Nguyễn Trần Duy Nhất là con nhà nòi. Ông nội là võ sư Tấn Hoành, cha là võ sư Nguyễn Trần Diệu từng làm mưa làm gió làng võ những năm 1970. Mẹ của anh là Nguyễn Thị Ngọc Ánh - biệt danh Minh Ánh Ngọc, hậu duệ của đệ nhất quyền Anh ở Đông Dương vào thập niên 1940 Minh Cảnh… “Ở trong một gia đình truyền thống như thế nên từ nhỏ tôi đã có đam mê đặc biệt với võ thuật”, võ sĩ sinh năm 1989 chia sẻ cùng VnExpress.
Cơ duyên để Duy Nhất đến với Muay Thái hết sức tình cờ. "Một lần xem bộ phim 'Truy tìm tượng Phật', tôi rất tò mò về những thế võ dùng chỏ và gối của diễn viên chính Tony Jaa nên có tìm hiểu đôi chút về muay Thái. Đến khi biết tin TP HCM tuyển sinh để thành lập đội tuyển muay Thái, tôi đã làm liều đăng ký và đậu luôn. Hồi đó tôi đang là sinh viên năm nhất trường Đại học TDTT TP HCM ", anh kể.
Với tài năng sẵn có, Duy Nhất nhanh chóng trở thành võ sĩ số một làng muay Thái ở Việt Nam. Anh đã bảy lần vô địch nghiệp dư thế giới hạng 60kg và được làng võ trong nước gọi là “Độc cô cầu bại” - cái biệt danh tương ứng với cái tên mà cha mẹ đặt cho anh. Tuy nhiên, khi được hỏi về kỷ niệm nào đáng nhớ nhất, anh nói: “Đó là khi giành HC vàng Asian Indoor Games năm 2009 mà Việt Nam đăng cai. Đó là lần đầu tiên tôi thi đấu quốc tế và đoạt ngay HC vàng”.
Ở chiều ngược, SEA Games mang đến cho Duy Nhất rất nhiều nỗi buồn. Năm 2009 tại Lào, trong trận chung kết Duy Nhất đánh cho đối thủ người Thái Lan choáng váng, chảy máu nhưng vẫn bị các trọng tài xử ép nên không thể đoạt HC vàng.
Đến năm 2013 tại Myamar, ở trận bán kết gặp đối thủ người Lào Latsasack, Duy Nhất dồn đánh đối thủ không kịp đỡ đòn. “Trận đó tôi thi đấu áp đảo, phải gọi là 70-30 nhưng cuối cùng vẫn bị xử ép và thua”, anh nhớ lại. Sau trận đấu, vì quá uất ức, võ sĩ người Lâm Đồng đã bật khóc.
SEA Games năm nay, muay Thái lại được đưa vào tổ chức. Cơ hội lại mở ra cho Duy Nhất, nhưng anh vẫn không ngừng dè dặt: “SEA Games mà, các nước luôn chia chác huy chương. Môn võ lại cảm tính nên tôi đã quen với việc bị xử ép. Bây giờ cứ ra sàn đấu tôi sẽ chơi hết mình, thể hiện những gì mình có. Còn kết quả, chỉ biết phụ thuộc vào trọng tài. Nhưng, mình phải thắng chính mình, phải thể hiện để người xem thấy mình xứng đáng thắng trận”.
Do năm nay nước chủ nhà không tổ chức hạng 60kg của nam nên võ sĩ Việt Nam phải ép xuống 57kg. Đó là hành trình gian khổ. “Mỗi ngày tôi tập luyện tám tiếng nhưng ép cân mới mệt nhất. Hàng ngày tôi chạy bộ 10km với trang thiết bị để ra mồ hôi. Có khi trong sân vận động nhưng nhiều lúc 'đổi gió' ra đường chạy dù rất nguy hiểm”, Duy Nhất kể. “Ngoài ra, chế độ ăn uống phải kiêng khem mà nhiều lúc, tôi thèm ăn cũng phải nhịn hoặc ăn xong lại móc họng ói ra hết. Còn bí quá, thấy đồ ăn thì lấy bàn chải, kem đánh răng ra đánh răng là coi như không còn thèm”.
Đánh giá về cơ hội ở SEA Games sắp tới, anh nói: “Đã theo nghiệp thể thao, ai cũng mong sưu tầm cho mình đủ bộ danh hiệu. Tôi biết sẽ rất khó khăn vì các võ sĩ ở SEA Games đều rất mạnh, rất hiểu nhau nhưng đã thượng đài, tôi sẽ chơi mình vì màu cờ sắc áo và tất nhiên, mong có sự công bằng, may mắn để đổi màu huy chương”.
Về dự định tương lai, Duy Nhất cho hay sẽ thi đấu đến SEA Games 31, khi Việt Nam là chủ nhà, rồi sẽ treo găng để chuyển qua đánh tự do.
Đức Đồng