- Xin ông cho biết căn cứ gì Bộ Xây dựng cho phép Vinaconex đầu tư dự án nước sạch sông Đà?
- Tôi được Bộ Xây dựng giao phụ trách ngành nước, cấp nước thoát nước. Thời điểm năm 2002, Bộ Xây dựng chủ trương hạn chế sử dụng nước ngầm do chất lượng không tốt, thay vào đó là sử dụng nước mặt các sông như sông Hồng, sông Cầu, sông Đà, sông Đuống.
Vinaconex đề nghị xây dựng nhà máy nước sạch sông Đà vì nước sông Đà ít bị ô nhiễm hơn sông Hồng. Vị trí đặt nhà máy ở Hòa Bình có cốt cao, tạo áp lực nước tự chảy về Hà Nội.
Hồi đó, cơ chế của chúng ta là giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đồng tình chủ trương của Vinaconex đầu tư dự án nước sạch vì doanh nghiệp này từng đầu tư thành công cầu, đường, là chủ đầu tư khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.
Mô hình doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất nước sạch mà nhà nước không phải bỏ tiền là rất đúng chủ trương xã hội hóa. Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ cho phép Vinaconex thực hiện dự án.
Nếu không có nước sông Đà, toàn bộ khu đô thị mới Tây Nam thủ đô và nhiều khu vực khác sẽ thiếu nước sạch. Thực tế đã chứng minh, nhà máy nước sạch sông Đà cung cấp 1/3 nhu cầu sử dụng của người dân Hà Nội.
- Vì sao Bộ Xây dựng đồng tình với việc sử dụng ống dẫn công nghệ cốt sợi thủy tinh theo đề xuất Vinaconex để rồi xảy ra hàng loạt sự cố?
- Trước đó, chúng ta không có nhà máy sản xuất ống nước mà thường nhập ống gang từ Trung Quốc, Malaysia, Brazil, Pháp tùy theo các dự án vay vốn nước ngoài. Chúng tôi từng nung nấu phải có nhà máy sản xuất thiết bị ngành nước. Do đó, khi Vinaconex lập dự án sản xuất thiết bị đường ống trong nước, Bộ hoan nghênh và đồng tình dự án của doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Vinaconex, do đường ống có đường kính 1-1,5 m nên sử dụng ống sợi thủy tinh nhẹ, việc lắp đặt đơn giản. Còn ống gang rất nặng, giá nhập khẩu, chuyên chở và lắp đặt rất lớn.
Tôi từng đánh giá dự án ống sợi thủy tinh là có hiệu quả, loại ống này sẽ ứng dụng rất nhiều nơi chứ không phải chỉ vận chuyển nước sông Đà.
- Vậy theo ông nguyên nhân vỡ đường ống do đâu?
- Sự cố đường ống nước là khó tránh khỏi, hiếm có đường ống nước nào mà không trục trặc.
Viện Khoa học xây dựng, Viện Vật liệu đã thẩm định chất lượng đường ống, Bộ Xây dựng đã kiểm tra đều đánh giá đường ống nước sông Đà nhìn chung có chất lượng tốt, có một số đoạn chất lượng xấu vì nhiều lý do như chất lượng đường ống, nền đất yếu...
Trong 47 km đường ống từ Hòa Bình về Hà Nội, các vụ vỡ thường xảy ra trong 4 km đoạn qua huyện Thạch Thất, là những ống được sản xuất và lắp đặt năm 2007, thời kỳ cuối trước khi đưa vào sử dụng năm 2008.
Tôi nghi ngờ nguyên liệu sản xuất ống không tốt, sản phẩm không được thử áp lực tại nhà máy theo quy trình, quá trình thi công nền móng đường ống có vấn đề...
Theo quy định, khi lắp đặt tại hiện trường thì cứ sau 500 m phải thử áp lực khí nén, nếu chất lượng ống kém sẽ vỡ ngay; sau khi hoàn thành tiếp tục phải thử áp lực toàn tuyến. Tôi nghe nói cơ quan điều tra kết luận rằng nhiều đoạn đường ống không thử áp lực.
Ngoài ra, có một thời kỳ Vinaconex chuyển giao qua nhiều lãnh đạo thì dường như những lãnh đạo sau đã bỏ quên dự án này, hoặc có thể có sự chuyển giao không rõ ràng nên không nhận thức tầm quan trọng của dự án. Vì thế giai đoạn năm 2007 chất lượng đường ống kém, lắp đặt ẩu.
- Vai trò giám sát của Bộ Xây dựng trong dự án này như thế nào?
