Thứ hai, 2/12/2024
Thứ năm, 17/11/2022, 09:25 (GMT+7)

Nhà bọc kính vô cực ở miền Tây

Sóc TrăngVới hiệu ứng tạo ra bởi gương, không gian nội thất của ngôi nhà được nhân bản, một số vị trí sẽ cho góc nhìn vô cực.

Ngôi nhà diện tích 142 m2 là nơi ở của cặp vợ chồng trung niên tại thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú.

Ngôi nhà được cải tạo lại từ nhà cũ. Yêu cầu của gia chủ là có không gian sống với phong cách đơn giản, rộng thoáng, có nhiều diện tích trồng cây, nuôi cá. Đồng thời thiết kế mới phải giữ được thói quen sinh hoạt cũ của chủ nhà là thích nằm võng, ngoài ra có thêm khu vực phục vụ phòng khám bệnh tư nhân.

Mặt tiền công trình sử dụng hoàn toàn gạch kính, tạo hình uốn lượn theo dạng sóng, gợi nhớ sông nước miền Tây, giúp ngôi nhà một trệt một lầu như khoác lên mình chiếc áo lấp lánh.

Theo kiến trúc sư, với thiết kế này rất khó để người khác hiểu hết nét độc đáo của ngôi nhà nếu chỉ nhìn từ bên ngoài. Gạch kính còn đảm bảo sự riêng tư cho giải pháp không gian mở bên trong nhà những vẫn cung cấp đủ ánh sáng.

Vì mặt tiền chỉ dài 4,6m, hẹp và sâu nên vấn đề lớn nhất của công trình là thiếu ánh sáng. Để giải quyết vấn đề này, kiến trúc sư đã bố trí bốn giếng trời đan xen với không gian sinh hoạt, kết hợp các khoảng sân trước và sau giúp công trình vẫn đầy ánh sáng, gió trời.

Ngoài lưu thông không khí, dưới mỗi giếng trời đều được bố trí những mảnh vườn nhỏ, nhờ đó tạo cảm giác thư giãn cho chủ nhà, góp phần điều hòa tâm trạng người ở.

Ngôi nhà lấy cảm hứng thiết kế từ bộ phim hoạt hình CoCo của hãng Pixar. Bộ phim tập trung khai thác đề tài về tình cảm gia đình, sự kết nối giữa các thế hệ, các thành viên với nhau dù không cùng một thế giới.

Với cảm hứng này, kiến trúc sư mong muốn sáng tạo một cảm giác không gian mới, kết nối giữa không gian thực và ảo bằng nghệ thuật sắp đặt thông qua vật liệu gương.

Với hiệu ứng được tạo ra bởi gương lắp đặt xung quanh nhà, không gian được nhân bản để tạo cảm giác không gian rộng hơn thực tế. Từ hiệu ứng này, ở một số điểm nhìn sẽ cho góc nhìn vô cực.

Một số chi tiết trong nhà như vòm cửa sổ ở không gian đọc sách tầng hai thậm chí chỉ được tạo hình một nửa, khi gặp phản xạ của gương sẽ tạo ra chi tiết hoàn chỉnh.

Đây là thủ pháp để giải phóng không gian cho nhà phố có chiều ngang hẹp, giúp mở rộng không gian về mặt cảm giác đồng thời cũng mang tính ý niệm mà kiến trúc sư muốn truyền tải vào công trình.

Tại khu vực sinh hoạt chung, kiến trúc sư đã kết hợp bếp ăn thành một với thủ pháp vay mượn không gian. Đây là việc kết nối giữa hai không gian trong thiết kế nội thất nhằm tạo tính liên kết và tối ưu diện tích.

Bằng thủ pháp này mà không gian bếp ăn có thể mở rộng khi cần. Từ bàn ăn 6 ghế lên tới 18 ghế khi có đám tiệc hoặc tiếp khách đông cùng một lúc.

Không gian thư giãn của gia chủ nằm dưới một giếng trời với hệ cây xanh và hồ cá Koi bên cạnh.

Với diện tích hạn chế của khu đất nhưng chủ nhà có số lượng lớn cây xanh cũng như nhu cầu nuôi cá Koi nên kiến trúc sư đã lồng ghép các không gian lại với nhau thành một không gian chung. Hồ cá ngoài vai trò tạo cảnh quan còn kết hợp với giếng trời giúp cải thiện vi khí hậu cho ngôi nhà.

Sỏi trên mái kính là giải pháp làm cho ánh sáng được lọc bớt, giúp tán xạ ánh sáng vào trong nhà, mang lại hiệu ứng ánh sáng đẹp và phù hợp cho sinh hoạt bên dưới.

Gạch bông gió được sử dụng tại nhiều vị trí trong nhà và sân sau, làm tăng giá trị trang trí và cảm giác thông thoáng. Ngoài ra tác dụng của loại gạch này còn chặn được nước mưa từ bên ngoài, giúp gió đối lưu xuyên các phòng từ mặt tiền đến cuối nhà.

Cách lựa chọn và sắp xếp gạch bông gió cũng được kiến trúc sư cân nhắc để quay theo các hướng khác nhau, vừa tạo tính thẩm mỹ vừa thoát nước, thông gió hiệu quả.

Tại không gian riêng tư như phòng ngủ kết hợp phòng làm việc ở tầng hai, kiến trúc sư còn tạo cửa sổ từ gạch kính.

Ngoài tác dụng lấy nắng gió, kết nối giữa không gian trong nhà với bên ngoài, cửa sổ còn cho cho phép gia chủ thoải mái ngắm nhìn không gian phía dưới. Khi đóng lại, không gian bên trong dù kín đáo nhưng vẫn nhiều ánh sáng.

Tại phòng ngủ chính dưới tầng trệt, khu vườn nhỏ ngay dưới khoảng thông tầng khiến không gian phòng được kết nối trực tiếp với nắng gió bên ngoài.

Khu vực vệ sinh trong suốt bằng kính nằm giữa phòng, tạo cảm giác rộng rãi. Chủ nhân không cần lo lắng về vấn đề riêng tư, bởi chỉ có họ mới sử dụng khu vực vệ sinh này. Lớp kính đảm bảo kín để tránh mùi và nước bắn ra ngoài.

Bản vẽ công trình.

Ngôi nhà hoàn thành trong 4 tháng, chi phí không được tiết lộ.

Nhà bọc kính vô cực ở miền Tây
 
 

Trang Vy
Thiết kế và thi công: Công ty Kiến trúc Duy Lê (DuyLe Architects)
Ảnh: Triệu Chiến