Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - người từng làm con đường gốm sứ ở Hà Nội - là tác giả ý tưởng và thực hiện tấm bản đồ này.
- Vì sao chị chọn bản đồ Việt Nam làm nội dung cho tác phẩm mới của mình?
- Về mặt tạo hình, tôi rất yêu hình dáng tấm bản đồ Việt Nam. Đó là dáng cong hình chữ S thẳng đứng gần như vuông góc với đường xích đạo, ôm trọn đường bờ biển. Một dáng hình vừa vững chãi mạnh mẽ, vừ mềm mại bay bổng.
Với tôi, bản đồ Việt Nam thiêng liêng hơn cả mọi sự thiêng liêng trên đời. Ở đó sản sinh ra một dân tộc kiêu hùng, sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm rạng rỡ đất nước mình với năm châu, bốn biển. Nhìn lại chiều dài lịch sử, dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chịu biết bao hy sinh gian khổ để gìn giữ bảo vệ biên cương lãnh thổ, chính là để bảo vệ tấm bản đồ Việt Nam vô cùng quý giá và thiêng liêng này.
- Lý do gì chị lại chọn gốm, một chất liệu quá khó để "vẽ" bản đồ Việt Nam?
- Từ tháng 5/2011 đến nay, khi Trung Quốc có những hành động gây hấn trên Biển Đông, tôi cũng như tất cả công dân Việt Nam đều hướng suy nghĩ của mình về Biển Đông. Năm 2012 tôi đã thực hiện thành công lá cờ Tổ Quốc rộng 312m2 bằng gốm sứ ở đảo Trường Sa Lớn. Tôi nhận thấy chỉ có sự bền bỉ của chất liệu gốm sứ mới chịu được mưa nắng ngoài trời, nắng gió biển Đông và bền vững cùng thời gian. Do vậy, dù không dễ dàng, tôi vẫn quyết tâm thực hiện những tấm bản đồ Việt Nam bằng gốm hoành tráng này, góp thêm tiếng nói khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
- Chị gặp khó khăn gì trong quá trình làm việc?
- Quả thực ban đầu tôi không lường trước được những khó khăn khi bắt tay vào thực hiện. Vì từ khi thể hiện bản đồ trên đất sét đến khi nung, độ co ngót 12% có làm xê dịch vị trí các đảo. Tôi cùng họa sĩ Phan Thanh Sơn và nhóm sinh viên Đại học mỹ thuật Công nghiệp đã phải làm đi làm lại mấy lần để tính toán sao cho sau khi nung, vị trí các đảo được chuẩn xác theo kinh độ, vĩ độ.
Chúng tôi phải vừa tuân thủ được độ chính xác, tính khoa học của bản đồ, vừa thể hiện được vẻ đẹp mỹ quan của những tấm gốm ghép lại, thể hiện men màu đúng với độ nông sâu của mực nước biển. Tôi đã có sáng kiến dùng kỹ thuật in trên gốm nặng lửa để nắn nót in từng địa danh, từng tên đảo, bán đảo, quần đảo, bãi cạn, bãi ngầm. Tôi thực sự xúc động khi in tên từng đảo chìm đảo nổi trên quần đảo Trường Sa, nơi tôi từng được đến.
- Ai giúp chị hiệu chỉnh chi li từng vị trí trên bản đồ?
- Bản đồ gốm sứ do chúng tôi thực hiện là theo mẫu Bản đồ Biển đảo Việt Nam của Bộ Tư lệnh Hải quân. Tôi được các sĩ quan ở Phòng Bản đồ, Bộ tư lệnh Hải quân giúp đỡ rất nhiều trong khi kiểm chứng độ chính xác của từng bản đồ, các chi tiết nhỏ cũng được chỉnh sửa nhiều lần mới đạt yêu cầu, khiến tôi gần như thuộc mọi địa điểm, địa danh trên Bản đồ Biển đảo Việt Nam.
Qua những lần trao đổi, làm việc, tôi biết thêm 11 đảo ven bờ có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam. Từ đó có thể xác định vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.
- Bản đồ này sẽ được lắp ghép như thế nào ở quần đảo Trường Sa trong tương lai?
- Khi tấm bản đồ đầu tiên được phê duyệt, tôi và các nghệ nhân Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã ra Trường Sa để ghép tấm bản đồ Việt Nam bằng gốm đầu tiên tại Nhà khách Thủ đô (đảo Trường Sa Lớn) trước sự chứng kiến của Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, đảo trưởng Phạm Văn Hòa.
Ngoài ra, tôi cũng đã đến thăm lại các điểm đảo, khảo sát các vị trí phù hợp để gắn các bản đồ còn lại tại 21 hòn đảo. Kế hoạch của chúng tôi là trong năm nay và năm sau sẽ gắn được đầy đủ 33 tấm bản đồ gốm sứ lên 33 điểm đảo thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.
- Sau Con đường gốm sứ, Lá cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất ở Trường Sa, không ít người ngưỡng mộ và cảm phục chị. Chị chia sẻ gì về tình yêu của mình dành cho Trường Sa?
- Khi tôi đến thăm các điểm đảo, tôi dùng mắt khảo sát các vị trí phù hợp để gắn các bản đồ trên các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đến đảo Đá Tây C, tôi định đặt bản đồ bên trong bức tường Nhà văn hoá đa năng của đảo, nhưng đảo trưởng Bùi Duy Việt rất trẻ (SN 88 - Từng tốt nghiệp sĩ Quan lục quân 1) chững chạc nói với tôi rằng: "Chị phải đặt trên cao, ngoài tầng 3 (tầng cao nhất của đảo) dưới lá cờ Tổ quốc để tất cả mọi người đến thăm đảo sẽ nhìn thấy tấm bản đồ này”, khiến tôi xúc động thực sự.
Tôi tin rằng, cùng với lá cờ gốm sứ và những bức tranh cổ động, những tấm bản đồ gốm sẽ góp thêm tiếng nói khẳng định chủ quyền của Việt Nam bằng chính chất liệu truyền thống lâu đời của cha ông. Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và mỗi người dân Việt Nam sẽ làm hết sức mình để bảo vệ và gìn giữ chủ quyền biển đảo cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
An Hạ thực hiện