Linh cữu ông Arafat về tới sân bay Cairo. |
Theo thông báo, có ít nhất 16 vị nguyên thủ, phần lớn của các nước Ảrập và Hồi giáo từng ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh lập quốc của nhân dân Palestine, xác nhận đến dự lễ tang sẽ diễn ra theo nghi thức quân sự. Trong đó có Quốc vương Jordan Abdullah, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, Tổng thống Libăng Emile Lahoud, Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Tổng thống các nước Algeria, Bangladesh, Yemen, Indonesia cùng thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Thuỵ Điển dự kiến cũng tới dự.
Phần lớn chính phủ các nước châu Âu như Pháp, Đức Tây Ban Nha... vốn có quan điểm phản đối Mỹ và Israel cô lập nhà lãnh đạo Palestine đã cử ngoại trưởng tới dự lễ tang. Trong khi đó, chính phủ Do Thái lại tẩy chay sự kiện này. Đại diện của Mỹ là trợ lý ngoại trưởng William Burns. Thông thường trong lễ tang của một nhà lãnh đạo Ảrập, những người dân bình thường không có cơ hội được dự trực tiếp. Họ lo ngại sẽ có quá nhiều người tới để bày tỏ niềm tiếc thương.
Ông Arafat năm 1977. |
Một chiếc máy bay của chính phủ Pháp đã đưa thi hài ông Yasser Arafat từ Paris về tới Cairo từ đêm qua. Ai Cập đứng ra tổ chức lễ tang cấp quốc gia cho ông vì các vùng đất Palestine do Israel chiếm đóng hiện không thể trở thành nơi cho nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài có thể tề tựu dự lễ tang ông.
Ai Cập đã dành cho cố chủ tịch Arafat, biểu tượng cuộc đấu tranh yêu nước của người Palestine từ thập kỷ 60, những nghi lễ quân sự trang trọng nhất khi linh cữu phủ lá cờ Palestine của ông về tới sân bay Cairo. Đoàn quân nhạc cử lên những điệu bi hùng khi 8 quân nhân Ai Cập chuyển linh cữu từ khoang máy bay tới cỗ xe tang. Sau đó, cả đoàn di chuyển tới một quân y viện và chờ tại đây đến hết đêm để chuẩn bị cho lễ tang chính thức vào ngày hôm sau.
Quả phụ ông Arafat, bà Suha, ghì chặt đệ nhất phu nhân Ai Cập Suzanne Mubarak ngay từ chân máy bay với khuôn mặt đẫm nước mắt. Họ lặng lẽ đứng bên nhau trong khi linh cữu tiến qua hàng tiêu binh danh dự. Sau khi lễ tang kết thúc, thi hài Arafat sẽ được đưa về thành phố Ramallah, khu Bờ Tây, để ông yên nghỉ trong nấm mồ bằng bê tông xây tại chính trụ sở, nơi ông sinh sống và làm việc trong tình trạng bị giam lỏng trong hơn 2 năm cuối đời.
Các nhà nghiên cứu tiểu sử cho rằng, ông Yasser Arafat sinh tại Cairo, nhưng các nhà lãnh đạo Palestine lại khẳng định Jerusalem mới là nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Ông nói tiếng Ảrập với giọng Ai Cập rất dễ nhận ra và đã bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình tại Cairo từ thập kỷ 50, dưới sự hậu thuẫn của cố tổng thống Ai Cập nổi tiếng Abdel Nasser. Sau một thời gian xa cách, năm 1983 ông Arafat quay trở lại Cairo và tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Hosni Mubarak.
Đình Chính (theo AP, Reuters)