![]() |
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. |
Chị sinh ra và lớn lên ở vùng đất bãi sông Hồng, thuộc Văn Giang, Hưng Yên. Thuở nhỏ, Hồng Ngát thường theo bạn bè đi chăn trâu và phụ giúp việc nhà nông cho bố mẹ. Hạnh phúc nhất với cô bé là những đêm xem hát chèo. Hình ảnh lung linh xinh đẹp và cuộc đời đầy trắc trở của Thị Kính, Thị Màu, Súy Vân... thường ám ảnh chị trong những giấc mơ. Năm 15 tuổi, biết trường Sân khấu Điện ảnh tuyển diễn viên, chị quyết định trốn nhà lên Hà Nội ứng thi. Nhờ mấy ông chú đưa lên Bờ Hồ, chị một mình theo tàu điện xuống khu Cầu Giấy, rồi cuốc bộ vào khu Mai Dịch. Vào tới nơi thì đúng giữa trưa, gặm hết một chiếc bánh mì, uống no một bụng nước, buổi chiều vào thi. Hát một bài, múa một bài, ban giám khảo cứ tấm tắc khen: "Con bé sao mà tự nhiên, lanh lợi". Giấc mơ nghệ sĩ chèo của chị bắt đầu trở thành hiện thực từ đấy. Ba năm sau tốt nghiệp, chị được phân về đoàn chèo Thanh niên của Nhà hát Chèo VN đi phục vụ chiến trường miền Nam đầy khắc nghiệt. Ở chiến trường, chị gặp tình yêu đầu tiên.
Chị bước vào hôn nhân, sống với nhau được 8 năm, có 3 mặt con thì gia đình lục đục. Anh đẹp trai, hào hoa, có vợ rồi mà rất nhiều cô mê. Chị thích văn thơ, nghệ thuật, anh thì chỉ biết công việc máy móc kỹ thuật, thế là họ chia tay. Mang theo 3 đứa con sàn sàn trứng gà trứng vịt, Hồng Ngát ra khỏi nhà. Công việc biểu diễn của chị lúc bấy giờ ở Nhà hát cũng khó khăn vì mẹ sề rồi, làm sao cứ giữ mãi những vai Súy Vân, Thị Màu được nữa. GS, NSND Trần Bảng (thân sinh của đạo diễn Trần Lực), người thầy đỡ đầu, khuyên chị chuyển sang học sáng tác kịch bản, ông bảo: "Muốn không bị ai bắt nạt thì chỉ có mỗi một con đường là học hành tử tế, mình tự đứng vững được thì ai mà xô nổi mình" và chị đã nghe lời.
Năm 1981, Hồng Ngát được cử sang Nga học biên kịch sân khấu nhưng đến nơi thì hóa ra nước bạn không có chuyên ngành ấy, chị phải chuyển sang học biên kịch điện ảnh. Thật ra, chuyến đi ấy cũng là một cách để chị chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân với một thi sĩ nhiều hơn 15 tuổi. Cứ nghĩ rằng chỉ người làm kỹ thuật mới không hợp với mình, hóa ra nhà thơ cũng không hợp nốt, mặc dù anh rất tốt, rất yêu chị. 6 năm trời học ở Nga là 6 năm chị vô cùng vất vả, học bổng 90 rúp thì tiền ăn đã hết 70 rúp, cân nặng thì chỉ hơn 40 kg nhưng vẫn phải xin vào các nhà máy, công trường làm thêm những việc nặng nhọc như khuân vác, phu hồ để có tiền gửi về nuôi con. Chị kể: "Hồi ấy đi làm vừa có tiền lại đỡ hư, vì sống xa nhà, một thân một mình, có nhiều người muốn mình cặp bồ với họ, chỉ còn cách là đi làm thật nhiều để lúc nào cũng bận rộn, khỏi phải nghĩ ngợi lung tung". Về nước năm 1987, Hồng Ngát bắt tay vào xây dựng tổ ấm cho mình và 3 đứa con. Mấy tháng sống bằng bàn là, nồi hầm vèo qua, chị bắt đầu lăn lưng ra làm, viết thơ, viết kịch bản. Một loạt kịch bản chị sáng tác thời kỳ ấy đã gây được tiếng vang như Một thời đã sống, Canh bạc, Dã tràng xe cát biển Đông, các nhà hát cũng dựng vở của chị, bốn mẹ con nhờ thế sống qua ngày.
Năm 1990, Hồng Ngát gặp được người đàn ông để chị vừa yêu, vừa nể, vừa phục, anh là Phan Hồng Giang, tiến sĩ ngữ văn, con trai nhà phê bình Hoài Thanh. Anh nói đã biết chị từ năm chị 20 tuổi trên sân khấu chèo, nhưng lúc ấy hai người đều đã có gia đình nên biết mà... đành để đó. Năm chị tròn 40 tuổi, anh đã đến, ghé vai vào gánh vác cùng chị 3 cái tàu há mồm, lo cho chúng chẳng khác gì con đẻ. Chị bắt đầu được rảnh tay lo nghề nghiệp. Hai năm chị làm Giám đốc hãng phim truyện VN, những kịch bản gai góc như Bến không chồng, Đời cát, Của rơi, Vua bãi rác... được đưa vào sản xuất khi mà những đời giám đốc trước đã cho vào sọt rác. Tiếp đó chị được chuyển lên làm Cục phó Điện ảnh.
Nhìn lại đời mình, Hồng Ngát bảo, chị đã được trời thương khi cho làm công việc mình yêu, lại cho chị có được một người đàn ông đúng như ước muốn sau chừng ấy bão giông. Mỗi lần thay đổi gia đình là một lần chị bị khủng hoảng ghê gớm, nhưng rồi cũng vượt qua bởi như chị đã nói về mình: "Đam mê nhưng lại tiếc đời". Nếu đã biết sự chọn lựa của mình là sai thì tại sao lại không dám tung hê để sắp xếp lại từ đầu?
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)