![]() |
Nhà công tử Bạc Liêu. |
Ngày 22/6/2001, ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trùng tu cụm nhà công tử. Trong đó, ghi rõ mục tiêu là bảo tồn giá trị kiến trúc cổ kèm theo ý nghĩa về giai thoại công tử Bạc Liêu, phục vụ cho việc tham quan, tìm hiểu về văn hoá xã hội địa phương. Dự án được giao cho Công ty du lịch tỉnh (Sở Thương Mại và Du lịch) làm chủ đầu tư với số vốn dự toán 580 triệu đồng bằng ngân sách tỉnh và vốn vay ưu đãi.
Công tử Bạc Liêu tên thật là Trần Trinh Huy, sinh ngày 22/6/1900 tại làng Vĩnh Hương, quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Ngoài tên khai sinh, ông còn được đặt cho những tên gọi như Ba Huy, Hội đồng Ba (cách gọi của tá điền, sự thật thì Ba Huy không là thành viên trong hội đồng nào), Hắc công tử (do nước da ngăm đen và để phân biệt với Bạch công tử) của ông Trần Trinh Trạch - một đại điền chủ ở Nam Bộ. Ba Huy sinh hoạt rất xa hoa, nổi tiếng về những ngón ăn chơi. Ông mất năm 1973 ở Sài Gòn và được đưa về an táng trong phần mộ gia đình tại ấp Cái Dầy, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Ngôi biệt thự của công tử Bạc Liêu được xây dựng từ năm 1919. Chủ nhân đã đặt hàng và cho chuyên chở toàn bộ vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí... từ Pháp qua. Các bù lon, ốc vít cho các chi tiết xây dựng đều được đóng dấu chìm mẫu tự P rất hoa mỹ, chứng thực sản xuất tại thủ đô Paris. |
Tuy nhiên, công trình này đang bị xây lại, phá bỏ các nét kiến trúc vốn có. Các bao lơn đã bị đập bỏ, phần gạch bông lát nền nhà bị cạy ra để lát gạch mới, màu sắc sặc sỡ. Những mảng hoa văn chạy diềm trên trần nhà, vốn được xem như những tác phẩm hội hoạ phương Tây có giá trị, bị quét vôi vữa che lấp. Toàn bộ khu sảnh lớn và những phòng nghỉ lớn ở tầng trên, vốn được xây dựng đúng mẫu một dinh thự kiểu mẫu châu Âu, bị phân ô, chia thành 4 phòng nhỏ để kinh doanh phòng nghỉ.
Với kiểu trùng tu như vậy, các cửa nhà trước đây rộng đến 2,7 m nay chỉ còn 1,2 m. Hạng mục cần trùng tu ngay kẻo bị thời gian tàn phá như hàng rào, cửa ngõ với rất nhiều hoa văn hoạ tiết thanh nhã bằng thép đặc do nghệ nhân Pháp đúc lại chưa được xử lý.
Ông Bùi Chí Hiếu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, ý kiến chỉ đạo của tỉnh uỷ, Uỷ ban là trùng tu chứ không phải phá bỏ hiện trạng. Hiện nay cần xem lại hồ sơ thiết kế ban đầu, sai đến đâu xử lý đến đó. Tuy nhiên, ông Huỳnh Việt Trung, Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch Bạc Liêu, chủ đầu tư khẳng định: "Ngành chúng tôi làm đúng hồ sơ thiết kế. Công trình này có sự chỉ đạo xuyên suốt của cấp trên. Nếu bảo tồn thì ngành thương mại không làm. Mục đích của chúng tôi không phải là để bảo tồn di tích lịch sử văn hoá mà là để kinh doanh. Tiền vay đã đổ vào công trình này. Nếu như tỉnh có quyết định khác thì bồi hoàn lại".
Các văn bản xin trùng tu di tích này đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn. Bản thẩm định hồ sơ của Sở Kế hoạch và Đầu tư ký ngày 27/4/2001 cho thấy mục tiêu đầu tư là bảo tồn về mặt kiến trúc, song hình thức lại rất đa dạng bao gồm: xây dựng cải tạo trùng tu và một phần làm mới. Và với quyết định phê duyệt ký ngày 28/6/2001 của UBND tỉnh thì phần trong mục tiêu đầu tư lại có thêm khoản xây dựng các công trình phục vụ cho việc nghỉ ngơi, giải trí cho dân cư nội ô và khách du lịch.
Ông Phan Kim Khánh, cháu gọi công tử Bạc Liêu bằng cậu, cũng rất bức xúc nói: "Cách đây 2 tháng, ông Huỳnh Quốc Dân, Giám đốc công ty du lịch tỉnh, có đến nhà mời tôi tham gia việc khôi phục hiện trạng ngôi nhà của ông ngoại. Tôi đã trả lời là tại sao không mời tham gia ngay từ ban đầu khi chưa xây dựng, chỉnh sửa kiến trúc, còn bây giờ lỡ hết rồi. Ông bảo tôi miêu tả lại hình dáng để phục chế những vật dụng trong ngôi nhà như tủ thờ, tủ bút phê. Tôi cho ông biết địa chỉ của những gia đình (không biết cách nào) sở hữu các vật dụng của ông ngoại như giường đồng, tủ trang trí, ghế đai... để có kế hoạch mua lại bảo tồn. Nhưng hình như mấy ông sợ tốn tiền".
(Theo Thanh Niên, Người Lao Động)