Ông mất khi đang trên đường vào Nam thăm lại đồng nghiệp, đồng đội làm báo một thời ở Thông tấn xã Việt Nam. Ông đi cùng em trai, nhà báo Trần Mai Hưởng.
Tối cùng ngày, nhiều đồng nghiệp cho biết bàng hoàng khi hay tin buồn. Trên trang cá nhân, nhà báo Phạm Mạnh Hùng đăng lại bài viết năm 2015 - "Biên bản" chưa đầy đủ về nhà báo Trần Mai Hạnh, có đoạn: "Từ công việc làm báo, trải qua bao chức vụ quan trọng, vinh quang và cay đắng, ông lại trở về với nghề báo theo đúng nghĩa của nó. Về ông, có thể có những cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, nhưng tư chất của một nhà báo lão luyện, một nhà quản lý báo chí bản lĩnh, có tầm chiến lược, thì không ai có thể phủ nhận được".
Lễ viếng tổ chức vào 9h đến 10h ngày 5/4 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội. Lễ truy điệu và di quan vào lúc 10h30 cùng ngày. Linh cữu ông được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Ông Trần Mai Hạnh sinh năm 1943, quê Hải Dương, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn (nay là Khoa văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), sau đó làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam. Từng là nhà báo chiến trường, ông có mặt ở nhiều điểm nóng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, là người chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử ở Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.
Thời mới cầm bút sáng tác, Trần Mai Hạnh đoạt giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 1970 - 1971. Ông có một số tác phẩm như Nắng Thu Bồn, Tình yêu và án tử hình, Sụp đổ và tự thú, Ngày tận thế, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Lời tựa một tình yêu, Thời tôi sống.
Trong đó, tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 từng được dịch ra tiếng Anh, giành giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2014, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015. Cuốn sách là tiểu thuyết tư liệu lịch sử, viết về những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa kể từ chiến thắng Phước Long (tháng 1/1975) của Quân Giải phóng tới những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập, bao gồm trọn vẹn bốn tháng: 1 - 2 - 3 - 4 năm 1975. Trần Mai Hạnh thu thập tư liệu trong khoảng 10 năm, từng định xuất bản năm 2002 nhưng phải gác lại. 10 năm sau, ông viết lại bản thảo, xuất bản tháng 4/2014.
Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng hai khóa tám và chín, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 10. Ông còn nguyên là phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, kiêm tổng biên tập báo Nhà Báo và Công Luận.
Năm 2003, ông bị đình chỉ mọi chức vụ do liên quan vụ án Năm Cam, bị kết án chín năm tù. Năm 2005, ông được đặc xá. Sau khi ra tù, ông tiếp tục viết báo, viết văn với bút danh Trần Nhật Thi. Năm 2010, ông sử dụng lại tên thật, Trần Mai Hạnh.
Hà Thu