Tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh nằm trong sách Ngữ Văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 2021.
Bài thơ có trong tập Ra vườn nhặt nắng của tác giả, in lần đầu năm 2015. Sáng tác gồm tám khổ, mỗi khổ bốn dòng. Những ngày qua, nhiều độc giả, trong đó có các phụ huynh học sinh, cho rằng thơ có từ ngữ sáo rỗng.
Dịp này, nhà thơ trò chuyện về cảm hứng sáng tác Bắt nạt.
- Anh nói gì khi bài thơ của anh bị nhận xét ngôn từ ngô nghê, vô nghĩa?
- Tôi cho rằng việc sử dụng từ ngữ đơn giản, học theo cách trẻ nói chuyện là cách hiệu quả để viết thơ cho trẻ em. Còn chiều sâu tác phẩm là những gì nén trong ngôn ngữ ấy. Không khó để thấy những ngôn từ đơn giản (thực chất là tối giản) vẫn có thể vẽ ra thế giới đầy hình ảnh, ý tưởng, trò chơi, nhân vật như mù tạt, hip hop, bạn nhút nhát, bạn bắt nạt, trẻ em, người lớn, tớ, mèo, chó, cái cây, đất nước. Rồi những nhân vật và có thể chính người đọc tham gia vào thế giới tưởng tượng, tương tác với nhau qua hành động như ăn mù tạt, học hát, nhảy hip hop, bắt nạt.
Vì "bắt nạt dễ lây" như con virus, gây ra cả một vòng tròn bắt nạt toàn cầu mà từ "đừng bắt nạt" phải dùng rất nhiều lần. "Bắt nạt" trong thế giới ấy và chính cuộc sống này được ví với mùi hôi vì là trò chơi bẩn, dễ gây xa lánh. Thông điệp sau lớp ngôn từ con trẻ ấy không chỉ đơn giản là "Bắt nạt là xấu lắm". Tôi muốn nói về sự khơi gợi tính quân tử, sự yêu thương muôn loài: "Đừng bắt nạt ai cả".
* Nguyên văn bài thơ "Bắt nạt"
- Quan điểm của anh trước ý kiến cho rằng một số từ trong bài thơ xa lạ với trẻ em ở vùng quê như "mù tạt", "hip hop"?
- Trẻ con vùng quê, vùng xa cũng xem mạng xã hội và biết nhiều chứ, nhiều trẻ em miền núi như Sapa còn nói tiếng Anh giỏi hơn hầu hết người thành phố. Ở đâu trẻ em cũng không ngừng học hỏi. Một phần quan trọng của sự học chính là học từ mới, vì ngôn ngữ là nơi nén thế giới. Từ nào chưa biết, chỉ cần dạy là các em có thể hiểu trong chớp mắt. Từ mới không làm khó mà làm mới trẻ em.
- Theo anh, tác phẩm phù hợp với học sinh ở điểm nào?
- Bài thơ phù hợp với các bạn nhỏ, học sinh nhiều lứa tuổi vì nó là cuộc
đối thoại với trẻ em, bằng giọng điệu tôn trọng, thân thiện. Có nhiều hình ảnh buồn cười, dễ thương mang tính hoạt hình như "trêu mù tạt", "nhảy hip hop", "giống thỏ non", "bắt nạt dễ lây", "bắt nạt rất hôi". Người đọc có thể thả trí tưởng tượng, sẽ thế nào khi bạn bị ức hiếp "đưa bài thơ này" cho bạn bắt nạt. Hay nếu người bắt nạt đến gặp "tớ" (tác giả) thì sao nhỉ? Các tình huống này giáo viên hoàn toàn có thể cho học sinh diễn kịch như một trò chơi tìm giải pháp. Bài có nhiều ý tưởng, hình ảnh có thể giúp tăng vận động não bộ. Khi não các em tập thể dục cùng những bài thơ hay, nhân văn, sự thú vị, yêu thích có thể chạm tới phần hướng thiện, thức tỉnh trong nhiều em.
- Anh nghĩ sao trước ý kiến cho rằng bài thơ nên được đưa khỏi sách giáo khoa?
- Khi những người làm sách liên hệ và đề nghị đưa bài thơ của tôi vào chương trình học Ngữ Văn lớp 6, họ nói rất thích và muốn tác phẩm giúp ích cho nạn bắt nạt đang gây nhức nhối ở môi trường học đường. Qua trao đổi, tôi thấy được tâm huyết của họ và đồng ý.
