Thành Sa
Phần lớn trong số đó ra đời từ những trải nghiệm, những lăn lóc trong các xó xỉnh cuộc đời của anh.
Quăng quật với đời để có lưng vốn văn chương
- Đã có lần anh dẫn ra một tác giả viết rất nhiều nhưng không phải cuốn nào cũng hay để biện minh trước ý kiến cho rằng anh mải chạy theo số lượng nên ít có điều kiện chăm chút cho tác phẩm, có nghĩa là anh cũng tự nhận thấy trong số sách mình đã viết cũng có "cuốn nọ cuốn kia"?
- Không nhà văn nào dám khẳng định mình viết cuốn nào cũng hay, nhất là những nhà văn chịu khó viết và viết nhiều. Có những cuốn anh ta viết chỉ để chuyển tải một thông điệp nào đó (theo anh ta), hòng mang đến một chút gì đó cho cuộc đời. Tất nhiên, cũng có tác phẩm như là nhu cầu tự thân, như là không thể không viết ra.
- Và với "Hỗn danh" - cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh, anh tự đánh giá nó ở mức độ nào?
- "Hỗn danh" được tôi đầu tư khá nhiều công sức, và viết luôn một mạch, viết quên cả bù khú với bạn bè. Để tác giả tự đánh giá đứa con tinh thần của mình ở mức độ nào thì quả thực rất khó. Tuy nhiên, trước khi nó được xuất bản, tôi cũng gửi gắm cho một số bạn bè nhờ đọc và đóng góp, những người bạn đó cho tôi biết, tôi đã đầu tư thời gian, chất xám và nhận được kết quả xứng đáng.
![]() |
Tác giả Nguyễn Văn Học. |
- Anh từng làm ở nhà nghỉ, phục vụ quán karaoke và nhiều công việc khác trước khi đến với những trang văn. Thời gian làm những công việc đó có ý nghĩa như thế nào trong những sáng tác của anh?
- Đó là quãng thời gian tôi sống quăng quật và bế tắc. Tôi vẫn nuôi mộng văn chương nhưng chỉ viết được rất ít. Khi kết thúc giai đoạn đó, tôi làm báo tự do và thi vào trường Viết văn Nguyễn Du, từ đó mới chuyển sang viết chuyên nghiệp.
Làm ở những môi trường khá đặc biệt ấy, tôi được tiếp xúc với đủ mọi thành phần trong xã hội, tôi cũng nhận ra sự chênh lệch ghê gớm giữa người giàu và người nghèo. Tất cả đã cho tôi vốn sống và khát vọng sống. Đồng thời, nó cũng cho tôi nghị lực và quyết tâm phải học bằng được đại học để có kiến thức nền tảng. Tôi đã tốt nghiệp đại học hơn hai năm nay, dù hơi muộn, nhưng đó là niềm vui đối với tôi. Thời gian quăng quật ngoài xã hội với nhiều công việc giúp tôi tự tin hơn trong mỗi con chữ và như anh thấy đấy, tôi có khá nhiều vốn liếng cho những trang văn.
Những ngày tháng đó cũng cho tôi câu trả lời, tôi viết văn để làm gì. Tôi không hề ân hận và cảm thấy quãng thời gian đó là vô nghĩa, hay đáng xấu hổ. Ngược lại, tôi cảm ơn nó đã cho tôi quyết tâm đến với văn chương một cách quyết liệt hơn.
- Phải chăng vì bước ra từ hiện thực nóng rẫy đó mà tiểu thuyết của anh rất đậm chất phóng sự với những cái tên như "Gái điếm", "Bão người", "Rơi xuống vực sâu", "Cao chạy xa bay", "Những cô gái bất hạnh"...?
- Những tiểu thuyết trên đều xoáy vào những vấn đề nóng bỏng, bức bối của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, ở "Bão người", "Rơi xuống vực sâu" tôi đào sâu hơn tâm lý và những bi kịch dẫn đến những mâu thuẫn, đổ vỡ và suy sụp tinh thần của nhân vật. Nhưng những sáng tác của tôi không chỉ có vậy, xin bật mí, tôi đã hoàn thành một cuốn tiểu thuyết về đời sống tâm linh của người công giáo. Nó chệch hẳn với quỹ đạo mà tôi đã đi, những đề tài mà tôi đã viết.
