Chia sẻ về lý do thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần ba, chân dài Thái Bình cho biết, cô cảm thấy vẻ đẹp của mình đã hoàn thiện hơn 2 năm trước và muốn tìm cơ hội mới. Nguyễn Thị Loan hy vọng nếu chiến thắng, cô sẽ được đi thi thế giới.
Nhiều người bất ngờ khi Nguyễn Thị Loan không được vào thẳng chung kết trong khi Nguyễn Thị Hải Yến - “ Người đẹp xứ Trà 2011” lại được đặc cách. Giải thích về điều này, Hoa hậu Quý bà Đoàn Kim Hồng - đại diện Ban tổ chức - cho biết, Nguyễn Thị Loan chỉ vào top 5 và giành giải phụ tại Hoa hậu Việt Nam trong khi quy định của cuộc thi chỉ đặc cách cho các thí sinh nằm trong top 3 các cuộc thi nhan sắc lớn. Tuy nhiên, Nguyễn Thị Loan cũng được ưu tiên vào thẳng vòng bán kết mà không phải qua sơ loại.
Sở hữu chiều cao nổi bật 1,74m, số đo ba vòng 90-62-92, nữ cử nhân Đại học Thương Mại Hà Nội dễ dàng vượt qua các phần thi nhân trắc học, áo tắm và trang phục truyền thống trong ngày thi bán kết 20/5. Cô nổi bật trên sân khấu bởi sự tự tin, các bước đi uyển chuyển do đã có quá trình làm người mẫu. So với tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010, Nguyễn Thị Loan chuyên nghiệp hơn nhưng hình thể quá đầy đặn (cân nặng 57 kg) là điều mà người đẹp sinh năm 1990 phải lưu ý.
So với cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần hai năm 2011, các thí sinh năm nay có chất lượng tốt hơn, chiều cao phổ biến 1,69 m - 1,74 m. Các thí sinh đến từ dân tộc ít người không còn bị làm khó bởi phần thi áo tắm. Trong bộ đồ hai mảnh màu xanh nước biển, các cô gái không chút dè dặt bước ra trình diễn dưới ánh đèn sân khấu. Họ tự tin hơn trong phần thi trang phục dân tộc.
Thí sinh Hoàng Thị Kiều Anh (SBD 01) với bộ trang phục xường xám của dân tộc Hoa và mái tóc gợi nhớ tới hình ảnh của nữ diễn viên nổi tiếng Thang Duy của Trung Quốc. Thí sinh Nguyễn Mai Anh (SBD 02), dân tộc Kinh, duyên dáng với chiếc áo dài có hình cậu bé chăn trâu thổi sáo. Thí sinh Lù Thị Mai dân tộc Thái (SBD 27), khoe sắc trong bộ trang phục Thái giản dị nhưng tôn lên vẻ đẹp người con gái Thái với hàng cúc (gọi là “tém”), thời xưa được làm bằng bạc, với áo chủ yếu là màu trắng, cổ áo khoét rộng, chân váy dài, màu đen nhánh, lấp lánh hàng dây xà tích.
Cô gái Xinh Mun duy nhất Lò Thị Minh (SBD 29), rạng rỡ giới thiệu về bộ trang phục dân tộc Xinh Mun với sự giao hoà của trang phục nhiều dân tộc anh em trong đất nước Việt Nam: Chiếc kiềng giống của người Kinh, chiếc túi đeo giống của người Thái nhưng có thêm những quả bông sặc sỡ; bộ váy áo cũng như của người Thái nhưng lại có sự giao thoa với trang phục người Lào…
Là thí sinh Giáy duy nhất trong cuộc thi, cô gái đại diện cho dân tộc rất hiếm này là Lù Thị Kim Duyên (SBD 10), đến từ Lào Cai, duyên dáng với chiếc áo ngắn màu xanh và quần lụa đen, trang phục truyền thống của dân tộc cô.
Mỗi thí sinh, ngoài việc khoe sắc trong trang phục dân tộc của mình, còn mang theo lên sân khấu những đạo cụ rất đặc trưng như chiếc nón La Chí của thí sinh Lù Thị Bích (SBD04), cây đàn tính của thí sinh Tày Hàn Thị Diệp (SBD 08). Thí sinh dân tộc Lào đầu tiên góp mặt trong cuộc thi Lò Thị Điểm (SBD 06) lại duyên dáng trong trang phục dân tộc và mềm mại trong điệu múa Lăm Vông. Lò Thị Điểm tâm sự, cô rất vinh dự khi lần đầu tiên dân tộc cô được góp mặt trong cuộc thi nhan sắc của các dân tộc anh em trong đất nước Việt Nam và mong muốn sẽ góp thêm một nét độc đáo của văn hoá dân tộc Lào trong vườn hoa trăm sắc của cuộc thi.
Từ 51 thí sinh, Ban giám khảo chọn ra 30 gương mặt vào vòng chung kết toàn quốc. Vòng chung kết sẽ diễn ra từ ngày 10-27/6 tại Sunrise Hội An Beach Resort, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Ảnh |
* Thí sinh trong trang phục áo tắm |
* Thí sinh trong trang phục truyền thống |
Huy Phạm
Ảnh: Hải Bá,Dũng Phạm