kospi (Hàn Quốc) mất 0,2%, có thời điểm hạ 1,3%.
S&P/ASX 200 của Australia giảm 0,3%. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương mất 0,5%. Tương tự, chứng khoán Malaysia, Thái Lan, Indonesia cũng chìm trong sắc đỏ. Thị trường Trung Quốc đại lục và Hong Kong đóng cửa nghỉ lễ.
Diễn biến này tương tự Wall Street hôm 1/10. Chỉ số S&P 500 có thời điểm giảm 1,4%, sau đó chốt phiên với mức giảm 0,9%. Nasdaq Composite cũng có lúc mất 2,3%, trước khi đóng cửa giảm 1,5%. DJIA hạ 0,4%.
Tài sản rủi ro bị bán tháo khi căng thẳng tại Trung Đông gia tăng. Iran tập kích tên lửa vào Israel để báo thù cho cái chết của thủ lĩnh Hezbollah và Hamas. Bộ Quốc phòng Israel ước tính Iran đã phóng ra hơn 180 tên lửa đạn đạo, trong khi Lầu Năm Góc nói Tehran khai hỏa gần 200 quả đạn.
Trong quá khứ, các bất ổn chính trị, như việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine năm 2022, thường gây biến động thị trường lớn nhưng ngắn hạn. Trong các sự kiện này, nhà đầu tư cũng bán tháo tài sản rủi ro và đổ xô mua công cụ trú ẩn.
Tuy nhiên, phản ứng của thị trường lần này còn phụ thuộc vào động thái đáp trả của Israel và mức độ leo thang xung đột giữa hai nền kinh tế. Thủ tướng Israel Netanyahu cảnh báo Iran phạm "sai lầm nghiêm trọng" và sẽ phải trả giá.
"Thị trường rất nhạy cảm với bất kỳ tín hiệu nào, cho thấy tình hình có thể tệ đi", Hasnain Malik - Giám đốc chiến lược cổ phiếu các thị trường sơ khai và mới nổi tại Tellimer nhận định trên Reuters.
Hồi tháng 4, Iran từng phóng tên lửa vào Israel lần đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, các tên lửa này bị đánh chặn. Israel khi đó cũng không kích đáp trả Iran. Cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác bị bán tháo, nhưng phục hồi sau vài ngày do căng thẳng không leo thang.
"Nếu chiến sự lần này nóng lên, đây chắc chắn không phải tin tốt với các thị trường", Allan Small - cố vấn đầu tư cấp cao tại Allan Small Financial Group cho biết.
Mối lo khác của nhà đầu tư là giá dầu. Trung Đông là một trong các khu vực sản xuất dầu thô chủ chốt của thế giới. Iran hiện là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ). Căng thẳng chính trị vì thế có thể làm gián đoạn nguồn cung, kéo giá sản phẩm này lên cao.
Dầu Brent tăng 2,6% lên 73,5 USD một thùng. Dầu thô Mỹ WTI thêm 2,4% lên 69,8 USD. Hiện giá tiếp tục đi lên, khi cả hai cùng tăng 1,4%.
Các công cụ trú ẩn cũng tăng giá. Giá vàng thế giới đắt thêm 30 USD, lên 2.664 USD một ounce. Hiện tại, mỗi ounce xoay quanh 2.655 USD.
Giá USD, yen và franc Thụy Sĩ - các đồng tiền nổi tiếng an toàn - cũng đi lên. Trong đó, đôla Mỹ ghi nhận mức tăng mạnh nhất một tuần, khi Dollar Index tăng 0,5% lên 101,2 điểm. Hiện mỗi USD đổi được 143,4 yen và 0,84 franc Thụy Sĩ.
"Rủi ro chính trị luôn lấn át các tin tức về kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp hay phản ứng của các ngân hàng trung ương, do biến động chính trị khó đoán hơn. Tình hình vẫn thiếu chắc chắn, bất kỳ phản ứng xoa dịu hoặc gây căng thẳng nào từ phía Israel và Iran đều có thể tác động lớn đến tâm lý đầu tư", Chris Weston - Giám đốc nghiên cứu tại Pepperstone kết luận.
Hà Thu (theo Reuters, Bloomberg)