Được chủ tọa hỏi suy nghĩ gì về việc luật sư Trần Đình Triển và Trần Đại Thắng đưa ra bản tuyên thệ của giám đốc công ty AP Goh Hoon Seow, bị cáo Sơn cho rằng, những thông tin đó chắc chắn không đúng sự thật, đồng thời bác bỏ lời tuyên thệ của ông Goh rằng chưa bao giờ tiếp xúc với ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.
Một loạt chất vấn khác của HĐXX về thời gian ông Goh yêu cầu làm hợp đồng khống để chuyển 1,66 triệu USD về Việt Nam; bị cáo và ông Goh gặp gỡ bao nhiêu lần… ông Sơn đều không nhớ và cho rằng: "Ở thời điểm này có lẽ cách trả lời của ông Goh như vậy không có ảnh hưởng gì". Tuy nhiên, chủ tọa xác định, tuyên thệ này là tài liệu mới, cần phải xem xét.

Các bị cáo tại toà chiều nay. Ảnh chụp qua màn hình.
Trước HĐXX, ông Sơn trình bày, sau khi được ông Goh cho biết lại quả 1,66 triệu USD, bị cáo này đã nói với ông Dũng và Phúc. "Anh Phúc đã bảo bị cáo xúc tiến ngay", ông Sơn khai và cho hay đã cung cấp tài khoản, tên công ty cho ông Goh.
Cả HĐXX và luật sư Nguyễn Huy Thiệp đều thắc mắc, nếu ông Phúc nói xúc tiến nhanh việc chia tiền thì vì sao 5-6 tháng sau, ông Sơn mới đưa cho mỗi người 10 tỷ đồng. Bị cáo này giải thích, thời điểm đó, khi ụ nổi 83M về Việt Nam, được phân công phụ trách quản lý, lai dắt đến một số địa điểm nên mất nhiều thời gian. Các luật sư cho rằng có sự mập mờ ở lời khai này của bị cáo Sơn.
Ông Sơn từng khai, sau khi nhận thông báo của ông Goh về việc chuyển 1,66 triệu USD đã mượn tài khoản của em gái và giải thích "có khoản chuyển cho các bác", song không có nói khoản tiền gì. Bị cáo này cũng quanh co khi khai có lần nói với em gái tìm căn nhà 4 tầng, vị trí đẹp để biếu tặng; sau đó lại giải thích có lẽ em gái hiểu sai, ý của bị cáo muốn chuyển tiền thành hiện vật tương đương.
Sơn khai nhiều lần dùng chứng minh thư rút tiền đưa cho ông Dũng và Phúc, song HĐXX chất vấn tại sao không chuyển khoản mà phải làm vậy. "Bị cáo nói HĐXX không tin nhưng tất cả chuyện đó ở công ty là đều phải bằng tiền mặt", ông Sơn khai. Bị cáo cho rằng, không nhớ chính xác từng lần đưa tiền. Việc rút tiền ở ngân hàng dù không có giấy tờ chứng minh song ông này vẫn khẳng định “đó là sự thật”.
Chủ tọa tiếp tục chất vấn lời khai về lần đưa tiền cho ông Dũng tại khách sạn ở TPHCM, song ông Sơn nói chỉ nhớ là vào buổi chiều.
Lời khai của ông Dũng về việc này mâu thuẫn với Sơn. Ông Dũng thừa nhận, Sơn gọi điện và hẹn sau đó hai người gặp nhau. Trước khi ra về, Sơn để lại chiếc túi có hai bánh xe, bên trong đựng rượu.
“Khi ngồi trong phòng chờ lên máy bay, bị cáo mở ra xem qua mới biết đó là rượu mà lúc trước Sơn có nói biếu làm quà”, ông Dũng trình bày.
Việc đưa tiền cho ông Phúc, Sơn giải thích sở dĩ có lời khai 3 lần tại nhà vì lúc đầu khai vậy, song sau đó ông ta nhớ ra nên khai lại.
Mua ụ nổi: 'Vinalines phải quyết định nhanh'
Tòa thẩm vấn cựu TGĐ Vinalines Mai Văn Phúc để làm rõ mối quan hệ với ông Goh. Bị cáo Phúc cho rằng chỉ một lần gặp ông Goh tại phòng khách của Vinalines. “Lúc đó bị cáo đi họp, anh Chiều có nói ra chào hỏi xã giao. Bị cáo chưa bao giờ làm việc liên hệ với ông ta. Ông Goh không hề giao dịch, thư từ với bị cáo”, ông Phúc trình bày.
Việc ụ nổi cũ nát có giá 9 triệu USD, ông Phúc cho rằng, do ông ta ép giá xuống, chứ thực tế lúc đầu phía đối tác bán giá hơn 13 triệu. Ông Phúc cũng giải thích, phải mua gấp ụ nổi này vì thời điểm đó phía Singapore có công điện, nếu ngày hôm đó không ký thì sẽ bán cho người khác. Bị cáo chỉ có 2 tiếng nên đã hỏi ban tham mưu, và được họ cho biết đã xem qua ụ nổi. Số tiền mua ụ nổi này được trích ra từ khoản gói 130 triệu USD vay của một ngân hàng.
Trong khi đó, thẩm vấn bị cáo Trần Hữu Chiều, nguyên Phó TGĐ Vinalines, cho thấy, khoản 9 triệu USD là tổng cộng các khoản mua ụ nổi, phía công ty AP phải lo chi phí hồ sơ thủ tục nhập khẩu, thông quan. Không ai đề nghị chia 8,1 triệu USD thành 3 chứng từ để chia cho AP, Công ty Global Succes và Vinalines.
Việt Dũng