![]() |
Nguyễn Thập Nhất tự biện hộ. |
Trước khi trình bày, Nguyễn Thập Nhất nói: “Xin ông chủ tọa nhắc nhở 2 thư ký toà ghi lại phần bào chữa của bị cáo vì bị cáo không mua được giấy bút để viết lời trình bày như các luật sư”.
Bình tĩnh và rõ ràng, bị cáo Nhất nói: "Thứ nhất, có sự khác biệt giữa nội dung cáo trạng được công bố với bản luận tội và đề nghị kết tội của VKS. Cáo trạng cáo buộc bị cáo phạm tội theo điểm a, b, c khoản 2 Điều 291 BLHS, song trong phần luận tội, VKS đã bỏ bớt điểm b.
Đây là việc có lợi cho bị cáo. Tuy nhiên VKS không giải thích lý do bớt tội, nên bị cáo không nhận vì trái với quy định của pháp luật”.Nguyễn Thập Nhất cũng cho rằng bản luận tội của VKS dẫn chứng những lời khai để quy kết bị cáo "môi giới" trong việc Thuyết đưa dàn máy cho Phạm Sĩ Chiến khi chạy tội cho Năm Cam là hoàn toàn không có căn cứ. Theo bị cáo: “Các chứng cứ không được thẩm vấn tại phiên toà thì không được xem xét khi luận tội”.
Thứ hai, cáo trạng ghi sai tên hành vi phạm tội - “Lợi dụng ảnh hưởng người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, trong khi nguyên văn điều luật là Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Dấu hiệu pháp lý cơ bản của Điều 291 BLHS là từ đối với, cáo trạng 4 lần nhắc đến tội danh này đều không có 2 từ trên", Nguyễn Thập Nhất nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, bị cáo cho rằng nội dung cáo trạng quy kết là sai với nội dung điều luật. Theo Nguyễn Thập Nhất, dấu hiệu của hành vi trục lợi trước hết là phải có sự bàn bạc kèm theo ý thức chủ quan của người nhận và đưa tiền hay vật chất: “Từ trước đến nay, chưa có người có chức vụ nào khai báo rằng bị cáo đã thúc đẩy họ thực hiện hành vi phạm tội. Vậy bị cáo đã thúc đẩy ai, đã lợi dụng ai để trục lợi"? Nguyễn Thập Nhất cũng đưa ra nhiều định nghĩa đối với hai từ “ảnh hưởng” và “thúc đẩy” để chứng minh thêm việc không lợi dụng ai…
Điểm cuối cùng trong phần bào chữa, Nguyễn Thập Nhất trình bày rằng Cơ quan điều tra đã vi phạm pháp luật trong tố tụng ở giai đoạn điều tra và truy tố: “Trong thời gian điều tra, luật sư Đinh Văn Thanh đã gửi đơn xin được bào chữa cho bị cáo và bị cáo cũng đã viết đơn chấp nhận. Song cho đến nay bị cáo cũng không biết vì sao vẫn chưa nhận được thông báo nào về việc này”. Nguyễn Thập Nhất trích dẫn các điều luật và các văn bản luật để chứng tỏ quyền có người bào chữa của bị cáo: “Mỗi tháng, bị cáo viết một đơn dài 8 trang giấy gửi đi các cơ quan chức năng, trong đó trình bày đầy đủ những gì bị cáo nói hôm nay, nhưng không được ai trả lời…”.
Nguyễn Thập Nhất nói: “Bị cáo cũng cảm ơn VKS đã ưu tiên cho cán bộ trong ngành khi đề nghị mức hình phạt cao nhất theo khung điều luật đã quy định. Điều 291 BLHS có mức hình phạt cao nhất là 8 năm tù giam, và bị cáo được đề nghị mức án 6-8 năm". Bị cáo Nhất không đồng ý khi VKS chỉ nêu 1 trong số 7 tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Cuối cùng, Nguyễn Thập Nhất đề nghị: "HĐXX hãy tuyên bị cáo vô tội”.
Còn bị cáo Trần Văn Thuyết khóc nức nở trước vành móng ngựa khi tự bào chữa bổ sung. Lời đầu tiên Thuyết nói: “Cho bị cáo gửi lời cảm ơn đến đại diện VKSND Tối cao đã rút quyết định truy tố hành vi bắt giữ người trái pháp luật và thay đổi một phần tội danh cho bị cáo”.
Theo bị cáo Thuyết, cơ quan điều tra không làm đúng thủ tục khi tiến hành bắt bị cáo. "Có nhiều dấu hiệu vi phạm hoạt động điều tra như chỉ lấy lời khai một phía của Vũ Quốc Tuấn (người bị Thuyết bắt giữ). Tại sao không cho bị cáo đối chất? Không cho bị cáo được trình bày mọi việc?...”. Ngưng một lát lau nước mắt, bị cáo Thuyết nói tiếp: "Khóc không phải vì nỗi đau của bản thân mà vì nỗi đau công lý bị đảo lộn. Bị cáo không phạm tội, mong HĐXX xem xét để luận tội đúng người, đúng việc. Bị cáo chỉ giúp đỡ gửi đơn kêu oan chứ không hề tham gia chạy tội cho Năm Cam. Bị cáo không quen biết ai ở Vụ 2B và Cơ quan điều tra... Nếu như công an lúc đó cũng kiên quyết như bây giờ thì sẽ không có hậu quả đáng tiếc hôm nay…”.
Chủ tọa ngắt lời Thuyết vì cho rằng bị cáo đã đi quá xa sự việc được phép trình bày. Thuyết xin lỗi và tiếp tục bào chữa: “Bị cáo kính trọng ông Trần Mai Hạnh vì những bài báo đấu tranh chống tiêu cực. Bị cáo chưa bao giờ đặt vấn đề gì với ông Hạnh, ông Chiến hay với ông Nhất, không hề có chuyện “móc nối” như cáo trạng đã quy kết. Bị cáo chưa bao giờ ngồi cùng Dương Ngọc Hiệp và ông Chiến để bàn bạc chạy tội cho Năm Cam. Cáo trạng hầu như chỉ là lập luận của VKS”.
Thuyết khẳng định không hề có biệt danh "Buôn Vua" như một số người đã gán cho sau khi bị bắt. “Họ đã để lại một hình ảnh rất xấu xa về bị cáo. Trong trại giam nhiều người hỏi bị cáo là: Buôn Vua là gì? Vì sao anh lại Buôn Vua?...”.
Chứng minh cho nhân thân trong sạch, Thuyết kể ra rất nhiều mối quan hệ riêng tư với những người ở nhiều cơ quan nhà nước khác nhau... Lời cuối cùng, Thuyết nói: “Rất tiếc là không có thời gian cho bị cáo trình bày và cũng không được phép nói. Bị cáo chỉ muốn dư luận hiểu đúng hơn về bản thân, mong được hưởng một bản án đúng người đúng tội theo chính sách khoan hồng của Nhà nước. Xin HĐXX xem xét và chiếu cố về mức phạt dân sự cho bị cáo”.
Nghĩa Phương