"Tụi mình không ngờ câu chuyện lại được quan tâm đến thế", Phạm Nguyễn Linh Lan - một trong bốn chị em của ca sinh tư thứ 6 ở Việt Nam, đang học và làm việc tại California, Mỹ chia sẻ sau khi bài viết của họ thu hút gần 50.000 lượt thích sau ba ngày.
Đằng sau những bức ảnh từ thuở bé đến khi trưởng thành là câu chuyện thú vị về hành trình lớn lên của bốn cô gái.
Bà Yến Linh, 58 tuổi, mẹ của Linh Lan kể, ngày 16/10/2001 ca sinh tư của bà đã gây xôn xao Bệnh viện Từ Dũ. Năm ấy bà Linh 35 tuổi, kết hôn 6 năm mà chưa có con. Bà cùng chồng, bác sĩ Tấn (nguyên phó giám đốc Bệnh viện Y Dược TP HCM) quyết định làm thụ tinh nhân tạo (IVF). Họ là một trong những ca đầu tiên ở Việt Nam.
Mấy tháng đầu, các bác sĩ xác định vợ chồng bà Linh sẽ có ba đứa con. Đến tháng thứ năm bệnh viện phát hiện thêm một bé nữa. Bốn cô con gái chào đời được đặt tên là Linh Mai (nặng 2 kg), Linh Lan (1,95 kg), Linh Cúc (1,9 kg) và Linh Trúc (1,4 kg), trong đó Lan và Trúc cùng trứng. Khi mới chào đời, ba bé đầu phải nằm lồng kính một tuần, riêng Linh Trúc ở lại viện một tháng.
Tại ngôi nhà ở quận 5, gia đình dành căn phòng lớn nhất cho các con, với bốn chiếc xe nôi còn sữa và bỉm mua theo thùng không khác gì nhà trẻ. Những tháng đầu, gia đình thuê tới 5 bà vú thay phiên chăm sóc các bé.
"Cứ hai tiếng một cữ sữa, thay tã liên tục. Khi lớn hơn thì chúng quay bố mẹ đến ong đầu với 'mười vạn câu hỏi vì sao'", bà Linh kể.
Là con gái nhưng cả bốn cô đều rất nghịch ngợm. Ban công phải đóng những thanh gỗ dọc để tụi nhỏ không thể trèo, cầu thang giăng lưới, hành lang phải làm cửa, nâng độ cao. Thế nhưng, các cô bé vẫn quậy khiến nhiều người giúp việc sợ quá mà xin nghỉ. Bóng điện trong nhà thường xuyên vỡ vì tụi nhỏ đá bóng.
"Tụi nó yêu thương nhau nhưng nhiều khi cũng đánh nhau kịch liệt, tranh cãi không ai nhường ai", người mẹ kể.
Đến tuổi đi học, bộ tứ xuất hiện ở đâu náo động đến đó. Các chị em cùng lớp, cùng trường từ mẫu giáo tới lớp 10 ở Việt Nam. Vì có cả một đội, họ không bao giờ sợ bị cô lập hay bắt nạt ở trường.
Linh Lan kể, nhà đông chị em cùng tuổi nên muốn chơi trò gì cũng dễ. Sở thích lớn nhất của họ là diễn kịch, đặc biệt vở Tấm Cám. Linh Trúc bé nhất vào vai cá bống, Mai hiền nhất đóng Tấm, Cúc điệu đà đóng Cám, còn Lan dữ nhất đóng mẹ ghẻ, kiêm đạo diễn. Tụi nhỏ lấy điện thoại của mẹ, quay và dựng thành bộ phim.
Gia đình vốn có truyền thống nghệ thuật, bà Linh từng là một ca sĩ chuyên nghiệp nên bốn con cũng thừa hưởng năng khiếu ca hát. Năm 5 tuổi, bốn "công chúa" tham gia cuộc thi cho các cặp sinh đôi ở Công viên văn hóa Đầm Sen và đoạt giải cao nhất.
Năm 2013, khi The Voice Kids Việt Nam mùa đầu tiên diễn ra, Linh Lan - bé dạn dĩ nhất nhà - đăng ký tham gia và kéo ba chị em lên sân khấu hát bè. Kết quả, Lan giành giải Đồng (Quán quân là Quang Anh, Á quân là Phương Mỹ Chi).
Sau đó, bộ tứ đặc biệt này tham gia bộ phim truyền hình dài tập Ký ức tuổi thơ của đạo diễn Đặng Minh Quốc và được mời đi biểu diễn ca nhạc khắp nơi.
