Hồi chị sinh đứa con gái đầu lòng, anh tỏ rõ khát vọng có con trai để nối dõi tông đường, phụng dưỡng mẹ cha, như lời anh nói.
Chị thì khác, chị nghĩ con nào cũng đáng yêu cả, và nếu được giáo dục tốt, con gái hay con trai đều mang lại hạnh phúc gia đình và hiếu đễ với cha mẹ. Trước khi mang bầu đứa thứ hai, anh đưa chị những bài viết in trên mạng về phương pháp tính toán để sinh con trai, gây một sức ép lặng thầm.
Người tính không bằng trời tính. Chị sinh con gái thứ hai trong niềm hân hoan của một phụ nữ ngoài 40. Tôi hơi lo cho chị, lo anh sẽ phản ứng tiêu cực, hoặc ủ rũ hoặc phớt lờ bé con.
Tôi không biết chồng chị trải qua những ngày đầu chăm một đứa “nên là con trai” của anh như thế nào. Nhưng hôm đầy tháng, tôi sang chơi và mọi nỗi lo cho chị trong tôi biến mất. Cô con gái bé quả là điều kỳ diệu. Nó khiến tất thảy thành viên trong đại gia đình như trẻ lại, mặt mày ai nấy rạng rỡ ngời ngời.
Vợ chồng chị từ bấy đến giờ vẫn luôn hạnh phúc với hai con gái và không cố săn “một thằng cu” nữa. Cho dù anh chị là lao động tự do, có sinh cả đàn con cũng chẳng có cơ quan đoàn thể nào xử phạt. Cho dù, ngồi ở quán tạp hóa ấy, hàng ngày chị đã từng nghe cơ man những câu chuyện đầy nước mắt của những người mẹ không có được con trai, từng chứng kiến biết bao nhiêu là nỗ lực – cả những nỗ lực dám đánh cược cả mạng sống – để có được một bé trai.
Chị bảo đời sống đúng là muôn màu và cả hai phe khát con trai hay hài lòng với con gái đều có lý lẽ riêng và đầy thuyết phục. Tôi cũng nghĩ vậy. Đa dạng mới chính là cuộc sống bình thường hợp lẽ tự nhiên.
Mới đây, khi Dự thảo Luật Dân số được đưa ra thảo luận, với quy định: “Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội”, tôi “tám” chuyện với anh chị, vì họ sẽ thuộc diện được hỗ trợ tiền. Cứ tưởng anh chị sẽ mừng, nhưng mà không.
Chị thấy chạnh lòng. Đồng tiền quý thật nhưng một khi Nhà nước đã phải có chính sách hỗ trợ nghĩa là mặc định con gái không đủ khả năng phụng dưỡng cha mẹ già. Làm thế, nghe có vẻ nhân văn nhưng thực ra lại gây tổn thương cho nữ giới, chả hóa ra mặc định “con gái là lũ vịt giời, bé thì ăn hại lớn rồi lại bay” à?
Phản ứng của chị không phải là cá biệt. Câu chuyện hỗ trợ tiền cho người sinh con gái đang trở thành đề tài bàn tán sôi nổi. Một người bạn tôi là họa sĩ tự do luôn tự hào về hai cô con gái nhỏ; một chủ doanh nghiệp tư nhân rất hãnh diện về ba cô con gái; và những người khác nữa, nói rằng họ cảm thấy điều dự luật đó thật kỳ lạ.
Với họ, việc hỗ trợ đó không khác gì lời tuyên cáo rành rành, rằng những người đẻ toàn con gái thuộc nhóm “yếu thế”, “dễ bị tổn thương” trong xã hội. Điều này đi ngược lại những nỗ lực của rất nhiều lực lượng đang phấn đấu vì bình đẳng giới. Nó thậm chí còn "chỏi" lại Luật bình đẳng giới hiện hành.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ở những vùng kinh tế khó khăn nhất nước là Tây Nguyên và Tây Bắc, tỷ lệ sinh giữa con trai và con gái là 105/100, đúng như quy luật tự nhiên. Như vậy quy định trợ cấp tiền cho người cao tuổi chỉ có con gái, nếu thành luật, sẽ không đưa được tiền đến đúng nhóm dân cư nghèo nhất, cần hỗ trợ nhất trên phương diện kinh tế.
Chuyện này làm tôi nhớ đến câu thơ của Xuân Diệu: “Người ta khổ vì cho không đúng cách – Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người – Có kho vàng mà tặng chẳng tùy nơi”.
Đặng Huyền