Kính thực tế ảo Vision Pro của Apple, ra mắt rạng sáng 6/6 với giá 3.499 USD, được đánh giá có thể tạo ra doanh thu lớn cho các nhà cung cấp Nhật Bản và các công ty châu Á khác khi có mặt trên thị trường vào năm sau.
Theo Goldman Sachs, màn hình OLED của Sony và nhựa quang học cho thấu kính của Mitsubishi Gas Chemical là hai trong những linh kiện quan trọng của kính Vision Pro. Còn chip xử lý vẫn là M2 do Apple thiết kế và TSMC sản xuất.
Một số nguồn tin ước tính chi phí sản xuất Vision Pro là 1.509 USD, trong đó linh kiện đắt nhất là hai màn hình OLED của Sony với giá 350 USD mỗi bên. Tiếp đến là chip M2 giá 120 USD. Chi phí lắp ráp mỗi sản phẩm lên tới 130 USD.
Apple hiện hợp tác với gần 1.000 nhà cung cấp linh kiện tại Nhật Bản. Trong đó nổi bật là các công ty như Sony, Murata Manufacturing, Kyocera và Nidec. Năm 2022, hãng công bố đầu tư hơn 100 tỷ USD cho chuỗi cung ứng tại nước này kể từ 2018.
Thị trường thiết bị VR hiện vẫn còn rất khiêm tốn. Theo Display Supply Chain Consultants (DSCC), doanh số màn hình cho thiết bị VR năm nay tăng 18% lên 16 triệu sản phẩm - con số rất nhỏ nếu so với một tỷ smartphone xuất xưởng mỗi năm trên thế giới. Tuy nhiên, sự tham gia của Apple trong năm 2024 có thể giúp thị trường kính AR/VR bùng nổ.
Guillaume Chansin, Giám đốc nghiên cứu màn hình DSCC, cho biết doanh số thiết bị VR hiện "rất đáng thất vọng" nên doanh số Vision Pro ban đầu có thể sẽ không cao. Nội dung sẽ là chìa khóa để mở ra nhu cầu mua thiết bị của người dùng. Hiện các mẫu kính thực tế ảo chủ yếu được dùng để chơi game, hạn chế khả năng tiếp cận của sản phẩm.
Trong khi đó, Apple đã tạo một hệ điều hành riêng cho Vision Pro, là cơ sở cho hơn 36 triệu nhà phát triển của Apple tham gia xây dựng ứng dụng cho kính. CEO của một nhà sản xuất linh kiện điện tử lớn của Nhật Bản cho biết sự thành công của một sản phẩm không chỉ phụ thuộc vào phần cứng mà cả phần mềm, do đó chưa thể nói trước về thành công Vision Pro cho đến khi nó được bán ra.
Huy Đức (theo Nikkei Asia)