Các học sinh ở Viện Rosenberg làm việc nhiều năm để phát triển nguyên mẫu nhà ở trong không gian dành cho những phi hành gia tương lai, có thể lắp vừa bên trong lớp vỏ tên lửa Starship của SpaceX. Nguyên mẫu được giới thiệu hôm 20/7 là kết quả hợp tác với công ty kiến trúc Đan Mạch SAGA Space Architects, theo Space. Tòa nhà 3 tầng bao gồm nhiều không gian để phi hành gia làm việc và giải trí.
Trong những năm tới, nhóm học sinh của Viện Rosenberg sẽ hoàn thiện module học tập bên trong khu nhà. Theo Viện Rosenberg, đây sẽ là công trình polymer in 3D cao nhất thế giới ( 7 m).
Theo Bernhard Gademann, tổng giám đốc Viện Rosenberg, họ mất 2 năm để tạo ra khu nhà mang tên Rosenberg Space Habitat từ ý tưởng ban đầu và mô hình giấy. Lớp vỏ ngoài in 3D của công trình được sản xuất ở Milan trong khi kết cấu bên trong được tạo ra tại Copenhagen. Sử dụng polymer trong in 3D cung cấp độ linh hoạt cao hơn bê tông.
Để đối phó với bức xạ cực tím (UV) cao trên bề mặt Mặt Trăng hoặc sao Hỏa, vật liệu dùng để in 3D có chất ổn định hóa giúp tăng độ bền. Tuy nhiên, phi hành gia có thể phá dỡ khu nhà và tái sử dụng polymer để tạo ra cấu trúc mới nếu cần. Một robot tên Spot và nội thất đa năng sẽ giúp cư dân tận dụng tối đa không gian chật hẹp bên trong khu nhà.
Viện Rosenberg đã lên kế hoạch kiểm tra phần cứng, phần mềm, hệ thống điều khiển từ xa dùng cho Rosenberg Space Habitat. Các học sinh cũng sẽ tham gia vào nhiều dự án khác mô phỏng cách hệ thống phức tạp tương tác giữa các bộ phận và làm việc với trí tuệ nhân tạo.
An Khang (Theo Space)