Tác phẩm nối tiếp tập Những bình minh khác xuất bản năm 2001. Gần 270 trang thơ được chia thành năm phần Hoa lạ, Hỗn độn và khu vườn, Trầm cảm đô thị, Chàng thơ, Hoa nở không tên, tổng hợp các bài Nguyễn Vĩnh Tiến viết từ thập niên 1990, gợi hình dung phần nào về cuộc đời và sự nghiệp của anh.
Trong tập thơ, Nguyễn Vĩnh Tiến đưa bạn đọc đi từ miền nông thôn tới thành thị, gửi gắm chiêm nghiệm về thân phận con người, các mối quan hệ của đời sống, nỗi lòng hướng về nguồn cội hay soi chiếu chính bản thân tác giả.
Ví dụ ở bài Bụi áo quần của phần hai - Hỗn độn và khu vườn, nhà thơ tự vấn: ''Hãy để tôi nhìn tôi. Như một sự già dặn. Đã trôi qua mất rồi. Như một điều thơ trẻ. Trong như giọt sương rơi. Tôi còn lại gì nào. Những hành vi dại dột. Những lời nói tối tăm. Những câu thơ say khướt...''.
Nguyễn Vĩnh Tiến dành chương Chàng thơ để bày tỏ khát vọng yêu và được yêu. Trong bài Yêu đi!, tác giả bộc bạch: ''Em nói yêu đi. Em nói yêu anh đi. Như rừng cây yêu bạt ngàn gió thổi. Nhưng em không nói. Em không nói...". Đôi lúc, nhà thơ suy ngẫm: ''Thi sĩ không nên lấy vợ. Nhạc sĩ sống một mình cũng chẳng sao... Nốt nhạc lúc thấp lúc cao. Thất thường nhịp phách, mưa rào nội tâm...'' ở bài Chàng thơ - 01.
Các bài thơ hầu như không tuân theo một thể loại hay cấu trúc vần điệu, gợi cảm giác về những ý tứ được tuôn theo cảm xúc. Lý giải điều này, nhà thơ cho biết không muốn bó buộc điều gì ở mọi sáng tác của mình. ''Tôi yêu thích sự tự do'', anh nói.
Tại sự kiện ra mắt sách hôm 23/6, nhà phê bình Trần Ngọc Hiếu nhận định có hai thế giới được Nguyễn Vĩnh Tiến khai thác mãi không cạn, đó là ''trung du và tuổi thơ''. Theo dõi nhà thơ hơn 20 năm qua, Trần Ngọc Hiếu ấn tượng ở sự chân thật, bộc trực được phản ánh qua từng con chữ của anh.
Nguyễn Vĩnh Tiến thể hiện điều này ở phần cuối - Hoa nở không tên. Tác giả viết về bố mẹ, ngày giỗ ông bà nội ngoại, không khí mùng một Tết. Trong Chỉ nên là cậu bé trung du, nhà thơ viết: ''Tôi chỉ nên là. Cậu bé trung du buồn. Cặm cụi lớn. Để trôi về nguồn cơn...'', ''Tôi thuộc về. Một mảnh đất không trôi. Nơi nở ra, những bông ngọc lan thơm mát''.
Nhận xét về tác giả, nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa viết: ''Đó là người của những chuyến viễn du nhưng lại không bao giờ quên mang theo chiếc vali nặng chứa đầy đủ cả bóng quê nhà, cả mùi xứ sở''. Nhà báo, nhạc sĩ Hà Quang Minh khẳng định: ''Ngoài sự hồn nhiên vốn dĩ, Nguyễn Vĩnh Tiến còn giữ nguyên được cả sự ngạc nhiên với tất cả những gì xung quanh anh, cái ngạc nhiên níu chân anh làm thi sĩ''.
Nguyễn Vĩnh Tiến, 50 tuổi, quê Phú Thọ, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội. Anh là nguyên trưởng Khoa Kiến trúc, Đại học Chu Văn An, hiện vẫn tham gia các hoạt động về kiến trúc và quy hoạch đô thị với đề tài liên quan đến đô thị đa cực và mô hình thành phố trong tương lai.
Anh còn lập nhóm thơ Hoa lạ năm 1992, từng ra mắt một số tập thơ như Những giấc mộng kín (1999), Những bình minh khác (2001). Ở lĩnh vực âm nhạc, Nguyễn Vĩnh Tiến từng đoạt Quán quân Bài hát Việt 2005 với sáng tác Bà tôi.
Phương Linh