Ngày 3/7, chủ đầu tư dự án chung cư VP5 Linh Đàm là Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số I Lai Châu chính thức mở bán căn hộ với mức giá gốc dao động từ 14-16 triệu đồng một m2, tùy từng tầng. Tuy nhiên, ngay sau khi được mở bán, giá chênh các căn hộ được đẩy lên mức rất cao, gần 300 triệu đồng.
Chị Ngọc Anh, một "cò" có mặt tại sàn Mường Thanh sáng 4/7 giơ tập giấy photo gồm danh sách các căn hộ và mức giá chênh tương ứng. Theo đó, một căn góc ở tầng 15, giá gốc 16 triệu đồng có mức giá chênh cao nhất lên tới 280 triệu đồng. Mức giá chênh thấp nhất là khoảng 135 triệu đồng đối với căn hộ ở tầng 28.
Đại diện sàn bất động sản Thành Đạt, chị Thi cũng báo giá chênh cao nhất tại đơn vị này cũng lên tới 265 triệu đồng, mức thấp nhất là 215 triệu. "Những căn ở các tầng trung và diện tích rộng thì có giá chênh cao hơn", chị Thi lý giải.
Lãnh đạo một sàn địa ốc tại Hà Nội nhìn nhận đây là mức chênh quá cao ở thời điểm hiện nay. "Trước đây, thời địa ốc còn sốt, thì chênh lệch không có gì là lạ. Hiện đối với mỗi giao dịch thành công, môi giới chỉ dám đòi chênh khoảng 1,5-2% giá trị căn nhà là cùng. Theo đó, với những căn hộ như dự án này, giá chênh tầm 20 triệu đồng", vị này nói.
Lý giải về mức giá chênh cao, chị Ngọc Anh cho biết, không phải là do môi giới "ăn dày". Chị tiết lộ, để mua được một sàn khoảng 25 căn hộ tại dự án này, đơn vị của chị phải nộp thêm 2 tỷ đồng tiền chênh cho chủ đầu tư. Theo đó, so với giá gốc, mỗi căn chịu thêm tiền chênh khoảng 80 triệu đồng.
"Một số sàn mua những tầng đẹp còn phải chịu thêm tiền chênh gần 3 tỷ mới dành được suất. Do đó, khi bán ra, chúng tôi buộc phải nâng số chênh lên cao mới có lãi. Bây giờ nhà đất khó làm ăn rồi, có phải cứ muốn ăn dày là được đâu", chị Ngọc Anh phân trần.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Xí nghiệp tư nhân xây dựng số I Lai Châu phủ nhận thông tin thu chênh thêm khoản chênh 2 - 3 tỷ đồng đối với mỗi sàn căn hộ.
Lý giải về mức giá chênh mà "cò" đưa ra quá cao, ông Thản cho biết, đây là do thị trường quyết định. "Khi đã bán ra, chúng tôi không có quyền can thiệp đến các giao dịch sau đó. Khách hàng và môi giới tự thỏa thuận với nhau sao cho thuận mua vừa bán", vị này nói.
Một chuyên gia bất động sản dự đoán, việc đưa ra giá gốc thấp, trong khi yêu cầu các sàn mua lại suất phân phối với mức chênh cao có thể là một chiêu lách của chủ đầu tư. "Với mức giá dưới 15 triệu đồng, khách hàng có thể được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ. Hơn nữa, người mua khi nghe đến mức giá mở bán rẻ, bao giờ cũng bị thu hút hơn", vị này nói. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc tạo ra mức giá chênh cao lại khiến cho người mua nhà cảm thấy hoang mang và lưỡng lự xuống tiền.
Theo khảo sát của VnExpress.net, ngay trong buổi mở bán dự án, các khách lẻ đều không thể mua được nhà trực tiếp từ chủ đầu tư mà phải mua qua môi giới. Ông Thản cũng thừa nhận đơn vị này không bán lẻ mà khách hàng phải mua từ 5 căn trở lên mới được giao dịch trực tiếp với chủ đầu tư.
Tuy nhiên, thấy mức giá chênh quá cao, hầu hết khách hàng đều cảm thấy lưỡng lự khi xuống tiền, giao dịch chủ yếu được thực hiện giữa các "cò" với nhau. Do đó, giá chênh lại càng bị đẩy vô tội vạ. Có mặt tại sàn cả vào sáng 3 và 4/7 để tìm mua một căn hộ, tuy nhiên bác Chung (Hoàng Mai) đã quyết định về tay không.
"Tôi định mua một căn hộ hơn 72 m2, giá gần 16 triệu nhưng họ đòi chênh thêm 280 triệu đồng. Như vậy tính ra mỗi m2 căn hộ vào tầm 20 triệu đồng, không còn là rẻ nữa", bác Chung tính toán. Khách hàng này cho biết sẽ chờ một thời gian, thị trường lắng xuống sẽ đưa ra quyết định.
Nghe nói dự án này mở bán với mức giá hợp lý, vợ chồng chị Hoan (Hà Đông) cũng đến sàn Mường Thanh để tìm mua một căn hộ tầm 45m2. Tuy nhiên, đến nơi chị mới biết giá chênh phải chi cho "cò" là 140 triệu đồng. Giá gốc chỉ là 14,5 triệu nhưng nếu thêm tiền chênh cao như vậy thì tính ra mối m2 bị đắt thêm hơn 3 triệu đồng. Vợ chồng chị cũng cho biết sẽ chờ một thời gian nữa mới quyết định.
Ngọc Tuyên