Khi Italy đang phong tỏa cả đất nước để ngăn chặn Covid-19, nhiều cơ quan báo chí ở nước này gần như không thể tác nghiệp.
Cho đến nay, Italy là ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc đại lục, với hơn 15.000 ca nhiễm, hơn 1.000 ca tử vong. Nhằm kiềm chế dịch, hôm 8/3, Thủ tướng Giuseppe Conte đã ra lệnh phong tỏa cả đất nước, cấm đi lại trừ trường hợp cấp thiết, hủy tất cả các sự kiện hay các cuộc tụ họp.
Công chúng bị hạn chế ra khỏi nhà, nhưng các nhà báo vẫn có thể đi tác nghiệp với điều kiện họ có giấy phép – thứ không hề dễ có với các phóng viên tự do. Tin tức tập trung hầu hết vào Covid-19 nên việc các phóng viên khó tác nghiệp sẽ khiến thông tin về các vấn đề thời sự khác ít đi hẳn và chìm nghỉm trong biển tin về dịch bệnh.
Hôm 10/3, phóng viên Adeesha Uyangoda được đặt hàng một bài viết. Để hoàn thành, cô phải phỏng vấn một số người và chụp vài bức ảnh. Điều đó có nghĩa là cô phải ra khỏi nhà. "Việc này có an toàn với cô không?", biên tập viên hỏi Uyangoda. Câu hỏi khiến Uyangoda suy nghĩ và ngập ngừng một chút trước khi nhận lời. Sau đó, cô nhớ ra mình không thể ra ngoài và lang thang khắp thành phố mà không có lý do đủ lớn. Cô cần có giấy phép để được tự do di chuyển nhưng tòa soạn ở cách xa và chưa thể chuyển đến cho Uyangoda.
Adeesha Uyangoda nghĩ thầm: "Tôi đang ở Milan, một nơi quen thuộc và là nơi tôi chưa bao giờ cảm thấy nguy hiểm". Nhưng kể từ chiều thứ bảy tuần trước (7/3) mọi thứ có vẻ khác. Người dân, du khách, sinh viên quốc tế, công nhân... đã rời Lombardy, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch.
Nữ phóng viên lái xe đến ga trung tâm Milan với nỗi lo sẽ bị cảnh sát chặn lại và kiểm tra. Rất may là điều đó không xảy ra và cô đã phỏng vấn được một số người đang rời khỏi thành phố, cẩn thận giữ một khoảng cách hợp lý với họ. Uyangoda nhận thấy cô không phải là người duy nhất chú ý đến việc giữ khoảng cách. Một số người đeo khẩu trang nên rất khó nghe rõ họ nói gì. Tất cả đều rất cảnh giác.
Ga trung tâm Milan đang rất vắng vẻ. Vào thời điểm này, một vài tuần trước, có rất nhiều người đến và đi, ngồi tán gẫu và uống cà phê bên những chiếc bàn đặt ngoài các quán ăn tự phục vụ. Giờ đây, hầu hết các quán đều đã đóng cửa với thông báo có nội dung: "Do tình trạng Covid-19 khẩn cấp, chúng tôi đóng cửa cho đến khi có thông báo tiếp theo".
Một số cửa hàng vẫn mở, tuy nhiên cũng không có khách. Trên cửa sổ của những cửa hàng này có một bảng hiệu ghi: "Chúng tôi đảm bảo khoảng cách tối thiểu là một mét giữa mọi người. Chúng tôi vui lòng yêu cầu khách hàng chỉ vào một hoặc hai người một lúc".
Nhà báo Luigi Mastrodonato ở Milan cho biết các nhà báo mảng thể thao, giải trí và sự kiện không có gì để viết trong vài tuần qua. Phóng viên thời sự thì phải dồn sức đưa tin về dịch bệnh. "Covid-19 đã tiêu diệt hết các lĩnh vực khác", Mastrodonato nói.
Mastrodonato tin rằng những sai lầm khi đưa tin về Covid-19 đã góp phần vào sự hỗn loạn và nhầm lẫn về sự lây lan của dịch bệnh ở Italy. Theo ông, một số báo đăng tải về các dự thảo luật như thể chúng đã được thông qua. Ngay cả báo chí chính thống cũng đưa những tin không đúng sự thực.
"Đang có cuộc đua xem ai đăng tin trước, nhưng điều đó chẳng giúp gì cho người dân trong thời điểm khó khăn này" Mastrodonato nói. "Chưa bao giờ đạo đức báo chí quan trọng như hiện nay. Nhà báo phải có trách nhiệm đưa tin một cách rõ ràng và cân bằng về những gì đang xảy ra cũng như cách thức hành xử. Cách người dân phản ứng với tình hình khẩn cấp tùy thuộc vào việc nó được mô tả thế nào".
Lệnh hạn chế đi lại cũng đang gây ra nhiều rắc rối cho các nhà báo. Vì nhiều hãng hàng không hủy các chuyến bay tới Italy và nhiều nước cấm người Italy nhập cảnh, việc đưa tin về các sự kiện quốc tế vào lúc này là điều không thể.
Những bài viết về tình hình trong nước cũng phải thay đổi liên tục. Nhiều bài phải chỉnh sửa hoặc thậm chí phải bỏ đi toàn bộ vì diễn biến mới quá nhanh.
"Tôi đã viết về cách các nhà tù đối phó với dịch bệnh hiện tại, nhưng tôi không thể vào tù hoặc nói chuyện với các tù nhân một cách chính xác do những hạn chế", Mastrodonato nói.
"Chúng tôi phải điều chỉnh một phần cách làm báo của mình, tìm kiếm những câu chuyện có thể đưa tin được trong tình hình hiện tại", phóng viên này cho hay.
Ánh Dương (Theo The Guardian/Journalism.co.uk)