Năm 2018, bốn chị em sang Mỹ du học cấp 3. Khi mới sang, sống nơi có ít người Việt và thời tiết lạnh giá nên mấy chị em đều trải qua cú sốc văn hóa. Nhưng họ nói nhờ có nhau, những khó khăn như được vơi bớt. "Ngay cả trên đất khách, học khác lớp, chúng tôi vẫn túm tụm mỗi giờ ra chơi, ăn trưa. Bạn mới của người này cũng trở thành bạn của cả đám còn lại", Linh Mai kể.
Một điều họ thấy thú vị khi tới Mỹ là không còn bị so sánh với nhau nữa. "Suốt những năm tháng trước đó ở Việt Nam, chúng mình đã luôn bị so sánh công khai rằng ai giỏi nhất, hát hay nhất, xinh nhất. Ngay cả khi đăng bài kỷ niệm sinh nhật 23 tuổi lên mạng, chúng mình cũng bị so sánh người này không đẹp bằng người kia", Lan nói.
Mỗi người đều có điểm mạnh, yếu và tỏa sáng theo cách khác nhau. Họ là một đội nhưng cũng là những cá thể riêng biệt. Linh Mai luôn dịu dàng và đảm đang. Là chị cả, cô thường là người dậy sớm nhất chuẩn bị bữa sáng, cơm trưa rồi mới gọi đánh thức các em. Hiện Mai học ngành Quản trị hệ thống thông tin tại ĐH Bang California.
Linh Lan là đứa nổi trội, cứng đầu và có chính kiến mạnh nhất nhà. Cô thường "bước ra khỏi vùng an toàn" sớm nhất nên luôn là người tư vấn, hướng dẫn cho các chị em còn lại. Cô cũng là người đầu tiên tốt nghiệp đại học và đang làm trong ngành tài chính.
Linh Cúc rất kiên trì, làm gì cũng muốn hoàn hảo tuyệt đối. Cúc có khiếu hài hước tự nhiên, ít nói nhưng mở miệng là gây cười. Cô cũng là người điệu nhất nhà, nên được gán biệt danh "Tư điệu". Cô Tư này đang theo đuổi ước mơ trở thành nha sĩ.
Em út Linh Trúc là người nhiều năng lượng, không biết sợ là gì và luôn đứng ra bảo vệ các chị em. Trong số bốn chị em, Trúc là người vẫn giữ được những nét cá tính từ nhỏ. Cô sẽ tốt nghiệp năm tới, ngành Visual Communication Design.
Là chị em sinh tư, họ cũng có "tâm tư tương thông" không thể giải thích được, đặc biệt Lan và Trúc xảy ra nhiều nhất. Khi Trúc đang hát một bài, không hẹn mà ở phòng kế bên Lan cũng đang hát câu còn lại. Lúc cô nghe một bài hát thấy hay gửi vào nhóm, trùng hợp Lan cũng đang nghe bài đó. Thậm chí đến đồng hồ sinh học của các chị em cũng gần như đồng nhất. "Việc trùng hợp suy nghĩ là xảy ra nhiều nhất suốt tuổi thơ đến cả bây giờ", Linh Trúc kể.
Xuyên suốt quá trình nuôi dạy con, vợ chồng bà Linh luôn cố gắng dành sự yêu thương đều nhất, để không con nào phải tủi thân hay tị nạnh. Ngày nhỏ mỗi lúc mua quần áo, đồ chơi đều phải là bốn món. Khi một bạn phạm lỗi thì tất cả đều bị trách phạt, dù cho chúng phản đối "không công bằng".
Đến nay, các con đều đang theo đuổi ngành riêng để lấy bằng cấp và tự lập trong tương lai. Cả bốn đều mong muốn một lúc nào đó được thử sức trong lĩnh vực nghệ thuật. "Chúng tôi tự hào nhất là chị em chúng lớn lên ngoan ngoãn, khỏe mạnh, phát triển đều đặn và hạnh phúc", người mẹ chia sẻ.
Đây cũng là những điều chị em Mai, Lan, Trúc, Cúc hãnh diện và biết ơn. "Bố mẹ luôn dạy chúng mình ở đời quý nhất là tiền mình làm ra, tự đứng trên đôi chân mình thì hạnh phúc, thành công mới có ý nghĩa", cô chị cả Linh Mai nói.
Phan Dương