"Hỗn danh" không chỉ có bi kịch sống mòn
- "Hỗn danh" có tiết tấu khá nhanh, dường như tác giả của nó muốn có một dòng chảy phù hợp với "nhịp bước thời đại"?
- Anh quan sát cuộc sống thì thấy đó, mọi thứ đều gấp gáp nên nói tôi muốn có một dòng chảy phù hợp với "nhịp bước thời đại" cũng chẳng sai. Người viết văn viết ra tác phẩm trước hết là để phục vụ bạn đọc, phục vụ cuộc sống, trước hết là ở thời điểm người viết đó đang cầm bút. Những gì tôi quan sát được, cảm nhận thấy đều khúc xạ lên trang viết. Và tôi đã tạo nên một "Hỗn danh" như vậy.
- Cố nhà văn Nam Cao đã có một "Sống mòn" viết về bi kịch của giới trí thức thời ông sống, đọc "Hỗn danh" thấy có vẻ như anh cũng đang xây dựng một "Sống mòn" của giới văn nghệ sĩ thời nay thông qua hình tượng họa sĩ Bình?
- "Hỗn danh" là một bức tranh với hai gam màu chủ đạo mà ở đó tồn tại song song giữa chính danh và hỗn danh. Sự biểu hiện của hỗn danh là luôn luôn phá vỡ sự cân bằng mực thước đúng vị trí và chức năng của chủ thể sáng tạo nghệ thuật, mà biểu hiện trong tác phẩm là sự hỗn loạn các tiêu chuẩn, các giá trị. Sự chính danh được xem như quy luật tất yếu, nên bao giờ cũng lấy lại trật tự, ổn định các tiêu chuẩn, các giá trị đích thực.
"Hỗn danh" không chỉ có bi kịch "sống mòn" của giới văn nghệ sĩ thời nay, mà còn là sự "sống mòn", là bi kịch của một lớp người bằng mọi cách để lừa mị chính bản thân, cố tìm cách "hoàn mỹ" mình. Thông qua nhân vật trung tâm - họa sĩ Bình - nạn nhân của những bi kịch, những bức bối, xảo trá trong xã hội, tôi muốn nói lên khát vọng nghệ thuật chân chính của người nghệ sĩ.
![]() |
Bìa cuốn "Hỗn danh". |
- "Thời hoàng kim của những kẻ bất lương đang đẩy biết bao người nghèo khổ vào những bi kịch." Đó là một câu trong "Hỗn danh", anh nhận xét thế nào về thời đại chúng ta đang sống?
- Con người ngày càng vô cảm với cái xấu, cái vô đạo đức xung quanh. Ra đường, chúng ta gặp quá ít người tốt. Và thực tế như nhiều người đã thấy, sự giàu lên một cách đáng sợ của một tầng lớp người, đã và đang đẩy người nghèo vào những bi kịch. Nhưng nói gì thì nói, chúng ta vẫn tìm thấy những mầm sống trên sa mạc. Chúng ta vẫn gặp ở đâu đó những người tốt thực sự. Chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào cuộc sống tốt đẹp hơn, bớt xảo trá hơn, bằng cách chúng ta cứ thành thật với chính mình, và chân thành với người khác. Như trong "Hỗn danh", nhân vật họa sĩ Bình cũng xứng đáng là một bông hoa lắm chứ.
- Và qua "Hỗn danh" người ta cũng thấy một xã hội đang mắc căn bệnh trầm kha không rõ nguyên nhân khi mà một Giáo sư ngành y học, một bác sĩ lâu năm như ông Mẫn còn không biết mình mắc bệnh gì. Vậy căn bệnh trầm kha ấy là gì vậy, thưa anh?
- Bệnh đạo đức giả, háo danh thái quá, bệnh "tô son điểm phấn" cho bản thân bằng mọi hình thức, bất chấp những chuẩn mực đạo đức. Rồi bệnh nhỏ nhen, ích kỷ trong ứng xử giữa người với người... Bệnh này chúng ta có thể tìm thấy ở bất cứ môi trường nào, lĩnh vực nào. Bi kịch nằm ở chỗ người mắc bệnh này thường không biết mình bị mắc bệnh, cũng như kẻ điên không hề biết rằng mình bị điên.
