Ngày 8/4, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Hoàng Lộc (nguyên tổng giám đốc công ty Cổ phần thẩm định, giám định Việt Nam), giảm mức án từ tử hình xuống chung thân; Lê Phúc Đức (nguyên trưởng phòng giám định Công ty Cổ phần thẩm định, giám định Việt Nam) từ chung thân xuống 20 năm tù cùng về tội Tham ô tài sản.
Liên quan đến vụ án, HĐXX bác kháng cáo kêu oan, giữ nguyên án tử hình đối với Vũ Quốc Hảo (nguyên tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính ALC II - thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam), Nguyễn Minh Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Long Hải) về tội Tham ô tài sản. Tòa cũng bác kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt của 7 bị cáo khác, tuyên y án từ 16 năm đến tù chung thân về cùng tội danh.
HĐXX nhận định, trong vụ án này, các bị cáo đã thông đồng với nhau nâng khống thiết bị lặn là tàu Tinro 2 từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ, giải ngân trái phép tiền của Công ty ALC II để thanh toán nợ xấu cho các công ty đối tác, biến tài sản của ALC II thành tài sản của Công ty Cát Long Hải và cá nhân. Trong đó, bị cáo Hảo là người chủ mưu và chỉ đạo các bị cáo khác móc nối với nhau. Tòa cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất và mức độ nghiêm trọng của vụ án nên tuyên mức án tử hình là cần thiết. Còn bị cáo Tuấn, được tòa xác định là người đứng sau, giúp sức đắc lực cho bị cáo Hảo.
Đối với bị cáo Lộc và Đức, HĐXX xác định các bị cáo cấu kết với Tuấn và một số người khác ký khống bản kết luật giám định tài sản. Hành vi này không gây hậu quả trực tiếp mà do Hảo và đồng phạm dùng kết quả giám định khống để ký hợp đồng tài chính giải ngân trái phép. Các bị cáo không được hưởng lợi cá nhân, mức án sơ thẩm tuyên có phần nặng nên cần giảm một phần hình phạt.
“Việc VKS truy tố và tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội Tham ô tài sản là đúng người đúng tội. Tham nhũng là tệ nạn xã hội được coi là vấn nạn gây thiệt hại tài sản của nhà nước, nhân dân. Nó bắt nguồn từ những cán bộ tha hóa, biến chất làm mất lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước, làm mất kỷ cương pháp luật, tội phạm này cần phải xử lý nghiêm”, HĐXX nhận định.
Theo nội dung vụ án, trong thời gian điều hành Công ty ALC II, bị cáo Hảo cùng một số người thành lập công ty sân sau là Cát Long Hải sau đó giao cho Tuấn và Vũ Đức Hòa làm Chủ tịch HĐQT và giám đốc nhưng vẫn tham gia điều hành.
Năm 2007, để thực hiện quá trình cổ phần hóa công ty và giải quyết nợ xấu, ông Hảo bàn với Tuấn, Hòa nâng khống giá thiết bị lặn Tinro 2 (trước đây một doanh nhân người Nhật góp vào Công ty Cát Long Hải) rồi bán lại cho ALC II nhằm hợp pháp hóa việc giải ngân.
Sau khi hoàn tất giấy tờ pháp lý của con tàu, ông Hảo chỉ đạo Tuấn móc nối với Hoàng Lộc nhờ thẩm định, nâng khống giá thiết bị tàu lặn từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ đồng để bán lại cho ALC II. Cuối năm 2007, cựu tổng giám đốc ALC II tổ chức họp với các lãnh đạo cấp dưới để thông qua phương án mua thiết bị lặn của Cát Long Hải rồi làm hợp đồng cho chính công ty này thuê lại nhằm giải ngân số tiền 130 tỷ đồng.
Số tiền này Hảo chỉ đạo mua hơn 86.000 m2 đất thuộc trạm dừng chân miền Tây tại Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) với giá gần 79 tỷ đồng. Số còn lại để chi sửa chữa, bảo hiểm cho thiết bị, trả nợ hợp đồng thuê tài chính của Cát Long Hải với ALC II…
Hồi tháng 9/2014, TAND TP HCM tuyên phạt Vũ Quốc Hảo, Nguyễn Minh Tuấn và Hoàng Lộc mức án tử hình về tội Tham ô tài sản; 8 bị cáo khác phải nhận từ 15 năm đến tù chung thân về cùng tội danh. Sau đó, ông Hảo cùng nhiều bị cáo kêu oan vì cho rằng không phạm tội Tham ô tài sản mà là Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Một số khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngoài ra, liên quan những sai phạm trong thời gian điều hành Công ty ALC II, cuối năm 2013, ông Hảo từng bị TAND TP HCM tuyên phạt mức án tử hình về tội Tham ô và Cố ý làm trái gây thất thoát 530 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 7/2014, TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên hủy một phần bản án, điều tra xét xử lại nên bị cáo Hảo tạm thoát án tử hình trong vụ án này.
Cũng trong năm 2014, ông Hảo còn bị tuyên phạt 12 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong một sai phạm khác diễn ra tại ALC II. Đây là một trong những đại án được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo đưa ra xét xử vào năm ngoái.
Hải Duyên