Nguyễn Tiến Dũng chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên Tùng Dương (vai Lưu). Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
- Trước “Hành trình bí ẩn”, anh đã thực hiện những bộ phim nào?
- Tôi là đạo diễn trẻ mới về Hãng phim Đài Truyền hình Việt Nam, được một năm thì bắt tay vào thực hiện dự án phim Cảnh sát hình sự này. Đây là bộ phim đầu tiên của tôi với vai trò một đạo diễn chuyên nghiệp.
Sau Hành trình bí ẩn, tôi vừa hoàn thành phim Bước tới cầu vồng dài 70 phút sắp chiếu trên Văn Nghệ Chủ Nhật, một bộ phim đúng với tạng lãng mạn của tôi. Sắp tới, tôi chuẩn bị bấm máy Định mệnh hay còn gọi là Tiếng đập cửa. Đây cũng là một bộ phim tâm lý, hành động có yếu tố hình sự.
- Những bộ phim dài tập, nhất là thương hiệu “Cảnh sát hình sự”, thường được giao cho những đạo diễn tên tuổi được xem là cứng trong nghề, tại sao anh lại nhận được sự ưu ái này?
- Nói tôi được ưu ái là không đúng. Hãng có nhiều đạo diễn trẻ như anh Trọng Khôi người cùng đạo diễn phim này với tôi chẳng hạn, sinh năm 1983. Tôi sinh năm 1979, là già rồi chứ.
Có thể nói để được giao công việc này, bản thân tôi đã phải nỗ lực trong suốt thời gian thực tập một năm tại Hãng. Trong quá trình học ở trường, tôi cũng ghi được những dấu ấn nhất định với một số phim ngắn, trong đó, Kẻ sát nhân từng đoạt giải Nhất phim ngắn toàn quốc 2004. Có thể xem đây là một trong những yếu tố để Ban giám đốc tin tưởng vào tôi. Theo lời đạo diễn Khải Hưng, đây là lần đầu tiên Hãng giao một phim dài tập như thế cho một đạo diễn trẻ làm phim đầu tay.
Cảnh sát hình sự là loạt phim chiếm nhiều tình cảm trong lòng khán giả, mảnh đất mà các đạo diễn đi trước đã để lại dấu ấn rất đậm nét, nên nhiều người lo lắng cho tôi. Bản thân tôi cũng không tránh được hồi hộp, Tuy nhiên cờ đến tay thì mình phải phất thôi.
- Thực hiện một bộ phim lãng mạn với những cảnh quay nhẹ nhàng theo sở trường của mình hẳn dễ dàng hơn một bộ phim hình sự với nhiều pha võ thuật. Anh đã phải làm sao để có thể kinh qua cửa ải này?
- Thực ra khó có thể nói cái nào khó hơn cái nào vì mỗi chất liệu trong một bộ phim dẫn tới sự đa dạng trong cách thể hiện. Tôi không thể tạo ra dấu ấn cá nhân như trong dòng phim nhựa được. Tổ chức cảnh quay hành động cũng chưa phải thế mạnh của Việt Nam. Ở nước ngoài, khi làm phim hành động, người ta phải có đạo diễn võ thuật và sử dụng kỹ xảo nhiều. Những yếu tố đó mình hầu như không có. Diễn viên cũng là những diễn viên bình thường chứ không có người chuyên đóng vai hành động. Vì vậy, tôi cố tránh rất nhiều pha võ thuật. Tôi quan niệm đó là gia vị chứ không phải là điểm nhấn cho phim. Tôi khai thác yếu tố tâm lý nhiều hơn.
Tuy nhiên, tôi cũng đã cố gắng để khán giả không cảm thấy những pha hành động trong phim là giả tạo và giống trò trẻ con. Trong đoàn làm phim có anh Văn, một võ sư từng cộng tác với rất nhiều phim. Hai anh em trao đổi với nhau thật kỹ những đoạn hành động để tạo ra hiệu quả tốt nhất.
- Ngoài những pha võ thuật, anh gặp phải khó khăn nào khác khi thực hiện bộ phim này?
- Bộ phim có bối cảnh trải dài các tỉnh miền Bắc: Hà Nội, Hoà Bình, Hà Tây, Yên Bái, Vĩnh Phúc. Bối cảnh rộng khiến chúng tôi rất khó khăn về tổ chức sản xuất. Phim truyền hình Việt Nam chưa có trường quay, phụ thuộc hoàn toàn vào địa hình, địa thế thiên nhiên trong khi kinh phí làm phim rất hạn hẹp.
