Ông Lê Hữu Định, chỉ huy thi công công trình sửa chữa hầm chui, giải thích đơn vị đã biết tình trạng này nên mới dùng phương pháp ép cọc chứ không phải đóng cọc, như vậy đã hạn chế được chấn động mạnh. Mặt khác, công ty mới tiến hành thử tại 1 khoang nên mức độ gây chấn động cũng như phạm vi ảnh hưởng khó có thể gây sập hoặc nứt thêm các căn nhà quanh khu vực hầm chui.
Theo ông, sau khi ép thử, công ty mới triển khai đóng cọc ván thép, sâu khoảng 3 m, xung quanh khu thi công nhằm bảo vệ các căn hộ có nguy cơ bị nứt. Ngoài ra, công ty đã đề nghị Công ty Thanh niên xung phong (chủ đầu tư công trình) gấp rút thực hiện trợ cấp di dời và bố trí nơi ở tạm cho những hộ có nguy cơ bị sập cao (hiện đã có 3 hộ tạm di dời).
Về việc cọc ép thử dài hơn dự kiến, ông Định, cho biết hôm qua, công ty ép cọc thử có đường kính 30x30 cm, dài 36 m với lực ép khoảng 100 tấn, tại khoang đầu tiên. Những ngày kế tiếp, sẽ ép thử cả 5 khoang nhằm xác định chiều dài cần thiết, thử tĩnh cọc để thẩm định khả năng chịu lực thực tế của cọc theo đất nền. Sau đó, đơn vị thi công sẽ triển khai trên toàn bộ hầm chui với 88 chiếc. Công ty bêtông 620 Châu Thới tính đến 2 phương án: theo thiết kế được duyệt, cọc bêtông cốt thép sẽ được đóng sâu 34 m; nhưng trong quá trình ép, đơn vị thi công thấy chưa đến phần cứng thì sẽ chủ động xuống sâu hơn. Ngược lại, chưa đến 34 m mà cọc đã chạm phần cứng thì sẽ tạm ngừng để chịu tải đầu cọc rồi sau đó ép tiếp.
Mới đây, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 đã đề nghị cho hạ tải trọng xe lưu thông qua đường Nguyễn Hữu Cảnh xuống còn 2,5 tấn để đảm bảo trong thi công. Phó Giám đốc Công ty cổ phần 620 Châu Thới, ông Phạm Nhật Kỳ cho biết Sở GTCC đã thông báo chỉ cho phép xe dưới 10 tấn lưu thông trên đường này trong giai đoạn sửa chữa, song, rất nhiều xe vượt tải trọng vẫn qua lại bình thường. Về tiến độ thi công, ông cho biết khó có thể hoàn tất trong 3 tháng như dự kiến vì còn khá nhiều việc phức tạp.
(Theo Lao Động, Tuổi Trẻ)