![]() |
Bị cáo Nguyễn Thập Nhất. |
Ngay khi bắt đầu được thẩm vấn, Nguyễn Thập Nhất đứng nghiêm nói: ''Tôi, Nguyễn Thập Nhất, bị cáo tạm giam có mặt''. Khi trả lời câu hỏi của toà về ý kiến của bị cáo đối với cáo trạng, Nguyễn Thập Nhất quả quyết : ''Tôi xin phát biểu với tinh thần trách nhiệm, có ý nghĩa xây dựng...Thứ nhất, tại trang 549 bản cáo trạng của Viện KSND tối cao có nêu rõ: Hành vi của Nhất đã phạm vào tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, tội danh quy định tại các điểm a, b, c, khoản 2 Điều 291 BLHS (hiện hành). Tuy nhiên, tại trang 370 của cáo trạng (phần trích dẫn điều luật áp dụng đối với các bị cáo trong vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn) lại chỉ trích dẫn Điều 228 BLHS 1995 và Điều 282 BLHS 1999 chứ không viện dẫn điều luật 291 của BLHS 1999. Do vậy, những điều luật đã được viện dẫn không thể áp dụng đối với tôi theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ hai, từ trang 193 đến 216 của bản cáo trạng chưa nêu đủ căn cứ để chứng minh tội này xâm phạm khách thể và đối tượng mà luật Hình sự quy định tại Điều 277 và 291 BLHS 1999. Khách thể ở đây là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức Nhà nước; đối tượng được bảo vệ là những người có chức vụ quyền hạn của cơ quan, tổ chức Nhà nước. Vì lẽ đó, đến giờ phút này tôi vẫn chưa bị truy tố".
Trước lập luận này của Nguyễn Thập Nhất, hai vị công tố viên phải cắt ngang và tuyên bố: "Bản cáo trạng này đã được Viện KSND tối cao lập ra truy tố và toà đang tiến hành xét xử. Đề nghị toà tiếp tục làm việc".
Mặc dù nhiều lần được chủ toạ nhắc nhở về cách xưng danh trước toà, nhưng bị cáo Nguyễn Thập Nhất vẫn xưng "tôi" như thường và giải thích: ''Tôi xin lỗi vì từ trước tới nay ở toà án tôi cứ quen xưng tôi, còn bây giờ lại là bị cáo ạ''.
Ngoài ra, bị cáo này cũng đề nghị bổ sung vào lý lịch thành tích 8 năm liền là cá nhân xuất sắc ở đơn vị công tác để xác định tình tiết giảm nhẹ. Vấn đề này, đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố cho rằng sẽ xem xét trong phần luận tội.
Nguyễn Thập Nhất khai: “Tôi biết Thuyết từ năm 1994. Đó chỉ là quan hệ xã hội bình thường. Tháng 7/1995 tôi đến nhà Thuyết chơi thì gặp Dương Ngọc Hiệp và Tôn Vĩnh Đắc, lúc đó mới biết Hiệp và Đắc”. HĐXX hỏi: “Vì sao nhận lời thảo đơn giúp Thuyết và Hiệp?”. Nhất trả lời: “Vì sau khi nghe Hiệp trình bày tôi thấy có những dấu hiệu, cơ sở để có thể gửi đơn kiện. Bởi việc bắt Trương Văn Cam đi tập trung cải tạo không thông qua hội đồng tư vấn cấp tỉnh; lập hồ sơ không theo đúng trình tự quy định của nhà nước là phải từ phường, xã lên quận, huyện, tỉnh; gia đình trình bày và đưa ra những giấy khen của Năm Cam nên tôi nghĩ đó là một công dân tốt; rồi khi bị bắt giữ, Năm Cam phải vào trại tạm giam chứ không vào trại tập trung cải tạo theo quy định…”. Theo bị cáo Nhất, với các tình tiết đó thì việc giúp thảo đơn kêu oan cũng là chuyện thường tình.
![]() |
Ông Trần Mai Hạnh và Ông Phạm Sĩ Chiến tại toà án. |
Theo lời khai hôm qua của Thuyết, thông qua Nhất, Thuyết mới biết ông Phạm Sĩ Chiến, nguyên viện phó VKSND Tối cao. Nhưng Nguyễn Thập Nhất lại một mực khẳng định mình không dẫn Thuyết và Hiệp đến chơi nhà ai. Tuy nhiên sau đó bị cáo nhớ lại: “Tết 1996 tôi cùng Trần Văn Thuyết đến chúc tết ông Phạm Sĩ Chiến tại nhà riêng và một lần rủ Thuyết đến nhà ông Lê Thanh Đạo (nguyên viện trưởng VKSND Tối cao) ăn giỗ”.
