Hằng Hà -

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.
- Nhiều người thường nhắc đến ông với danh nghĩa nhạc sĩ, tác giả của các ca khúc: "Làng quan họ quê tôi", "Khúc hát sông quê", "Đôi mắt đò ngang"... Tuy nhiên, ông lại thú nhận thơ mới là cái nghiệp cả đời ông đeo đẳng. Vậy trong cuộc đời làm thi sĩ, với ông, chủ đề tình yêu có vị trí như thế nào?- Một người bình thường còn có khả năng làm thơ tình tặng người mình yêu, huống hồ một nhà thơ. Có khác chăng, nhà thơ không chỉ làm thơ tặng người yêu mà còn tặng... bạn đọc. Riêng thơ tình tôi có khoảng trên 100 bài.
Trong đó có những bài được nhiều thế hệ sinh viên thuộc nằm lòng, yêu mến chép vào sổ tay. Đáng kể nhất là bài Không đề bắt đầu bằng câu: "Anh trót để tình yêu tuột mất" và kết thúc bằng: "Anh trót để ngôi sao bay khỏi cát. Biếc xanh em mãi chớp sáng bầu trời. Điều có thể đã hoá thành không thể. Biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi".
- Phải chăng đó là bài thơ ông viết tặng mối tình đầu?
- Cũng là thơ của mối tình đầu nhưng không phải cho tôi mà là bạn của tôi, nhà thơ Ngô Thế Oanh. Còn "mối tình đầu của tôi" nhận được thơ tình tôi tặng qua báo, tiếc là khi ấy tuổi xanh đã vụt qua lâu rồi.
- Bây giờ khi mỗi người đã có cuộc sống riêng, kể về chuyện cũ ông có sợ vợ mình ghen không?
- Ghen thì cả thế giới ghen chứ riêng gì ai, có ghen mới là phụ nữ. Tôi thì không ghen, bởi ghen không thêm được gì mà chỉ làm mất đi. Tôi thấy bây giờ người ta ghen nhau tàn bạo lắm, sẵn sàng đánh mất hết danh dự của nhau chỉ vì những chuyện không đâu.
Thậm chí, có người ghen mà chẳng hiểu lý do vì sao ghen. Đa nghi quá cũng là thói xấu, thà ghen nhưng để trong lòng, hay như Nguyễn Bính ghen với cô người yêu rằng: "Đừng tắm chiều nay biển lắm người...". Ghen như thế mới là gia vị của tình yêu, một cách ghen rất dễ thương, đáng yêu. Hẳn cô gái nào được Nguyễn Bính ghen chỉ có nước lắc đầu mà... cười tủm tỉm.
![]() |
- Tình yêu ngày xưa có vẻ lý tưởng hơn bây giờ, dường như dạo đó con người "yêu chỉ để yêu" chứ chưa hề biết toan tính. Ông nghĩ sao?
- Nói như vậy chưa đúng lắm, xã hội nào cũng có người thế này người thế kia. Trong tình yêu cũng vậy, người thì đề cao yếu tố tình cảm, kẻ thiên về vật chất. Tuy nhiên, dạo đó ít ai so đo, tính toán kiểu: anh này có là sĩ quan không, có nhiều lương không...
Thời buổi chiến tranh, tất cả đều dành cho lý tưởng cao cả là phục vụ tổ quốc, bởi vậy, tình yêu riêng tư cũng trở nên nhỏ bé trước tình yêu đất nước. Thế mới có người hy sinh tình cảm riêng tư vì lợi ích chung, có người mới ở vậy hàng chục năm để chờ chồng ra chiến trận...
Một bộ phận giới trẻ bây giờ yêu nhau thoáng lắm. Tình yêu kiểu chớp nhoáng, yêu nhanh và chán cũng nhanh. Khi không còn yêu chỉ cần một lời chia tay là hết, ráo hoảnh, có khi còn xem nhau như kẻ thù. Tình yêu tự thân nó là một thứ tình cảm thiêng liêng, đẹp đẽ nhưng một số người đã không coi trọng, thậm chí làm mất giá trị, ý nghĩa của hai chữ này. Ngẫm thật buồn.
- Nhiều người "doạ" rằng: cuộc sống vợ chồng không có chuyện tự do cá nhân, hoặc là hy sinh tự do riêng của mình, hoặc là không lấy vợ. Ông quan niệm thế nào về tự do cá nhân trong cuộc sống gia đình thời hiện đại?
- Với tôi, tự do cá nhân trong cuộc sống chồng vợ nghĩa là sự tôn trọng lẫn nhau. "Vợ chồng trọng nhau như khách", không phải cứ thành vợ chồng rồi là xuề xoà không cần giữ ý tứ, càng không thể xét nét nhau từng li từng tí.
Phải hành xử thế nào để người bạn đời cảm thấy được tôn trọng, cảm thông, chia sẻ. "Lạt mềm buộc chặt", đó là cách giữ chồng khôn khéo nhất của một người vợ hiểu biết. Tuy nhiên, tự do không có nghĩa là "ông ăn chả, bà ăn nem", không được vi phạm giới hạn đạo đức gia đình, để cho vợ (chồng) phải ngồi đợi cơm cũng là... có tội.
- Vậy khi phu nhân ở Huế, còn ông ở Hà Nội thì hẳn mọi sự "kìm kẹp" với ông đều trở nên vô nghĩa?
- Nếu đã "kìm kẹp" nhau thì dù vợ chồng xa nhau mấy cũng chẳng vô nghĩa đâu, bởi người ta luôn phải nghĩ mình đang bị "kìm kẹp". Mà chỉ cần ý nghĩ đó bao vây đầu óc mình, cũng có nghĩa mình chưa được tự do hoàn toàn.
Tôi thì khác, bà xã luôn tin tưởng nên cuộc sống của tôi hoàn toàn "dễ thở". Với lại, phương châm của tôi là "tin thì tin, không tin thì thôi" dẫu bà xã có "đa nghi" cũng đành chào thua vô điều kiện.
- Ở cương vị người chồng, làm cách nào để vừa có "tự do" vừa làm đẹp lòng bà xã, bảo vệ hạnh phúc gia đình?
- Vừa có tự do vừa đẹp lòng bà xã, chỉ có cách duy nhất là sống đúng nghĩa một người chồng. Phần tôi, sống đúng mình là tự do của tôi và bà xã luôn tôn trọng điều đó. Tất nhiên, cũng có lúc bát đũa chạm nhau nhưng đó là chuyện thường tình ở các cặp vợ chồng. Có va chạm mới hiểu nhau hơn, để yêu thương, gắn bó.
(Nguồn: Gia Đình Xã Hội)