Hơn nữa, tuy tôi chịu trách nhiệm chính và đưa bộ phim này lên khi nó còn ở dạng đề cương nhưng bộ phim này có hai đạo diễn. Mỗi người được giao làm 5 tập. Bộ phim giống như một cô gái, hai chàng trai cùng yêu một người thì rất khó, mỗi người có cách tiếp cận vấn đề khác nhau, khai thác khác nhau dẫn đến những va chạm không tránh khỏi. Điều này đồng nghĩa với bộ phim đôi khi không thể thống nhất về phong cách thể hiện cũng như không thể đi đến tận cùng ý tưởng. Giá như… Thôi thì hãy chờ đợi ở những bộ phim sau vậy.
“Hành trình bí ấn” có tên ban đầu là “Ngày nắng không bình yên”. - Kịch bản: Vũ Liêm - Mạnh Tuấn Diễn viên: Phim phát sóng trên VTV1 vào lúc 20h từ ngày 7/8, thứ hai đến thứ sáu hàng tuần.
- “Hành trình bí ẩn” khác gì so với những loạt phim “Cảnh sát hình sự” trước?
- Biên tập: Thùy Linh
- Đạo diễn: Nguyễn Tiến Dũng, Trần Trọng Khôi
- Quay phim: Đỗ Việt Cường, Nguyễn Minh Thắng
- Âm nhạc: Vũ Thảo
- Họa sĩ thiết kế: Trương Đức Hải
- Thu Hà vai Tú
- Bảo Anh vai Luân
- Tùng Dương vai Lưu
- Lương Giang vai Mai Hương
- Khi xây dựng kịch bản Hành trình bí ẩn cùng hai người bạn Vũ Liêm - Mạnh Tuấn, tôi đã muốn tìm cách khai thác mới, lựa chọn hướng đi mới cho mình. Vì vậy trong series Cảnh sát hình sự, bộ phim này sẽ khác hoàn toàn những phim khác. Tôi không nêu lên những vấn đề nóng hổi như Chạy án đề cập chuyện tiêu cực hay chạy chức chạy quyền, những vấn đề gây tò mò cho khán giả khiến họ thích thú. Tôi cũng không quá chú trọng đến yếu tố nghiệp vụ của cảnh sát điều tra, không kiểu ta thắng địch thua, mà đi vào các tuyến tội phạm đặc biệt là nhân vật chính tên Lưu để tìm một cách khai thác khác. Mình đi vào bóng tối để tìm ngược về ánh sáng.
Trong tất cả phim của mình, tôi chú trọng nhiều hơn đến tình huống truyện. Tôi muốn đề cao tính giải trí, sức hấp dẫn của phim chứ không phải là vấn đề đặt ra, ép khán giả làm theo mình. Phim Mỹ trong một trường đoạn của nó rất khó kể câu chuyện thế nào, nhưng có rất nhiều chi tiết làm người xem không thể rời khỏi màn hình. Nó khai thác những vấn đề nhỏ rất dung dị nhưng có sức lay động lớn chứ không phải là những vấn đề có tính nhân loại. Phim Việt Nam thì ngược lại, hay đặt những vấn đề lớn nhưng chuyện lại thiếu chi tiết, không lôi cuốn và hấp dẫn.
- Bộ phim đầu tay, không có nhiều kinh nghiệm, diễn viên chính cũng không phải những gương mặt nổi tiếng, nên khó hút khán giả. Anh nghĩ sao về điều này?
- Trong phim có dàn diễn viên tên tuổi nhiều người biết quen mặt với khán giả như Tùng Dương (vai trùm buôn lậu ma túy), dàn diễn viên cảnh sát có NSƯT Đức Thuận, Văn Báu, Thế Bình hay chị Minh Phương. Nhưng họ chỉ là những vai vệ tinh. Hai diễn viên chính là Lương Giang, sinh viên văn hóa và Bảo Anh, đều là những gương mặt rất mới với khán giả. Tôi đánh giá cao hai diễn viên này, nhưng nói gì thì nói, cũng phải có quá trình. Tôi hài lòng về thái độ làm việc của họ nhưng chưa thể nói vai diễn của họ thành công
Công nghệ PR bây giờ hay mượn những người đẹp nổi tiếng để làm phim hấp dẫn. Tôi chỉ quan niệm một điều, tôi mời diễn viên phù hợp nhân vật của mình chứ không quan tâm diễn viên ấy là ai. Đây không phải là do kinh phí, vì ngay cả ngôi sao làm phim với chúng tôi, cát-xê cũng theo khung sẵn của Hãng mà thôi, không có sự khác biệt nhiều lắm.