Tôi không xin vào sách giáo khoa và cũng không có nhu cầu bài thơ của mình ở lại sách, nếu phần đông học sinh thấy dở. Nhưng nếu với nhiều em, bài này hay, có ích thì những người có ý kiến này cũng nên xem lại mình.
- Theo anh, tiêu chí để một bài thơ được đưa vào sách giáo khoa là gì?
- Tôi vẫn cho rằng sách giáo khoa dùng cho nhiều học sinh, được các em tin tưởng như kim chỉ nam nên phải đảm bảo chất lượng cao. Một bài thơ đưa vào sách nên xuất sắc về nghệ thuật, vì có đủ số bài thơ như vậy để chọn ở nhiều tác giả cũ và mới. Muốn phù hợp với học sinh, người chọn tác phẩm ngoài việc có thẩm mỹ cao về văn chương còn cần hiểu về giáo dục.
- Anh bắt đầu viết thơ lúc nào và gặp khó khăn gì khi theo đuổi sự nghiệp này?
- Hồi nhỏ tôi chủ yếu đọc ca dao, tục ngữ và thơ trong sách giáo khoa. Một ngày, tôi tự nhiên viết ra được những bài thơ hoàn thiện về vần điệu.
Tôi có tám năm viết tác phẩm mà không có nơi đăng trước khi tìm thấy Internet năm 2002. Rồi vài năm đấu tranh với gia đình để bỏ học, dành nhiều thời gian cho việc viết. Nhuận bút thị trường thấp, tôi cũng không thích tác phẩm của mình bị biên tập nên đành tự in và bán sách. Song song đó, tôi sáng tác, chăm sóc các trang mạng xã hội, đôi khi tôi bị quá tải. Ngoài ra, thói quen liên tục tìm kiếm bài thơ hay, tác phẩm mới khiến tôi không ngừng suy nghĩ, cùng chứng đau lưng đã gây mệt mỏi cho tôi.
Tuy nhiên, tôi thấy đó đều là những thử thách thú vị để vượt qua, trưởng thành hơn. Đến giờ tôi không còn than phiền về mấy chuyện này vì thấy bình thường. Bên cạnh khó khăn, thơ ca cũng đem lại cho tôi sự phát triển não bộ, nhiều nghị lực, tiếng cười trong lúc sáng tác và những độc giả thông minh, đáng yêu.
- Anh suy nghĩ gì về thực trạng xã hội đang ''bội thực thơ dở'' hiện nay?
- Thơ ca là phương tiện biểu đạt phổ biến nên việc nhiều người muốn diễn tả bằng hình thức này là nhu cầu cơ bản. Nhưng thơ ca xuất sắc lại đòi hỏi trí tuệ xuất sắc, đó chỉ là xác suất nhỏ. Vậy nên thơ dở nhiều như hàng quán mọc đầy đường là bình thường, nhất là khi ai cũng dễ dàng có công cụ xuất bản là trang cá nhân hay việc in sách đã dễ dàng hơn xưa. Bên cạnh đó, thơ hay như những quán ăn ngon cũng không ít. Thơ là sự chắt lọc cái hay từ tâm hồn thành từ ngữ, thời nào cũng có người hay làm thơ để tăng tư duy nên lúc nào cũng sẽ xuất hiện những bài thơ tốt. Muốn đọc và học cách đọc thơ hay thì sẽ tìm và hiểu được các tác phẩm thơ ca hay.
- Sắp tới anh ra mắt tác phẩm gì?
- Tôi đang hoàn thiện bản thảo cho tập thơ tình Em giấu gì ở trong lòng thế? phiên bản 3.0. Ngoài ra, tôi cũng muốn xuất bản một cuốn tập hợp những câu trả lời trên web mạng xã hội toàn cầu và một tập thơ viết những năm gần đây.
Về bài thơ Bắt nạt, ông Bùi Mạnh Hùng - tổng chủ biên sách Ngữ Văn 6, thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống - cho biết: "Có nhiều ý kiến của nhà chuyên môn và giáo viên về vấn đề này. Tuy nhiên, tôi đang muốn lắng nghe thêm những trao đổi khách quan".
Nguyễn Thế Hoàng Linh sinh năm 1982, từng được giới phê bình gọi bằng nghệ danh "Thi tài tuổi 20". Từ năm 12 đến 20 tuổi, Hoàng Linh đã viết khoảng 2.000 tác phẩm, trong đó có một số bài thơ được độc giả yêu thích như: Giá mà được chết đi một lúc, Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông.
Hoàng Linh là tác giả tiểu thuyết Chuyện của thiên tài, ghi dấu ấn với công chúng yêu văn học, được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng năm 2005.
Phương Linh