Chưa quen với danh xưng nhà thơ, không lâu sau Nguyễn Vĩnh Tiến lại chạm ngõ làng ca nhạc với thành công bất ngờ của Bà tôi. Ngạc nhiên đến không tin vào bản thân mình khi cứ bước ra đường, anh lại được nghe giai điệu quen thuộc của mình: "Bà tôi đưa tôi ra đầu làng/ Một mình bà đội cả trời nắng to". Anh bảo, không thể tin nổi khi không chỉ người già, mà ngay cả đứa trẻ lên 5 cũng hát bài hát của mình. Khi ấy, cái danh nhạc sĩ mọi người đặt cho khiến nhà kiến trúc cảm thấy xoay xỏa không nổi với ngay cảm giác của chính anh. "Tôi thấy ngại ngùng khi ai đó gọi mình là nhạc sĩ", Nguyễn Vĩnh Tiến nói. Thậm chí, tai tiếng "ăn may" giải thưởng khi Bà tôi do một nhạc sĩ "không biết nốt nhạc bẻ đôi" sáng tác cũng khiến anh phải sống trong bức bối một thời gian dài. Nhưng rồi, danh tiếng đến liên tục sau sự lên ngôi của Bà tôi, rồi Giọt sương bay lên... tại sân chơi Bài hát Việt đã giúp Nguyễn Vĩnh Tiến dần quen, để rồi đam mê âm nhạc lúc nào không hay.
Không được đào tạo cơ bản về nhạc, nhưng tinh thần ham học hỏi, tìm tòi đã mang tới cho Nguyễn Vĩnh Tiến sự hào hứng và nét riêng biệt trong mỗi tác phẩm. Giọt sương bay lên "náo loạn" sân khấu Bài hát Việt qua giọng ca "Chuồn chuồn ớt" Ngọc Khuê, và rinh về cú hattrick rất thuyết phục tại lễ trao giải hồi tháng 2/2006. Tạm hài lòng với thành quả, nhưng chưa thỏa mãn với chính những nỗ lực của mình, Nguyễn Vĩnh Tiến quyết định thực hiện một album của riêng anh, với những ca khúc anh tâm đắc và biết chắc sẽ đi vào lòng người qua giọng hát "không đụng hàng" Ngọc Khuê.
Phát hành Giọt sương bay lên cận dịp Tết Nguyên Đán, nhưng vị kiến trúc sư viết nhạc chẳng màng đến lời lãi thu được từ sản phẩm đầu tay. Điều anh tâm niệm là đam mê âm nhạc ấy đã thành hiện thực, sản phẩm ra mắt công chúng chứa đựng tất cả tâm huyết của anh. Tự tin như bản tính sẵn có, Nguyễn Vĩnh Tiến khẳng định: "Cả 7 tác phẩm trong album đều mang sức sống riêng, không phân biệt bài hit hay không, và đương nhiên, đều hay". Chim bông lau tìm bóng, Trai làng tôi, Ơi con chim chào mào, Giấc mơ dai dẳng, Lời hát dòng nước xoáy, Giọt sương bay lên, Bà tôi... âm ỉ ký ức tuổi thơ của anh, như chưa bao giờ nhạt. "Mỗi hình ảnh quá khứ hiện lên trong trí nhớ của tôi như mới hôm qua. Tôi yêu quê hương, và với tôi, đó là tất cả hành trang cho tôi thành công ngày hôm nay", anh chia sẻ.
Xóm nghèo của những điệu dân ca, xoan ghẹo đất Phú Thọ ngày xưa đã giúp cậu trai yêu quê hương được sống trong dòng nước mát dân gian, và ấp ủ cho những ước mơ tương lai được chắp cánh. Vì thế mà ngay cả trong giấc mơ, nhạc sĩ này cũng nhìn thấy bóng mình trên cánh đồng, dưới triền đê... Dân ca, với Nguyễn Vĩnh Tiến giống như "ngọn gió sớm trong lành nắng mai, nhuộm tâm hồn mang màu của đất, thấm vào đất", vì lẽ đó mà anh chẳng ngại ngần đưa vào tác phẩm cả những gốc lúa, bờ tre, cây đa đầu làng... "Tình yêu quê trong tôi luôn tràn đầy, và lúc nào cũng tươi mới". Phải chăng vì thế, nghe nhạc của anh, từ người già tới trẻ con đều có thể nghiền ngẫm, và nhớ lâu?
Lê Bảo