Thuyết “Buôn Vua” đã xác định trước tòa việc đưa cho Nguyễn Thập Nhất tổng cộng 3.000 USD (giảm 7.000 USD so với lời khai tại Cơ quan điều tra) và một dàn máy nghe nhạc (Nhất chỉ mới trả 2,5 triệu đồng). Về việc này, bị cáo Nhất giải thích: “Vài lần đi chơi bình thường với nhau, Thuyết cho tôi 500 nghìn đồng nói để anh tiêu xài vì lương thấp. Tổng cộng đã tôi nhận từ Thuyết khoảng 15 triệu đồng. Tôi nghĩ anh em cho tiền nhau là bình thường. Ngoài ra tôi có mua của Thuyết một dàn máy nghe nhạc cũ. Tôi đã trả 2,5 triệu đồng, rồi không thấy Thuyết nói giá cụ thể nên nghĩ chỉ bấy nhiêu thôi”.
Nguyễn Thập Nhất nói không hề quen biết Trương Văn Cam mà chỉ biết Phan Thị Trúc, Dương Ngọc Hiệp và Trương Thị Lan. Việc có mặt trong lần Thuyết đi thăm Năm Cam ở trại Thanh Hà, Nhất giải thích: “Thuyết rủ tôi đi Tam Đảo. Trên đường đi Thuyết nói ghé vào chỗ này thăm ông anh một tí. Đến trước trại giam Thanh Hà, tôi không vào mà đứng bên ngoài nói chuyện với mấy quản giáo. Tôi không hề tiếp xúc với Năm Cam”. Bị cáo này cũng cho rằng lời khai của Thuyết về việc ông ta thông báo về kiến nghị tha Năm Cam trước thời hạn là không đúng.
Theo diễn biến vụ án, cuối năm 2001, sau khi Năm Cam và Dương Ngọc Hiệp bị bắt, Tôn Vĩnh Đắc khai nhận có liên hệ với Nguyễn Thập Nhất để nhờ vả, và Nhất gợi ý số tiền phải chi là 5.000-10.000 USD. Trương Thị Lan xác nhận điều này vì đã mấy lần liên lạc với Nhất qua điện thoại. Tòa hỏi: “Suy nghĩ gì về hai lời khai của Đắc và Lan?”. Bị cáo Nhất bình tĩnh trả lời: “Lời khai của Đắc về việc bị cáo nói phải có tiền mới hỏi thăm giùm tin tức là sai, không hề có chuyện đó. Cũng như chưa bao giờ bị cáo nói với Lan về việc giúp đỡ hay tiền bạc gì cả. Bị cáo chỉ nói với Đắc là muốn hỏi thăm gì thì cũng phải có tiền để làm chi phí vào TP HCM, vì sự việc diễn ra ở trong này chứ không phải ngoài Hà Nội. Bị cáo còn nói với Đắc là vụ án đang được điều tra, đừng có dính vào, tốt nhất là để kết thúc điều tra rồi hẵng hay”. Thập Nhất thừa nhận có mượn Đắc 2.000 USD để đóng tiền đặt cọc khi khai trương văn phòng đại lý vé máy bay.
Khi công tố viên hỏi ''Tại sao bị cáo lại quan tâm đến gia đình Năm Cam một cách thái quá như vậy khi cha con Năm Cam bị bắt?'', Nhất trả lời với vẻ mặt rất thật thà: ''Vì tôi rất thích tính anh Hiệp, anh Hiệp đã đối xử rất tình người với con tôi''. Lời khai này có vẻ hợp lý bởi khi Năm Cam và Hiệp bị bắt năm 2001, Nguyễn Thập Nhất đã nhiều lần gọi điện tìm gặp Trương Thị Lan, Tôn Vĩnh Đắc, thậm chí sai con mình đến tận nhà Trương Thị Lan dò hỏi tình hình.
Sáng nay, toà cũng tiếp tục thẩm vấn Nguyễn Văn Thuyết. Bị cáo này khẳng định số tiền nhận từ Hiệp, anh ta đã dùng hết vào các chi phí trong thời gian “chạy án” cho Năm Cam chứ không hề tiêu xài cho cá nhân. “Bị cáo làm việc gì cũng có bàn bạc công khai với Hiệp như đến đâu, đưa tiền cho ai... chứ không hề giấu diếm”.
Dương Ngọc Hiệp và Tôn Vĩnh Đắc được đưa ra đối chất với Thuyết và Nguyễn Thập Nhất. Lúc này, Trần Văn Thuyết xác định lại số tiền đưa cho Trần Mai Hạnh là 6.000 USD và một đồng hồ Omega, đúng theo lời khai của Hiệp. “Thưa quý tòa, bị cáo bị nhầm lẫn 1.000 USD nên hôm qua khai có 5.000 USD”, Thuyết nói. Bị cáo cũng nhắc lại là chỉ đưa cho ông Phạm Sĩ Chiến tổng cộng 10 triệu đồng (là 2 lần) và một dàn máy, chứ không phải là 20 triệu đồng.
Chiều nay, HĐXX sẽ tiến hành thẩm vấn ông Trần Mai Hạnh và ông Phạm Sĩ Chiến. Hai bị cáo này suốt hôm qua và sáng nay ngồi ở cuối phòng nghe các bị cáo khác khai báo, mà không bị toà yêu cầu áp dụng biện pháp cách ly.
Nghĩa Phương