- Cảm xúc của chị ra sao khi phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả?
- Đây là một điều bất ngờ, niềm vui và sự động viên vô cùng lớn với tôi cũng như đơn vị phát hành. Khi thực hiện dự án này, mọi người không hề tưởng tượng sức lan tỏa của bộ phim lại lớn như vậy. Tôi nghĩ đây là tín hiệu rất vui cho phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng nói riêng và dòng phim độc lập Việt Nam nói chung. Khán giả đã biết rằng bên cạnh phim giải trí chiếu rạp, cộng đồng làm phim độc lập tại Việt Nam đang kiên trì trên con đường mình chọn và luôn mong mang đến những phim chất lượng.
- Sau khi "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" phát hành, các nhân vật trong phim phản ứng thế nào?
- Chỉ số ít nhân vật cũng như gia đình họ xem được. Mọi người đều xúc động và vui mừng trước sự đồng cảm của khán giả. Những nhân vật khác đang tản mát tại nhiều đoàn hội chợ khác nhau, rất muốn xem phim nhưng chưa có điều kiện. Tôi hy vọng sắp tới sẽ xin được tài trợ để thực hiện chuyến chiếu phim lưu động tại các đoàn hội chợ đang nằm rải rác khắp nơi.
- Nhắm tới cộng đồng LGBT, tại sao chị không tập trung vào những nhân vật nổi tiếng mà chọn một gánh hát không tiếng tăm như bao gánh hát dạo khác?
- Tôi đến với phim vì sự ham thích cuộc sống phiêu lưu và vì sự tự tin trong giao tiếp với tầng lớp lao động. Tôi nhắm tới những con người yếu thế trong xã hội chứ không nhắm tới sự khác biệt của cộng đồng LGBT. Tôi nhìn họ như những người bình thường và đầy bản lĩnh khi đối mặt với những gì mình có. Tôi không chủ ý tạo ra sự khác biệt và tường trình những lời than thân trách phận của họ. Có lẽ suy nghĩ của tôi bắt nhịp với cách chọn những góc quay nên nhiều khán giả nhận định: "Nhìn họ như những người dị tính khác, đầy sức mạnh và sống hết mình với cuộc đời".
- Khi bắt đầu bấm máy, chị dự trù thế nào về thời gian đi theo đoàn phim để ghi hình?
- Lúc đầu tôi nghĩ chắc tầm 4 đến 5 tháng là xong. Sau đó, cuộc sống và các nhân vật cuốn tôi đi. Tôi hòa nhập và thả mình vào đó đến nỗi tôi luôn phân vân: "Không biết đoàn hội chợ hay Sài Gòn mới là nơi cư ngụ thực sự của mình?". Cuộc sống của họ thu hút đến mức tôi không muốn rời đi và khi đóng máy tôi đã gần như bị trầm cảm. Cảm giác của tôi lúc đó là mình bị tách ra, bơ vơ, hẫng hụt khi không còn được sống trong không khí của đoàn.
Vì sợ bị lạc lối và mất khoảng cách khi ở đó liên tục nên tôi lập kế hoạch ở lại một thời gian rồi về TP HCM, sau đó quay lại để tạo sự tươi mới cho mỗi lần quay. Thường thì tôi ở đó nửa tháng, về TP HCM nửa tháng. Sau này, thời gian tăng lên một tháng và giai đoạn cuối là ba tháng.
- Chị làm thế nào để thuyết phục nhân vật cho mình ghi lại những sinh hoạt đời thường nhất của họ?
- Giai đoạn đầu cũng khó khăn nhưng một thời gian, cảm nhận được sự chân thành của tôi, họ cũng mở lòng. Người trong đoàn sống sao thì tôi sống vậy. Từ nhỏ tôi sống ở công trường cùng bố mẹ nên quen với môi trường tập thể. Chúng tôi dùng chung bể nước, nhà vệ sinh. Thậm chí nhiều nơi không có chỗ tắm, chỗ đi vệ sinh nhưng người ta sống sao thì tôi sống vậy. Lúc đầu, tôi hơi ngại nhưng sau quen dần, thấy mọi thứ trở nên bình thường. Việc ăn chung, ở chung khiến chúng tôi dần dần xóa bỏ rào cản.
Sau khi thâm nhập được, tôi để họ là chính họ như những gì vốn có. Tôi chỉ ở bên cạnh, quan sát, lắng nghe, chọn lựa những thời điểm cần thiết để ghi hình lại.
- Chứng kiến cả một quãng đời nhiều tiếng cười và nước mắt của nhân vật, chị làm thế nào để cảm xúc của mình không ảnh hưởng đến tính khách quan của thể loại phim tài liệu?
- Trước khi làm phim này tôi đã có ba năm làm phim tài liệu độc lập và có ba tác phẩm hoàn thiện. Kinh nghiệm trước đó cho tôi khả năng nhận biết mình là ai, đang làm gì để không bị hiện thực cuốn đi.
- Chị gặp những khó khăn gì khi vừa quay phim, vừa làm đạo diễn mà không có êkíp đi cùng?
- Tôi đã được huấn luyện trong các khóa học về phim tài liệu để tự đạo diễn và quay nên không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên vì không hiểu hết về kỹ thuật máy móc nên đôi khi tôi hơi bối rối trong cách xử lý hình ảnh. Phần khó khăn nhất là âm thanh. Điều kiện thu thanh không tốt lắm nên phần hậu kỳ khá vất vả.
- Kết cục xảy ra với nhân vật chính ảnh hưởng thế nào đến cảm xúc của chị khi hoàn thành bộ phim?
- Phim đóng máy tháng 10 năm 2010, chị Phụng cùng chị Hằng qua đời 7 tháng sau đó. Đây là cú sốc lớn với tôi bởi lần đầu tôi biết đến cảm giác mất đi những người quá thân thiết và gắn bó với mình. Lúc đó tôi thấy vô cùng sợ hãi và lẻ loi. Rất khó để nói về giai đoạn khủng khiếp đó.
Sự ra đi của hai chị không ảnh hưởng tới hình hài của bộ phim. Có chăng, tên phim hơi khác một chút. Nếu có được điều ước khi đó, tôi ước khi phim đóng máy, tôi có ngay kinh phí để làm hậu kỳ. Biết đâu các chị vẫn kịp xem lại mình trên phim. Nhiều người hỏi tôi, có phải cái chết của nhân vật chính là chi tiết gây tò mò cho khán giả khi phim phát hành tại Việt Nam. Tôi từ chối nói về vấn đề này vì thấy làm vậy là không tôn trọng người đã khuất.
- Tại sao chị chọn phim tài liệu để dấn thân thay vì những thể loại khác?
- Tài liệu cho tôi sự tự do. Tôi được thả mình vào cuộc sống, vào những số phận người thực, việc thực. Tôi bị kích thích đặc biệt bởi những điều sẽ đến ở thì tương lai mà mình không biết cụ thể là gì.
- Làm phim độc lập, khó khăn nhất là ở khâu xin tài trợ. Chị sẽ khắc phục điều này thế nào cho những dự án tiếp theo?
- Tôi hy vọng sau phim này, tên tôi được biết đến nhiều hơn để những dự án sau tôi không gặp quá nhiều khó khăn. Quá trình thực hiện Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng tôi đã biết nhiều hơn về các quỹ tài trợ, nhà sản xuất qua những lần đi liên hoan phim. Tôi sẽ chủ động hơn trong việc viết dự án, kêu gọi tài trợ.
Châu Mỹ thực hiện