Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ ba, 24/1/2023, 12:00 (GMT+7)

Nhà cổ 100 tuổi giữa cù lao

Bình DươngNhững căn nhà cổ được người dân cù lao Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, lưu giữ cho đến ngày nay trở thành nét đẹp truyền thống của vùng đất Thủ.

Nhà cổ Đỗ Cao Thứa có diện tích khoảng 500 m2 ở cù lao Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên được xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Đây là một trong hai căn nhà được UBND tỉnh Bình Dương công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Nhà cổ được xây dựng theo phong cách kiến trúc chữ Đinh, mái lợp ngói âm dương mang dáng dấp nhà vườn Nam Bộ xưa.

Gian chính của căn nhà được dọn dẹp, sửa soạn trưng bày hoa, trái cây... để đón Tết.

Trong nhà là 36 cột lớn được làm bằng gỗ quý, như lim, gõ đỏ... Các cột gỗ được thiết kế vững chắc, kiên cố hơn nhờ hai đầu được thu nhỏ, đoạn giữa phình to, tạo sự bề thế cho ngôi nhà.

Những bao lam, hoành phi, liên, đại tự, khánh thờ trang trí hoa văn cách điệu đã tạo nên những đường nét nghệ thuật độc đáo.

Mái trước có độ chúi thấp cách nền nhà 1,8 m. Hiên nhà rộng 1,2 m, được xây dựng kiên cố với 11 cây cột to tạo thành hàng, mỗi cột cao 1,8 m, kê trên một tảng đá đục tròn cao 30 cm.

Gạch lát nền có từ hơn 100 năm cùng tuổi đời căn nhà. Bà Hoa, chủ nhà cổ cho biết gạch này dù trải qua nhiều năm nhưng vẫn rất tốt. "Tôi ở đây gần 60 năm rồi, mọi đồ vật không thay đổi nhiều, nhà cũng chưa sửa chữa bao giờ nên đến nay vẫn giữ cái hồn cốt xa xưa của cha ông", bà nói.

Cách nhà cổ Đỗ Cao Thứa khoảng 2 km là nhà cổ Dương Văn Hổ, được xây dựng và đưa vào sử dụng vào năm 1914.

Ông Dương Hồng Điệp, 57 tuổi (cháu nội ông Dương Văn Hổ, chủ nhân căn nhà) cho biết qua 6 đời nơi đây vẫn được giữ gìn nguyên bản, chưa phải sửa chữa, trùng tu lần nào. Năm 2020, căn nhà được UBND tỉnh Bình Dương công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Nhà cổ Dương Văn Hổ cũng được xây dựng với phong cách truyền thống xưa với 5 gian, trong đó có ba gian thờ cúng, hai gian ngoài dùng làm buồng ngủ.

Ông Dương Tấn Hòa (cháu nội ông Dương Văn Hổ) đang giới thiệu về căn nhà cho người dân khi đến tìm hiểu.

Trên thanh kèo bằng gỗ có khắc năm hoàn thành căn nhà 1914. Theo ông Hoà, để hoàn thành căn nhà, ông Trần Hữu Nhâm (cha vợ ông Dương Văn Hổ) phải thuê nhiều thợ giỏi từ Huế, Quảng Nam vào làm từ năm 1911, sau ba năm mới xong.

Nhà có rất nhiều hình ảnh chạm khắc 4 mùa xuân hạ thu đông, nhiều con vật gắn với đời sống người dân, như công, dế, chuồn chuồn, đàn gà... thể hiện sự khéo léo của các nghệ nhân điêu khắc gỗ lúc bấy giờ.

Bộ đèn dầu thắp sáng gian chính của nhà cổ vẫn còn cho đến ngày nay.

Qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà vẫn được các thế hệ của dòng họ Dương gìn giữ, bảo quản tương đối tốt, trở thành một trong những di tích nhà cổ có lối kiến trúc gỗ độc đáo, hiếm hoi còn bảo tồn tương đối nguyên vẹn.

Căn nhà cổ Dương Văn Hổ nằm bên sông Đồng Nai thơ mộng, thu hút khách nước ngoài đến tìm hiểu, khám phá.

Phước Tuấn