Thiết bị nhà bếp thông minh là gì?
Vài năm trở lại đây, mọi thứ trong cuộc sống của con người đang bắt đầu trở nên "thông minh" lên, từ điện thoại, dây đeo tay, kính thông minh cho tới các thiết bị phổ thông hơn như máy lạnh thông minh, tủ lạnh thông minh, TV thông minh, đèn thông minh...
Khi các vật dụng trong phòng khách và phòng ngủ đã được "nâng cấp", nhà bếp chính là nơi tiếp theo được chú ý tới. Tại các hội chợ công nghệ lớn, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thiết bị như bếp điện, chảo, thùng rác, nồi cơm, máy pha cà phê... được tích hợp tính năng "thông minh" là một minh chứng rõ ràng nhất. Bên cạnh đó, những thiết bị hỗ trợ khác cũng được nghĩ tới như máy kiểm soát nhiệt độ bếp, nhiệt độ thực phẩm, thiết bị phân tích và đánh giá phẩm chất rượu, đĩa đo lượng calo của thực phẩm, khay đựng có khả năng báo trứng sắp hỏng...
Chúng có thực sự "thông minh"?
Sự xuất hiện của các sản phẩm công nghệ mới này được quảng cáo là nhằm thay đổi thói quen sinh hoạt và nâng cao giá trị cuộc sống của người tiêu dùng. Nhưng theo chuyên trang đồ gia dụng ZoL, đây thực tế chỉ là các thiết bị được tạo ra để "tận dụng" khoản tiền nhàn rỗi của những người giàu có. Bởi hiệu quả thực sự mang lại không quá nhiều như quảng cáo và thậm chí nhiều thiết bị không thực sự phù hợp với thực tiễn.
Khái niệm thiết bị thông minh được tạm hiểu là nhấn mạnh các sản phẩm có khả năng thông qua việc tự phân tích, bắt chước hoạt động, học tập thói quen của con người để mô phỏng lại, làm giảm đi các công việc phải làm hoặc khó làm của người dùng. Tuy nhiên, với hầu hết các thiết bị nhà bếp thông minh hiện nay, nhà sản xuất dường như đã bóp méo chúng một cách có mục đích.
Trên thực tế, các tính năng được sáng tạo ra mang lại hiệu quả nhất định nhưng không phải là điều "thông minh" mà người sử dụng thật sự cần.
Đầu tiên, các tính năng này chủ yếu vẫn là hiển thị thông báo và cho phép người dùng điều khiển thông qua điện thoại hoặc thiết bị di động, thông qua các ứng dụng riêng của nhà sản xuất. Đó có thể là việc tắt mở, hẹn giờ, báo chế độ hoạt động, điều kiện hoạt động... Điều này giống như việc biến điện thoại thành một thiết bị điều khiển từ xa, không dây của các sản phẩm này.
Chúng mang tới cho người dùng nhiều thông tin hơn, khả năng kiểm soát tốt hơn nhưng cũng đi kèm các rắc rối. Đó là việc phải bổ sung một hệ thống mạng không dây riêng cho cả căn nhà. Người dùng phải đảm bảo là bản thân luôn phải ở trong tầm phủ sóng. Hãy tưởng tượng tới việc trong quá trình chuẩn bị bữa tối, kết nối mạng gặp trục trặc và bạn không thể kịp xoay xở với các thiết bị đã được thiết lập chế độ tự động. Càng bị phụ thuộc vào các thông báo từ điện thoại hoặc qua âm thanh, người dùng càng trở nên bị động trước các thay đổi không lường trước. Với những nhà có trẻ nhỏ hoặc người già, những "cỗ máy thông minh" này giống như một "kẻ thù" khó ưa và bản thân họ rõ ràng sẽ không thể biết cách xử lý các vấn đề tưởng như đơn giản, ví dụ như bấm nút khởi động lại hệ thống.
Thứ hai, nhiều tính năng trên các sản phẩm nhà bếp thông minh hiện nay mang tính phô diễn công nghệ chứ không dựa trên nhu cầu của người dùng. Ví dụ, một chiếc bếp gas có màn hình hiển thị nhiệt độ của nó trên điện thoại di động. Tính năng này trông khá thân thiện, có thể giúp phòng chống cháy nổ cho gia đình. Nhưng liệu có người đầu bếp nào cần quan tâm tới chỉ số nhiệt độ khi họ có thể nhanh chóng đọc được các thông tin cần thiết qua độ lớn của ngọn lửa, màu sắc hay mùi thức ăn. Cũng không khả thi khi vừa nấu ăn, người sử dụng lại liên tục cầm điện thoại lên để kiểm tra nhiệt độ của bếp. Và khi nhiệt độ của bếp vượt quá ngưỡng cho phép, liệu người dùng có đang cầm điện thoại để nhận được cảnh báo kịp thời trước khi quá muộn. Trên thực tế các tính năng "thông minh" này có thể tạo ra hiệu quả trong một số trường hợp, nhưng hầu hết sẽ là vô dụng bởi chúng trái ngược với thói quen thường ngày của mọi người.
Một thiết bị nhà bếp thực sự thông minh sẽ như thế nào?
Theo quan điểm của nhiều người, một thiết bị thực sự thông minh không nên làm cho người dùng cảm thấy sự hiện diện của nó. Bởi những gì chúng ta cần không phải là một hoạt động nền tảng riêng biệt mà là các chức năng có thể chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh.
Ví dụ, nhiều người khi nấu ăn thường quên bật thiết bị thông gió khiến cả căn bếp ngập trong mùi thức ăn. Điều này có thể giải quyết bằng một thiết bị thông minh có thể tự khởi động khi phát hiện ra sự thay đổi lớn về bầu không khí trong không gian bếp. Hoặc các loại bếp gas có thể tự động phát hiện việc quá lửa khiến thức ăn có thể bị cháy để tự động ngừng hoạt động.
Tất nhiên, để biến ý tưởng thành thực tiễn cần đi một chặng đường rất dài bởi vẫn còn không ít hạn chế về kỹ thuật, thiết kế và cả giá thành sản phẩm. Nhu cầu của người tiêu dùng cũng luôn biến đổi và ngày một được mở rộng. Nhưng rõ ràng, hiểu và đáp ứng được nhu cầu thực sự của người sử dụng mới có thể gọi là sản phẩm thông minh thực sự.