"À ơi, taxi đi ngủ, đèn đường ham chơi. Cá vàng thôi bơi, đồng hồ vẫn chảy...". Gã nhạc sĩ, kiến trúc sư, nhà thơ, tổng giám đốc công ty T-Group gọi những lời hát ru của mình là hát ru đương đại.
30 tuổi, Nguyễn Vĩnh Tiến lại thường kể chuyện gia đình chứ không phải là những bài hát, tập thơ, hay những công trình kiến trúc. "Tôi may mắn hơn những đứa bé nhà tôi, bởi sinh ra ở quê chứ không ở phố. Mặc sức tưởng tượng, sáng tạo giữa bầu trời rộng mở, cánh đồng bát ngát. Điều đó vẫn đi theo tôi cho đến tận bây giờ”. Đó là lý do mà bài hát ru con của anh tuy mang hình ảnh của phố nhưng quay quắt tình quê.
Phú Thọ, thị xã trung du phía Bắc nơi Tiến sinh ra là một thị xã bình yên đến mức trẻ con thả ra đi chơi từ sáng cho đến tối mà chẳng ai lo lắng. Vì hoàn cảnh Tiến phải xa mẹ từ năm lên 10. Mẹ làm chuyên gia y tế ở Algeria, bố phải bươn chải nhiều việc để nuôi con. Tuổi thơ xa vắng bàn tay chăm sóc của mẹ, nhưng Tiến cho rằng đó là điều may mắn với anh. Không có mẹ ở nhà, tư duy độc lập của Tiến hình thành từ rất sớm và quan trọng hơn, “Cậu bé Trung du” - biệt danh của Tiến từ thời sinh viên - được tự do, thỏa thích rong chơi.
Kiến trúc sư - nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến. Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị |
Tuổi thơ của Tiến là những chuyến băng đồng qua những mảnh ruộng, thửa ruộng xa tít vùng trung du để đến với ngôi nhà của bà trên đỉnh đồi. Khu vườn tuổi thơ của Tiến có cây ổi, cây mít, mái nhà tranh và câu chuyện cổ tích của bà. Những buổi chiều buồn bã và đẹp ấy, Tiến thường thiếp đi trong vòng tay bà với cơn gió mênh mang lẫn trong những câu Kiều bà thường hát ru. Hình ảnh đó như một môi trường, lò luyện để cậu bé tha hồ tưởng tượng và tung tẩy. Những hình ảnh ấy, cho đến bây giờ vẫn còn quyến rũ đối với Tiến cả trong giấc mơ về vùng trung du với những trảng cỏ, cánh đồng xa hút mắt.
Sau này, ca khúc đoạt giải cao nhất Bài hát Việt 2005 ở dòng nhạc dân gian đương đại - Giọt sương bay lên - vẫn chứa nhiều hình ảnh vùng trung du phía Bắc. “Ở đấy con người bỗng thấy mình nhỏ bé trước thiên nhiên, ý thức về sự cô đơn bắt đầu xâm chiếm”, Tiến kể lại.
Tiến bảo, nỗi cô đơn đó như một định mệnh và cũng là chất xúc tác để giúp anh độc lập tư duy trong mọi vấn đề sáng tạo và làm việc. Sau này, những tác phẩm thơ, nhạc, cũng như công trình kiến trúc của Tiến đều mang âm hưởng của nỗi cô đơn ở một vùng quê heo hút.
"Thời sinh viên của tôi giống như tôi đang ngồi trên chiếc máy bay giấy mong manh nhỏ bé và chao đảo. Độ tuổi của trưởng thành, với những tình yêu và khát vọng, muốn dấn thân vào cuộc sống với nhiệt huyết tràn đầy, nhưng vẫn cảm thấy cô đơn không hiểu mình. Tôi là ai, tôi làm gì, tại sao tôi có mặt trên cõi đời này. Đó là những câu hỏi thường trực ở độ tuổi mới lớn", Tiến nói.
Vào đại học, đối với Tiến cũng chỉ là việc di chuyển từ chiếc tàu bay giấy này sang chiếc khác. Thời gian đó, “Cậu bé Trung du” vẫn sống rất hồn nhiên. “Mọi hành động và sáng tạo đều diễn ra theo bản năng, nên rất nhiều người bạn gọi mình là cậu bé trung du”, Tiến nhớ lại. Khi va đập với những điều mới mẻ của đô thị, tư duy của Tiến giống như một hòn đá, khi ném xuống nước, dù dòng nước đó của đô thị hay miền trung du êm ả thì nước cũng bắn tung lên, hoặc lăn tăn gợn sóng. Những tác phẩm, những sáng tạo về đồ án sinh viên đều diễn ra rất tự nhiên. Những giải thưởng đều đặn đến với Tiến, theo anh, có một phần may mắn trong đó cộng thêm sự đam mê, nhiệt huyết hồn nhiên của tuổi trẻ.
Anh kể, năm 1992, bắt tay vào nghiên cứu cái đề tài khoa học về những ngôi nhà xây chen trong phố cổ Hà Nội, Tiến đã cháy mình trong nỗi đam mê đó, ngày nào cũng đạp xe lên phố cổ, lặn lội đi và vẽ, đo đạc từng ngôi nhà. Đêm cũng như ngày, anh không còn khái niệm về thời gian, những sắc phố, những màu rêu giữa những khoảng thời gian khác nhau trong ngày đã làm cho chàng trai trẻ mê mẩn. Dồn hết tâm huyết để thực hiện, nhưng năm đó đề tài của anh không có giải. Hụt hẫng, nhưng không buông xuôi. Tiến nói, điều đó giúp cho anh một kinh nghiệm tốt, để mình đạt được giải thưởng cao vào hai năm sau đó. Năm 1994, Tiến đạt giải nhất với đề tài nghiên cứu khoa học về sự ảnh hưởng của phong tục tập quán trong kiến trúc cổ Việt Nam. Đề tài này cũng được giải nhất Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật (VIFOTEC) năm 1994.
Thành công với Tiến đến từ rất sớm và đoạt nhiều giải thưởng cao trong sáng tạo nghệ thuật, nhưng anh cho rằng, tất cả sự hồ hởi ban đầu cũng chỉ là biểu hiện của bề mặt, sau đó tất cả sẽ dần lắng xuống. Anh nói: “Thêm một ít tuổi tác, thêm một chút nỗi buồn và tư duy khác đi một chút, bạn sẽ thấy khác đi. Bản thân tôi cũng liên tục lao động, liên tục đổi mới mình để tồn tại và để còn sức sáng tạo...”. Anh quan niệm, một con sông chỉ được gọi là sông khi nó chảy. Nếu cứ phải gặm nhấm nỗi buồn của mình, tự mình không hành động, không sáng tạo, không đổi mới chính mình, thì bản thân mỗi người chỉ là những con sông không chảy. Điều đó thật đáng tiếc.
Anh đang tập hợp những bài thơ, ca khúc, công trình kiến trúc “đóng gói” chúng lại, để đánh dấu hành trình hơn 10 năm sáng tác của mình. Tiến khẳng định, mình không tham lam. Nguyễn Vĩnh Tiến, con người luôn hành trình với ký ức thấm đẫm hình ảnh miền trung du Phú Thọ, luôn muốn sức sáng tạo của mình chảy như một dòng sông.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)