Ông Nguyễn Văn Thiệu. (CNN) |
Ông Thiệu bị đột quỵ tại nhà riêng ở ngoại ô thành phố Foxboro, bang Massachusetts hôm thứ năm, và hôn mê từ đó đến lúc mất.
Sinh ngày 5/4/1923 tại một làng chài nghèo ở tỉnh Ninh Thuận, Nguyễn Văn Thiệu là con trai một địa chủ nhỏ. Thời trai trẻ, ông theo học ở Huế và tham gia phong trào cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, về sau, Thiệu đã rời khỏi hàng ngũ Việt Minh và chạy vào Nam theo lực lượng chống cộng do Pháp hậu thuẫn. Khởi đầu sự nghiệp, ông là một sĩ quan thận trọng và được tin cậy. Sau năm 1954, khi cuộc chiến với Pháp kết thúc, Nguyễn Văn Thiệu đã nắm một số vị trí trong quân đội miền Nam Việt Nam. Năm 1963, ông trở thành một trong những nhân vật chính tham gia vào vụ đảo chính Ngô Đình Diệm, sự kiện này có bàn tay của Mỹ giật dây.
Trong những năm tháng rối loạn của Sài Gòn thập niên 60, khi đảo chính xảy ra liên tiếp, Thiệu trở thành tướng chỉ huy khu vực quân sự đồng bằng sông Cửu Long và bắt đầu thu hút sự chú ý của các quan chức Mỹ. Tháng 6/1965, ông được chỉ định làm chủ tịch Hội đồng Quân nhân, một nhóm quân sự 10 thành viên. Từ cương vị này tới chức tổng thống Việt Nam Cộng hòa chỉ là một bước ngắn. Đó cũng là năm Tổng thống Mỹ Johnson ra lệnh đưa thêm 100.000 quân lính Mỹ vào miền Nam Việt Nam, thực hiện chiến tranh leo thang, nâng tổng số người Mỹ có mặt ở Việt Nam lúc đó (cả cố vấn quân sự và lính) lên cao nhất - hơn 540.000 người.
Nguyễn Văn Thiệu năm 1972. |
Tháng 9/1967, Nguyễn Văn Thiệu trúng cử tổng thống Sài Gòn, đúng như lời tiên đoán trước đó của một vị thầy bói. Đồn rằng, ngay từ 10 năm trước đó, khi Thiệu chỉ là một trung úy quèn trong quân đội, đã có người xem số cho ông và khẳng định nay mai, con người này sẽ trở thành tổng thống. Lời tiên đoán thành hiện thực, kể từ đó, Nguyễn Văn Thiệu rất tin vào số mệnh và tử vi.
Cuộc đời làm tổng thống của Nguyễn Văn Thiệu gắn liền với một đặc điểm của nền chính trị Mỹ lúc đó: gần như bị chia rẽ vì cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Thiệu là người có tư tưởng chống cộng, thân Mỹ, nhưng lại không dễ bảo chút nào. Châu Trần, nguyên thư ký quốc hội Sài Gòn cũ, nói: “Ông Thiệu rất thông minh và tốt, nhưng xét ở khía cạnh một người lãnh đạo, thì thành công và thất bại của ông lúc đó gắn liền với chính quyền Mỹ. Người ta chỉ có thể nhớ đến ông như một người tốt bụng, một người chồng, người cha tốt”. Nhà báo, sử gia Mỹ Stanley Karnow (tác giả cuốn Vietnam: A History, và loạt phim truyền hình 13 tập Việt Nam - thiên lịch sử truyền hình) nhận xét: “Chỗ dựa chính của Nguyễn Văn Thiệu là sự hiện diện của quân đội Mỹ. Ông lãnh đạo không mấy hiệu quả. Nhưng người Mỹ lại rất khó hành xử với ông ta. Dư luận gọi ông ấy là con rối của Mỹ (ám chỉ thái độ thân Mỹ quá mức của Thiệu), nhưng giả dụ có là con rối thật thì Thiệu cũng có những sợi dây riêng của mình”.
