Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến. |
- Cuốn "Những bình minh khác" của anh in ra nhưng không lưu hành trên thị trường, tại sao thế?
- Tập thơ ra đời cuối năm 2002, in 1.000 cuốn, tôi tặng trong và ngoài nước 100 cuốn, 250 cuốn gửi Nhà sách Đông Tây còn lại mang về nhà. Trung tâm văn hóa Đông Tây đã giúp đỡ tôi rất nhiều từ chỉnh sửa đến in ấn. Còn việc không lưu hành tập thơ đó là một động thái của cá nhân tôi, cũng như việc ấn nút "pause" khi chợt nghĩ đến số phận những tập thơ nằm buồn thiu trên giá sách. Một ngày đẹp trời nào đó, có thể tôi sẽ tiếp tục ấn nút "play". Hy vọng ở thời điểm đó, những tác phẩm của tôi và trào lưu thơ trẻ sẽ được tiếp nhận một cách xứng đáng hơn.
- Là một cây bút trẻ, nhưng người ta lại gọi anh là một nhà thơ "già và cũ", anh nghĩ sao?
- Tôi không bao giờ băn khoăn về những nhận xét như thế. Mỗi người làm thơ có một tạng riêng. Cũng như chơi thể thao có người thích lướt trên đầu ngọn sóng, có người thích lặn sâu dưới đáy đại dương, có người đi tàu ngầm. Tôi luôn muốn theo đuổi chiều sâu, đi vào trong tận cùng mình cũng như sự vật. Cuộc sống có rất nhiều lớp, khi nhà thơ đi sâu vào những lát cắt khác nhau sẽ có những phản ánh khác nhau.
- Trong thơ, anh là người quá hoàn chỉnh với thước đo của những giá trị cũ, anh quan niệm thế nào về điều này?
- Làm nghệ thuật đồng nghĩa với sáng tạo cái mới. Theo đuổi cái mới sẽ tạo những cái lấp lánh khiến nhiều người quan tâm, nhưng để người ta hiểu mình ở một tầng sâu nào đấy thì chỉ sự điệu đà, loè loẹt bên ngoài thôi chưa đủ. Tôi không hề có quan niệm về những giá trị chuẩn mực hay cái cũ, chỉ có điều nó lẫn lộn trong mình. Tôi rất quý và trân trọng những cái còn lẫn đó. Trong quá trình toàn cầu hoá, người ta có thể loại world music nhưng vẫn bảo tồn trong nó những dòng nhạc truyền thống. Vậy thì cớ gì người làm thơ không có quyền nương tựa vào cái cũ. Có điều không nên để lực hút của truyền thống níu chân.
- Anh nhìn nhận gì về tình trạng thơ in ra không ai đọc hiện nay?
- Tập Những bình minh khác của tôi in ra nhiều độc giả rất thích. Người cao tuổi tâm đắc, người trung niên thích vừa vừa, rồi có người trẻ tuổi đọc không hiểu. Nói thế để thấy rằng đối tượng độc giả vô cùng hỗn độn, họ là người đón nhận tác phẩm nhưng nếu chỉ đợi viết ra có người đọc thì nhà thơ bây giờ không thể mong vào sự biểu quyết của độc giả.
- Anh nghĩ sao về thực tế những nhà thơ trẻ hiện nay không có cách nào đến với độc giả?
- Thơ hay chỉ đến được với công chúng khi có nhà đầu tư. Những người cầm bút trẻ càng cần được nâng đỡ. Nhưng khác với các thể loại ca nhạc, khi đầu tư người ta thấy ngay được khoản lợi nhuận thu về, còn đầu tư vào thơ là tình trạng làm ăn không có lãi nên không có cách nào để đến với độc giả. Chính tình trạng này là một mảnh đất tốt để những người làm thơ theo kiểu thủ thuật đưa một thứ phi thơ dễ dàng đến với công chúng.
- Có xu hướng những nhà thơ trẻ đi tìm sự cách tân đến kỳ quặc, anh có nghĩ chính bản thân họ cũng tạo ra rào cản với công chúng?
- Cây bút trẻ thời nào cũng rất tiềm tàng, mà không phải ai cũng tìm cho mình một sự cách tân kỳ quặc. Phan Huyền Thư vẫn sử dụng những từ Hán Việt trang trọng nhưng được nhiều người yêu mến. Còn tôi, vẫn cho phép mình đưa vào trong bài thơ rất dàn trải một đoạn lục bát và coi đó là cái hồn cốt của bài thơ. Và không chỉ có những người được công chúng nhắc đến, mà còn nhiều người làm thơ hay nhưng thơ họ chưa có điều kiện đến với đông đảo độc giả.
- Anh cầm bút từ khi còn rất nhỏ, cho đến bây giờ đã mấy chục năm trong nghề, thơ ca đối với anh có ý nghĩa như thế nào?
- Với thơ, tôi không bao giờ xác định là một nghề hay một thú chơi. Nó là một cái gì tiềm ẩn trong máu mình, là một phần không thể thiếu trong con người mình. Nếu có một ngày không còn ai muốn đọc thơ tôi nữa thì tôi cũng vẫn phải viết để vượt qua chính mình. Như một thứ nhật ký ghi chép lại những khoảng khắc trong cuộc sống của tôi, nên tôi làm thơ không theo một lịch trình nào cả, rất ngẫu hứng. Tất nhiên, mọi thứ để lên tầm nghệ thuật đều phải kỳ công. Tôi rất tâm đắc với câu nói của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp "Làm nghề văn mất cái gì thì lại được cái ấy". Tôi nghiệm thấy từ khi cầm bút thì chẳng có cái gì là thừa, và cũng chưa mất mát cái gì.
- Một người làm thơ và công việc của một kiến trúc sư, hai công việc ấy có mối liên hệ như thế nào với nhau?
- Kiến trúc sư là nghề của tôi, nó nuôi tôi để tôi có thể được là chính mình, có thể viết những gì mình thích. Công việc cũng đòi hỏi một mỹ quan tinh tế nên nó giúp ích nhiều cho việc viết của tôi. Mà không chỉ riêng nghề kiến trúc, mọi trải nghiệm, mất mát trong cuộc sống đều trở thành những tài sản quý báu trong tác phẩm của tôi. Cũng có khi sự mơ mộng của anh thi sĩ làm cho những ý tưởng kiến trúc của tôi độc đáo hơn.
- Nhà thơ Đỗ Bạch Mai nhận xét thơ anh là một dòng suối âm thầm chảy trong sáng và lặng lẽ, anh có định mãi đi theo nguồn mạch ấy?
- Tôi sẽ tìm đến những thể nghiệm mới. Tập thơ tôi dự định in vào năm 2005 với nhan đề là Giữa mùa động vật âm vang sẽ là một Nguyễn Vĩnh Tiến mới mẻ hơn, hy vọng có cách tiếp cận riêng với độc giả.
- Hướng đổi mới trong tập thơ đó là gì?
- Giữa mùa động vật âm vang là tiếng nói của những con vật rất bé nhỏ. Những con cua giơ càng lên đe doạ và tự vệ, dù đối tượng của chúng chỉ là những cây rong dưới nước, những con thân mềm cũng cất tiếng nói. Đó là những quyền lực tý hon cất lên tiếng nói đáng yêu trong cuộc sống, và ngẫm lại một chút thì thấy đó chính là những gì con người băn khoăn, lo sợ. Một bản giao hưởng có sự tổng phổ và xuyên suốt trong ý tưởng. Nhưng nhìn nhận nó như thế nào vẫn là những cảm nhận khác nhau trong mỗi độc giả.
Thu Hà thực hiện