Tôi là đạo diễn trẻ, muốn tạo ra dấu ấn mới, muốn thay đổi tìm làn gió mới nên gương mặt tôi chọn cũng là những gương mặt trẻ trung. Đó cũng là thử thách mà tôi nghĩ mình phải chấp nhận. Còn thành công hay thất bại phụ thuộc vào cảm nhận của khán giả. Cho đến lúc này thành công của tôi là dám làm, dám thể hiện những điều không an toàn ở phim đầu tay.
Mai Hương bị bắt cóc khi quyết định lên Lào Cai tìm hiểu bí mật mà bố cô đang che giấu. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
- Một đạo diễn trẻ, ít kinh nghiệm nhận đề tài quá sức, anh nghĩ sao nếu phim của mình không đáp ứng được yêu cầu của khán giả, bị chê như bộ phim vừa kết thúc trước "Hành trình bí ẩn" là "phí giờ vàng"?
- Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra với tôi, nhưng tôi nghĩ đã làm phim thì phải dũng cảm chấp nhận. Một bộ phim có rất nhiều dư luận và được dư luận để ý đó cũng là thành công.
- Phim truyền hình đang được đánh giá là phim dành cho các bà nội trợ, vừa xem phim vừa nhặt rau, ngôn ngữ thể hiện vì thế cũng khá dễ dãi. Với “Hành trình bí ẩn”, anh thấy điều này ra sao?
- Nếu quan niệm phim là dành cho các bà nội trợ thì tôi nghĩ đó chỉ là một luồng dư luận. Theo tôi, phim phải hấp dẫn, phải buộc khán giả dán mắt vào màn hình để xem. Nghĩa là phim nhiều chi tiết, hành động khiến họ phải chú tâm mới hiểu được, chứ không phải chỉ cần nghe. Nếu như thế phim nên phát trên đài phát thanh.
Về mặt ngôn ngữ, tôi nghĩ cũng rất khó nói. Nhiều người so sánh điện ảnh Mỹ có những câu thoại thông minh, điện ảnh Việt Nam thoại nhạt. Theo tôi, đó là hai nền văn hóa khác nhau, hai bản sắc khác nhau nên cách nói chuyện khác nhau. Bây giờ đưa câu thoại đầy tính triết lý của phim Mỹ vào phim Việt Nam liệu có ăn nhập hay không, gây ấn tượng không? Như bạn cũng biết, có thời gian dài, các bà nông dân của mình lại thích chuyện triết lý. Thực tế điều đó xảy ra trong đời sống nhưng đưa lên phim lại mang tính giáo điều. Tôi thích những lời thoại dân dã nhưng không dễ dãi. Thoại phải có vai trò nhất định. Thứ nhất dẫn dắt câu chuyện. Thứ hai là thể hiện quan điểm.
- Theo anh, bộ phim này có những yếu tố gì hấp dẫn khán giả?
- Tôi cho đó là cách tiếp cận khác về vấn đề, cách khai thác tâm lý nhân vật. Phim của tôi ít thoại mà chú tâm đến nhiều hành động và tình huống truyện. Đây cũng là một điều nguy hiểm với phim truyền hình. Thời lượng bộ phim quy định 50 phút, bao gồm rất nhiều thoại, nhưng tôi cắt đi nhiều nên suýt thiếu phút. Đấy cũng là sự liều lĩnh của tôi. Các nhân vật được tôi đề cập nhiều nhất là những nhóm tội phạm. Khác những kịch bản khác thường đơn tuyến, cấu trúc câu chuyện ở đây đa tuyến. Kịch bản có bốn tuyến nhân vật song hành từ đầu đến cuối tạo ra nhiều yếu tố bất ngờ cho khán giả. Cách thể hiện của đạo diễn trẻ có nhiều chệch choạc nhưng mang những màu sắc mới.
Tuy nhiên, quảng cáo chỉ là quảng cáo (cười).
Ngọc Trần thực hiện