Tại tọa đàm "Giải pháp cho doanh nghiệp và nền kinh tế hậu Covid-19 từ ngành tài chính - ngân hàng", phát sóng sáng 11/11 trên VnExpress, giới chuyên gia đã chia sẻ góc nhìn từ ngành tài chính - ngân hàng trên thế giới và Việt Nam.
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp từ ngân hàng
Trước tác động của Covid-19, các Chính phủ và ngân hàng trung ương hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng và phục hồi nền kinh tế. Một trong những câu hỏi lớn của doanh nghiệp là tiếp cận nguồn vốn để vực dậy sau thất thoát doanh thu, giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.
Đại diện Vietcombank, bà Nguyễn Thùy Ninh - Phó Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp lớn phía Bắc của Vietcombank cho biết giữa tháng 2, ngân hàng triển khai nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ, chia sẻ với doanh nghiệp ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có 2 đợt hỗ trợ lãi suất với các doanh nghiệp, cá nhân chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Có khoảng 200.000 khách hàng hưởng lãi suất ưu đãi, quy mô gói tín dụng 650.000 tỷ đồng.
Việc thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo thông tư 11, cũng là một trong những biện pháp mà Vietcombank đã đẩy mạnh triển khai. Mức dư nợ cơ cấu đến thời điểm hiện tại khoảng trên 12.000 tỷ đồng", bà Ninh bổ sung. Ngoài ra, ngân hàng đẩy mạnh triển khai các dịch vụ ngân hàng số, góp phần giảm tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo hoạt động thanh toán của khách hàng diễn ra thông suốt.
Cách ngân hàng quốc tế 'vực dậy' nền kinh tế
Từ điểm cầu Paris, Pháp, GS Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc Nghiên cứu trường kinh doanh IPAG (Paris) chia sẻ về biện pháp của chính phủ các nước, các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Theo GS Khương, các ngân hàng trung ương đóng vai trò quan trọng trong ứng phó với khủng hoảng. Ở phạm vi toàn cầu, hai ngân hàng tiêu biểu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho khối đồng tiền chung Euro. Các giải pháp bao gồm chính sách tiền tệ nới lỏng hướng đến kích cầu, khuyến khích sản xuất và tăng thanh khoản cho thị trường.
Ba công cụ và giải pháp chính được sử dụng. Thứ nhất, giảm lãi suất cơ bản và giữ mức lãi suất này thấp trong khoảng thời gian đủ dài. Thứ hai là chương trình mua lại tài sản, chủ yếu là trái phiếu, từ các tổng công ty, tập đoàn hay ngân hàng. Thứ ba cung cấp vốn vay, ưu đãi cho ngân hàng thương mại, hỗ trợ chính sách để ngân hàng hạ lãi suất cho vay, cơ cấu thời gian trả nợ với khách hàng vay vốn, cuối cùng là bảo lãnh vốn vay của doanh nghiệp.
"Với tình hình dịch bệnh kéo dài và suy thoái sâu ở hầu hết quốc gia, nhiều khả năng các ngân hàng trung ương phải tiếp tục những chính sách này, chí ít đến cuối năm nay", GS Khương nhận định.
Theo vị này, về nguyên tắc, Việt Nam cũng có thể áp dụng những công cụ này. Chính phủ cũng đưa ra nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp, hộ gia đình với chỉ thị 11 từ tháng 3. Trong đó có sự kết hợp giữa gói tín dụng ưu đãi và gói hỗ trợ về tài khóa. Ngân hàng nhà nước giảm lãi suất điều hành, như lãi suất vốn vay ngắn hạn, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất vay qua đơn...
Ở châu Âu, Pháp là nước tiên phong với cam kết 4 tỷ Euro dành cho tài trợ, bảo lãnh trong nước cho các khoản vay và giảm thuế với startup. Các quốc gia khác như Thụy Sĩ, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức... cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ cho startup.
Chuyên gia cho rằng theo xu hướng này, Việt Nam cần tính đến các đặc điểm có tính chất đặc thù của Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực cần phát triển lâu dài để ưu tiên hỗ trợ. GS Khương lấy ví dụ về việc phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu, hướng đến định vị cao trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Liên quan đến chủ đề này, TS Lê Võ Phương Nga, Giám đốc Quản lý Rủi ro tài chính, Ngân hàng Đầu tư và Tín dụng Nông nghiệp Pháp (Credit Agricole CIB) cũng chia sẻ về cách ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với những khó khăn tương tự. Theo TS Nga, trong Covid-19 ngân hàng phải học cách xoay sở với các giải pháp trong những tình huống cấp bách, vừa làm cầu nối cứu trợ doanh nghiệp.
