Giá nhà đất tại châu Á – Thái Bình Dương được thúc đẩy trong năm nay nhờ vào lãi suất ngân hàng thấp kỷ lục, tỷ lệ tiêm chủng nhanh và đà phục hồi kinh tế của một số nước sau Covid-19.
Victoria Garrett, người đứng đầu bộ phận theo dõi dân cư khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Knight Frank cho biết, mức tăng trưởng giá bất động sản hàng năm trong khu vực này là 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái - là mức tăng cao nhất trong 4 năm qua.
Các nhà phân tích và doanh nghiệp bất động sản đánh giá đã có sự cạnh tranh gay gắt giữa những người mua nhà, dẫn đến cuộc chiến về giá và các khoản tiền mặt cao ngất ngưởng, vượt mức định giá thị trường.
Sean Coghlan, Giám đốc toàn cầu về chiến lược và nghiên cứu thị trường vốn tại JLL cho biết, lượng người mua tiềm năng nhiều hơn là các cơ hội trên thị trường khiến việc đấu giá trở nên khốc liệt hơn. Theo ông, điều này đã được nhìn thấy trong phân khúc nhà ở và một số mảng riêng trong bất động sản hậu cần.
Kenneth Tan đến từ đại lý bất động sản PropertyLimBrothers nói rằng, một số người mua thậm chí còn không vào xem nhà. "Họ quyết định sau khi nhìn thấy nhà từ bên ngoài hoặc chỉ xem qua video tham quan", ông nói.
Tan mô tả, việc đấu thầu nhà đôi khi diễn ra rất "điên loạn", có những bất động sản được định giá từ 2,2 triệu USD trở lên đôi khi thu hút được lời đề nghị trả thêm bằng tiền mặt lên đến 600.000 USD.
Mohamed Ismail Gafoor, Giám đốc điều hành Propnex chia sẻ, các chủ đầu tư đang giành giật đất và cố trả giá cao hơn. Điều này sẽ khiến nhà tiếp tục leo thang. "Mọi người đều biết trong năm tới giá nhà sẽ cao hơn nhiều, do chi phí đất và xây dựng không giảm", ông nói.
Theo ông, đã có những cuộc đấu giá gay gắt tại Singapore để tranh giành những bungalow hạng sang, có giá lên đến hàng chục triệu USD. Phân khúc nhà ở này gần đây đang gây chú ý khi được các doanh nhân công nghệ nổi tiếng để mắt đến.
Regina Lim, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường vốn tại JLL châu Á - Thái Bình Dương nhận xét, nguyên nhân giá nhà đất bùng nổ một phần là lãi suất thấp, chính sách tiền tệ nới lỏng và "sự phân bổ của cải không đồng đều" trong thời kỳ Covid-19.
"Giá nhà có khả năng tiếp tục tăng theo thu nhập và sự giàu có trừ khi có các biện pháp can thiệp nhằm giảm sức hấp dẫn trong lĩnh vực này", bà Lim nói.
Giới phân tích cũng cho rằng, giá nhà tăng nóng cũng có thể sớm thu hút Chính phủ các nước can thiệp.
New Zealand từng được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất nhưng biến thể Delta gây ra hàng loạt vụ lây nhiễm đã buộc ngân hàng trung ương phải giữ lãi suất ổn định. Tương tự với Hàn Quốc, giới phân tích đã kỳ vọng lãi suất sẽ tăng do giá nhà ở New Zealand tăng mạnh.
Tại Singapore, các nhà phân tích cũng mong đợi sẽ có nhiều hạn chế hơn do các nhà lãnh đạo của nước này đã cảnh báo trong năm ngoái rằng người mua nhà nên thận trọng với khả năng lãi suất tăng.
Đầu năm nay, Piyush Gupta, CEO ngân hàng DBS cho biết, mọi người đang cố gắng "đón đầu" các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản.
Đức Minh (Theo CNBC)