Ban đầu, khi mới nhậm chức, Tổng thống Thiệu mang lại sự ổn định và gắn kết cho một chính quyền đang rối loạn. Nhưng những năm sau đó, Thiệu bắt đầu cai trị với bàn tay sắt, đưa ra các quyết định một cách độc đoán, hoặc cùng lắm, chỉ có sự cố vấn của 1-2 người thân cận, dường như không chấp nhận sự chống đối. Thiệu lãnh đạo không hiệu quả. Càng gần đến thời điểm sụp đổ, chính quyền Sài Gòn càng rơi vào khủng hoảng. Nạn tham nhũng tràn lan, tình hình kinh tế xuống cấp.
Một loạt sai lầm về mặt quân sự đã khiến quân đội Việt Nam Cộng hòa thất bại liên tiếp và sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn là không thể tránh khỏi. Dù được sự hỗ trợ của hơn 540.000 binh lính và cố vấn Mỹ, dù có trong tay số viện trợ quân sự khổng lồ, Thiệu chẳng bao giờ có thể đứng vững trước sức mạnh của quân giải phóng miền Bắc. Nhưng thái độ chống cộng không khoan nhượng của ông không thay đổi. Cho đến lúc quân giải phóng tiến như vũ bão về Sài Gòn, chiến tranh sắp kết thúc với kết cục thất bại rõ ràng thuộc về Việt Nam Cộng hòa, Thiệu vẫn còn tuyên bố: “Chúng ta sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến hạt gạo cuối cùng”.
Là người ủng hộ thuyết thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản, Nguyễn Văn Thiệu kiên quyết chống lại “phe cộng sản”, không chịu nhượng bộ ngay cả khi quân Sài Gòn thất bại liên tiếp. Thiệu liên tục bác bỏ việc hình thành một chính phủ liên minh giữa những người trung lập và những người cộng sản. Chính thái độ chống cộng và thân Mỹ đó đã trở thành điểm bất lợi cho ông. Hồi kết đã đến. Tất cả nội các chính quyền Sài Gòn đều đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức để mở đường cho đàm phán hòa bình với miền Bắc, tránh đi một cuộc chiến đẫm máu. Ngày 21/4/1975, Thiệu miễn cưỡng rút khỏi cương vị lãnh đạo trong tâm trạng cay đắng và hận nước Mỹ, quốc gia đồng minh của ông trong hơn một thập kỷ. Ông lên án Mỹ không giữ lời hứa “tiếp tục viện trợ quân sự cho Sài Gòn” mà họ đã tuyên bố sau khi rút quân khỏi miền nam Việt Nam theo hiệp định Paris (năm 1973). Theo ông, chính điều đó đã “đẩy nhân dân Việt Nam Cộng hòa đến chỗ chết”.
Tổng thống Thiệu rời Sài Gòn sang Đài Loan. Ngày 30/4, chính quyền Sài Gòn chính thức sụp đổ. Chiến tranh kết thúc. Có tin chưa được kiểm chứng là Thiệu đã bay khỏi Việt Nam trên chiếc máy bay chở đến 3 tấn rưỡi vàng. Ban đầu, ông sống lưu vong ở Đài Loan, sau đó sang Anh và cuối cùng định cư ở Boston. Cựu tổng thống gần như rút lui khỏi đời sống cộng đồng, sống âm thầm và từ chối tất cả những lời đề nghị phỏng vấn.
Năm 1992, lần đầu tiên Nguyễn Văn Thiệu lên tiếng nói trước công chúng. Đó là khi Thiệu kịch liệt phản đối việc Việt Nam và Mỹ xích lại gần nhau. Một năm sau, quan điểm của ông thay đổi. Ông tỏ ra sẵn sàng tham gia quá trình đàm phán, hòa giải dân tộc giữa Việt Nam và Mỹ, để tạo điều kiện cho cộng đồng Việt kiều được trở về nước. Tuy nhiên, ông đã không trở thành người trung gian trong quá trình đó.
Đoan Trang (theo Reuters, AP)