- Cũng chính vì thế mà "cần phải có một thay đổi nào đó, thật vĩ mô, để con người đừng quá mê muội" như anh đã viết ở cuối tiểu thuyết. Anh có thể nói rõ hơn về sự thay đổi cấp thiết đó?
- Đôi khi, con người hiện đại vẫn ngờ nghệch đi chinh phục, đuổi bắt những thứ không thuộc về mình. Họ mê muội đi tìm những thú tiêu khiển tai quái, đểu giả, hào nhoáng khi đã no đủ. Chúng ta cần thay đổi, đó là hãy sống thật hơn với chính mình, sống thực sự lương thiện.
- Nếu tất cả những điều trên là đúng thì anh có thấy những thông điệp mình đưa ra khá "lộ liễu", hay đó là đặc điểm của dòng "tiểu thuyết phóng sự" mà anh theo đuổi?
- Mỗi người viết đều muốn gửi đến bạn đọc một thông điệp. Khi họ đọc xong, gấp sách lại, họ thấy cần phải suy nghĩ về những điều mà tác phẩm nói, họ thấy được những tốt - xấu, phải - trái và cần phải làm gì đó để khỏi mắc phải những sai lầm, để cuộc sống tốt đẹp hơn, thế là người viết thành công rồi.
Đi sâu vào những nỗi đau khoắc khoải
- Nhân vật chính của tiểu thuyết là một họa sĩ, và câu chuyện diễn ra xoay quanh cuộc sống, công việc vẽ tranh và các mối quan hệ của anh ta. Khi viết tác phẩm, anh tìm hiểu những kiến thức về hội họa như thế nào?
- Trong quá trình viết báo, tôi đã viết về khá nhiều họa sĩ. Tiếp xúc, nói chuyện với họ, tôi cũng nhận ra họa sĩ là một nghề cũng rất đặc biệt. Qua họ, tôi có thêm kinh nghiệm và hiểu biết để viết.
- Anh nghĩ sao nếu cánh họa sĩ đọc "Hỗn danh" và bảo đấy không phải là hình ảnh của họ?
- Họa sĩ là nghệ sĩ. Và chắc chắn, đã là nghệ sĩ thì đều có cái "chất ngông", cái sĩ diện và tự trọng nghề nghiệp. "Hỗn danh" nói nhiều đến cuộc sống của họa sĩ Bình và như đã nói, anh họa sĩ này phải vẽ những tác phẩm theo đơn đặt hàng (dù chẳng muốn) để mưu sinh. Biết bao họa sĩ ngày nay sống bằng nghề chép tranh, hoặc vẽ theo đơn đặt hàng? Những điều này, chính các họa sĩ là điều rõ hơn ai hết. Tôi tin, phần nhiều họa sĩ trẻ sẽ "thấy mình" trong tác phẩm của tôi.
- Với 7 tiểu thuyết đã xuất bản, nếu phải có một câu để định hình phong cách tiểu thuyết Nguyễn Văn Học thì câu đó sẽ là...
- Bạo liệt, gấp gáp, luôn đi sâu vào những nỗi đau khắc khoải của con người và luôn hết mình.
Nguyễn Văn Học sinh năm 1981 tại Phú Xuyên, Hà Nội. Tốt nghiệp khóa VIII, Khoa Lý luận – Sáng tác – Phê bình Văn học, Đại học Văn hóa Hà Nội. Các tiểu thuyết đã in: Những cô gái bất hạnh (NXB Lao động, 2006); Gái điếm (NXB Văn học, 2008); Đường dài của hạnh phúc (NXB Công an nhân dân, 2008); Rơi xuống vực sâu (NXB Công an nhân dân, 2009); Bão người (NXB Công an nhân dân, 2009); Cao chạy xa bay (NXB Hà Nội, 2010); Hỗn danh (NXB Hội Nhà văn 2011). Tiểu thuyết Bão người đã lọt vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết 2008 – 2010 của Hội Nhà văn Việt Nam (với tên gọi Nhà héo). |
Thành Sa thực hiện