"Nếu khủng hoảng trước đây, khối ngân hàng trong trạng thái tâm bão, nơi cần phải cứu trợ. Thì trong Covid-19, khối ngân hàng thay đổi hoàn toàn vai trò khi đứng về phía các giải pháp và hỗ trợ cho nền kinh tế", bà Nga phân tích.
Bà Nga cho biết ở châu Âu và Mỹ, khối ngân hàng thường trực trong mọi giải pháp, từ giải pháp của Chính phủ tới các thể chế, định chế về ngân hàng, làm cầu nối kết nối cho doanh nghiệp. "Họ sáng tạo các gói hỗ trợ mới, cải thiện quy trình hiện có để thích hợp với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp không chỉ tiếp cận vốn mà còn đồng hành với họ trong phát triển và vực dậy nền kinh tế", bà Nga nói.
Tại Pháp, ngoài hỗ trợ tiền mặt, chính phủ tung gói hỗ trợ cam kết bảo lãnh cho các doanh nghiệp, để các ngân hàng rót vốn. "Một trong những khó khăn của cuộc khủng hoảng là ngân hàng tuy nhiều vốn nhưng không dám tăng rủi ro nợ xấu. Nhưng nhờ gói bảo lãnh, các ngân hàng đã mạnh dạn hơn trong rót vốn", vị này nhận định.
Chuyển đổi số lên ngôi
Theo TS Lê Võ Phương Nga, tăng trưởng tín dụng không còn là chỉ số duy nhất được đo đếm, cấu trúc cho vay và những đổi mới sáng tạo mới là chỉ số đáng quan tâm. Đây là cơ hội cho các ngân hàng có sự điều chỉnh, hướng tới những nhu cầu khác, hướng tới sự phát triển bền vững.
Khối ngân hàng phục vụ những nhu cầu hiện đại, dựa trên số hóa, hệ thống ngân hàng trực tuyến tiếp tục được phát triển. Các ngân hàng bản địa sẽ thay thế bởi các ngân hàng trực tuyến. Kinh tế tiền mặt sẽ rút ra khỏi vòng quay, mobile banking lên ngôi. Những ngân hàng nào đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ ghi điểm, rút ngắn hoặc tạo khoảng cách lớn với các ngân hàng còn lại.
Ngoài ra, ngân hàng sẽ chuyển động theo nhu cầu của nền kinh tế sau Covid-19. Đơn cử, các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh thú vị về chăm sóc y tế, các mặt hàng cơ bản về gia dụng tiện lợi, đặc biệt là công nghệ thông tin sẽ được chú trọng. "Nhu cầu nào của nền kinh tế cần được phát triển, sự tái cấu trúc tài sản của ngân hàng sẽ chuyển dịch theo hướng đó", bà Nga nhận định.
Trong khi đó, GS TS Nguyễn Đức Khương cho rằng, sau đại dịch, những vấn đề như biến đổi khí hậu, môi trường, sức khỏe và hạnh phúc của người dân là những điều cần được quan tâm. Ngân hàng cần có các sản phẩm vốn ưu tiên cho các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội cùng các dự án sáng kiến công nghệ thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và xanh.
Điều thứ hai là mong muốn giảm sự phụ thuộc bên ngoài, hướng vào thị trường nội địa, đa dạng đầu vào và đầu ra. Các ngân hàng và thể chế tài chính có thể là đòn bẩy hỗ trợ, thúc đẩy sự ra đời những cụm kinh tế có sức sáng tạo cao, trong đó có sự gắn kết với các tập đoàn, doanh nghiệp...
Hoài Phong
Tọa đàm kinh tế bàn về các kịch bản tương lai của nền kinh tế Việt Nam, "trạng thái bình thường mới" trong và sau đại dịch Covid-19. Đại diện các Bộ Ban ngành, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế... sẽ cùng nhau bàn luận các giải pháp, tìm hướng đi trong tương lai, nhất là các ngành bị nhiều ảnh hưởng như Du lịch, Hàng không, Vận chuyển, Sản xuất, Nông nghiệp... Chương trình do Báo điện tử VnExpress tổ chức, với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. |