- Dự án nước sông Đà do doanh nghiệp tự đầu tư, quy mô không lớn so với các công trình khác do nhà nước đầu tư nên Bộ Xây dựng giao quyền cho doanh nghiệp từ thiết kế, thẩm định thiết kế, thẩm định dự án với định hướng là anh bỏ tiền ra thì anh phải tự chịu trách nhiệm với dự án. Nếu anh không có khả năng nghiệm thu thì có thể thuê các tổ chức nghiệm thu.
Năm 2007 tôi đã nghỉ hưu nên không biết việc nghiệm thu nhà máy nước sạch sông Đà như thế nào. Tuy nhiên, theo quy định vào thời điểm đó thì Bộ Xây dựng không có cơ chế nghiệm thu nhà máy hay đường ống nước sông Đà.
- Cơ quan điều tra đang xem xét trách nhiệm hình sự với nhiều cán bộ lãnh đạo, thành viên HĐQT Vinaconex, ông nhìn nhận thế nào về việc này?
- Tôi thấy việc cơ quan điều tra quy trách nhiệm những ông lãnh đạo thời kỳ đầu về chủ trương đầu tư dự án là đi chệch hướng. Theo tôi đáng lẽ phải khen thưởng những người này vì mạnh dạn, tâm huyết, dám chịu trách nhiệm, đã làm đường ống trong giai đoạn tốt đến năm 2006.
Vụ việc không tham ô, vì sự cố lỗi kỹ thuật của một dự án sử dụng công nghệ mới mà hình sự hóa là không cần thiết. Điều này sẽ không thúc đẩy sự tiến bộ, sự mạnh dạnh đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là tự chủ trong hoạt động.
Năm 2003, chủ trương của chúng ta là giao quyền cho doanh nghiệp quyết định: tự đầu tư, tự thiết kế, tự thẩm định thiết kế, tự huy động vốn. Bây giờ cơ quan điều tra quay lại thắc mắc tại sao doanh nghiệp lại tự đầu tư, chỉ định thầu... là vô lý. Nếu đánh giá chủ trương đầu tư sai thì nhà nước làm sai vì đã cho họ chủ trương đầu tư. Không có sự cố thì có ai lật lại xem việc đầu tư sai hay đúng?
Tôi cho rằng việc đầu tư không phải là nguyên nhân. Nếu việc đầu tư đường ống cốt sợi thủy tinh là sai thì 47 km đường ống phải vỡ hết.
- Kinh nghiệm rút ra sau sự cố này là gì?
- Tôi từng chỉ đạo Vinaconex cần có phương án dự phòng xây hai đường ống và một bể dự phòng tại khu vực công viên Mễ Trì, đề phòng khi đường ống chính bị trục trặc. Tuy nhiên, hai việc đó đều không được chủ đầu tư thực hiện.
Tôi thấy rằng việc chủ dự án bỏ không đầu tư đường ống dự phòng là sai lầm.
Vỡ đường ống nước sông Đà ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, cơ quan chức năng phải xác định tại sao vỡ, ở đâu, lúc nào, ai là người chịu trách nhiệm tham gia sản xuất, thi công lúc đó...?
Mọi việc cần được xem xét khách quan, đúng pháp luật.
Năm 2004, Vinaconex đầu tư đường ống dẫn nước sông Đà dài 47km từ Hòa Bình về Hà Nội, có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng của Pháp hơn 13,6 triệu USD, vay hai ngân hàng trong nước gần 900 tỷ đồng. Năm 2009, dự án được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Từ năm 2012 đến nay, nhiều đoạn đường ống đã hàng chục lần bị vỡ. Tháng 3/2016, VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố 9 bị can liên quan tới việc đường ống dẫn nước sông Đà liên tục bị vỡ về tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong số 9 bị can có các ông Hoàng Thế Trung, nguyên giám đốc và Nguyễn Văn Khải, nguyên phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội (Ban Quản lý dự án); Trần Cao Bằng, nguyên giám đốc và Vũ Thanh Hải, nguyên phó giám đốc Công ty cổ phần ống sợi thủy tinh Vinaconex; Đỗ Đình Trì, nguyên trưởng đoàn tư vấn giám sát của Công ty cổ phần nước và môi trường Việt Nam - Bộ Xây dựng. Đầu tháng 5/2017, cơ quan điều tra khởi tố thêm ông Phí Thái Bình (nguyên chủ tịch HĐQT Vinaconex), Nguyễn Văn Tuân (nguyên tổng giám đốc) cùng 5 người khác. Các ông này bị cho rằng không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình, quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào dự án loại vật liệu composite cốt sợi thủy tinh khi chưa thẩm định hiệu quả sử dụng. Việc lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, kinh nghiệm để cung cấp sản phẩm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả... |
Đoàn Loan
>> Ông Phí Thái Bình: 'Kết luận của cơ quan điều tra chưa khách quan'