Pham Mi Ly
Đêm văn nghệ nhân ra mắt tuyển tập Nguyễn Trọng Tạo - Thơ và trường ca tại Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây (Hà Nội) tối 13/11 là dịp hội ngộ bè bạn ấm cúng. Các nhà văn Văn Giá, Trung Trung Đỉnh, Phạm Ngọc Tiến; đạo diễn Quốc Trọng; nhạc sĩ Giáng Son; nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ… và nhiều văn nghệ sĩ, ca sĩ đã có mặt.
Những người bạn cùng ngân nga và lắng nghe giai điệu của Cỏ và mưa; Làng quan họ quê tôi; Khúc hát sông quê; Một dại khờ, một tôi, Đôi mắt đò ngang, Gửi về quan họ, Thu quyến rũ…
Nguyễn Trọng Tạo trò chuyện cùng các bạn văn, bạn nhạc. Ảnh: Pham Mi Ly. |
Nhạc sĩ Giáng Son có mặt từ sớm. Chị được yêu cầu hát, nhưng cho biết đã “phím” trước một ca sĩ hát Cỏ và mưa, ca khúc chị phổ nhạc thơ Nguyễn Trọng Tạo. Còn nhạc sĩ chỉ xin kể kỷ niệm về bài hát này. Ban đầu bài thơ có 4 câu, Giáng Son phổ nhạc 3 câu, còn câu thứ tư “Ta biệt em lớ ngớ chẳng hẹn gì” tạm thời “tắc tị” vì ý thơ đã kết lại nhưng bản nhạc thì chưa thể. Giáng Son đưa bản nhạc viết tay đến cho Nguyễn Trọng Tạo xem, nhà thơ thấy hay quá, ông viết tiếp phần lời còn lại cho ca khúc Cỏ và mưa, sau này nổi tiếng với giọng ca của nhóm Năm Dòng Kẻ hay Tùng Dương. Nhà thơ chia sẻ: “Nói đúng ra tôi là người phổ thơ cho nhạc Giáng Son”.
Nguyễn Trọng Tạo, cũng như Giáng Son, là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Con đường âm nhạc của ông cũng để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ, trong đó có Làng quan họ quê tôi, bài hát ông phổ thơ Nguyễn Phan Hách (bài Làng quan họ). Ca khúc trình làng năm 1978, mang âm hưởng dân ca ngọt ngào nhưng không kém phần bác học, được giới chuyên môn ca ngợi và công chúng đón nhận.
“Bài thơ để nguyên là bài thơ, còn khi đã phổ nhạc thì nó thành bài hát. Hai thứ hoàn toàn khác nhau, nên phân biệt rõ”, Nguyễn Trọng Tạo nói. "Khi tôi viết nhạc Làng quan họ quê tôi, người ta sẽ thấy bản nhạc của tôi không giống bài thơ, bởi đó là cảm xúc riêng của nhạc sĩ. Nhưng bản thân bài thơ Làng quan họ cũng đã rất hay và gợi cho nhạc sĩ, là tôi, rất nhiều tình cảm”.
NSƯT Minh Phương hát Khúc hát sông quê. |
Một bài hát khác do Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc cũng rất nổi tiếng là Khúc hát sông quê, lời thơ của Lê Huy Mậu. Với bài hát này, hai nghệ sĩ thống nhất “Nhuận bút ở miền Nam thì Lê Huy Mậu nhận còn nhuận bút ở miền Bắc thì về tay Nguyễn Trọng Tạo”.
Khúc hát sông quê là giai điệu nhớ quê hương đầy xúc động, đã có nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện, nhưng Nguyễn Trọng Tạo tâm đắc nhất với giọng hát NSƯT Minh Phương. Ông kể, có một người bạn của ông sống gia đình trong mấy chục năm nơi ở Mỹ. Chỉ đến khi nghe Minh Phương ngân nga 'Qua nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê…', gia đình người bạn mới quyết định rời đất khách trở về quê hương Việt Nam. Nhà thơ nói: “Có lẽ vì giọng ca da diết quá”. Minh Phương và Khúc hát sông quê cũng xuất hiện trên sân khấu vào tối 13/11.
Bài thơ Chia của nhà thơ quê Nghệ An từng đi vào nhạc Phú Quang với tên gọi Một dại khờ, một tôi, giai điệu rất sâu lắng. Sau khi một ca sĩ biểu diễn ca khúc này, nhà thơ chia sẻ: “Bài hát đã bỏ đi hai câu thơ rất Nguyễn Trọng Tạo là ‘Tôi còn cái xác không hồn. Cái chai không rượu tôi còn vỏ chai’, khiến tôi rất tiếc. Phú Quang từng nói, tôi làm mất của ông hai câu thơ, nhưng thế mới là tôi, là nhạc của tôi”. Nhà thơ một lần nữa khẳng định, thơ khi đã được phổ nhạc là sự hòa trộn của cả người làm thơ và người làm nhạc.
Bức ảnh do nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán chụp khi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đến thăm nhà nhạc sĩ Văn Cao năm 1994. Nhà phê bình Văn Giá đùa rằng, nhân vật chính trong bức ảnh là chai rượu, không phải là hai người bạn nghệ sĩ đang "chén chú, chén anh" kia. |
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, tác giả Ma làng, là người em thân thiết và hết lòng kính trọng nhà thơ 64 tuổi. “Khía cạnh nhà thơ, nhạc sĩ của Nguyễn Trọng Tạo thì không còn gì để nói nữa, nhưng khía cạnh ca sĩ thì chưa được nói đến nhiều”, nhà văn phát biểu. Ông kể, một lần hai anh em (chênh nhau 9 tuổi) ngồi nhậu từ 10h sáng đến tận 2h đêm vẫn chưa dứt. Phạm Ngọc Tiến mệt quá, mới ngỏ lời rủ người anh về nhà uống tiếp. Đó chỉ là lời mời chơi, cốt để Nguyễn Trọng Tạo chán mà bỏ về, nhưng không ngờ ông vẫn đồng ý. Lúc về đến nhà thì vợ của Phạm Ngọc Tiến đang ngủ. Nguyễn Trọng Tạo hỏi phòng ngủ của đôi vợ chồng ở đâu và cứ thế… xông vào, khiến Phạm Ngọc Tiến hoảng hồn, vợ của ông cũng bật dậy.
Nhà thơ, lúc đó đang say, đòi hát tặng vợ chồng người em một bài. Cuối cùng, ông hát một mạch 3 bài. Nhưng chính Phạm Ngọc Tiến cũng phải thừa nhận: “Tôi nói thật, tôi chưa nghe một ca sĩ Việt Nam nào hát hay như anh Tạo. Vợ tôi cũng là người phụ nữ may mắn nhất khi được một ca sĩ như thế hát tặng ngay cạnh giường ngủ. Và từ đó trở đi, Nguyễn Trọng Tạo là thánh trong mắt vợ chồng tôi”. Trong đêm nhạc, nhà thơ hát tặng mọi người bài Khúc du ca của dế mà ông rất thích.
Sự kiện ra mắt cuốn sách Nguyễn Trọng Tạo - Thơ và Trường ca do Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức trong ngày 13/11, kéo dài từ sáng đến tối. Buổi sáng là chương trình tọa đàm về cuốn sách, buổi tối là đêm giao lưu văn nghệ và trò chuyện thân mật. Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành, là tuyển tập dày 556 trang gồm 296 bài thơ, 2 trường ca và 4 bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Thụy Kha, nữ nhà thơ Mỹ Mary E. Croy, ngoài ra còn trích lời nhận định của Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao. Các tác phẩm do chính tác giả tự chọn. |
|