Tháng Tám của hơn 30 năm trước là lúc con được sinh ra đời. Con đã đến với gia đình mình và được làm con của mẹ. Con lớn lên từng ngày nhờ xe cá của mẹ. Mẹ con bán cá. Từ lúc còn bé xíu đến giờ, hình ảnh con luôn nhớ về mẹ là hàng ngày mẹ đã phải thức dậy 3h-4h để chuẩn bị đi ra chợ, lấy cá về bán.
Nhà không có cửa tiệm, không ở trên đường lớn nên mẹ phải chạy bán rong khắp nơi. Mẹ đi xe đạp vì không biết đi xe máy và cũng vì nhà không có xe máy.
Từ nhà ra chợ rất xa, mẹ thì đi bán một ngày hai buổi. Sáng sớm mẹ đi, trưa về; ăn cơm xong mẹ lại đi, đến tối mịt mới về. Có khi mẹ đi cả ngày, trưa không kịp về nghỉ ngơi cơm nước. Trước khi đi, mẹ để lại tiền trên bàn cho chị hai đi chợ. Lúc đó nhà mình nghèo lắm, tính luôn cả tiền ăn sáng và bữa trưa vỏn vẹn mười nghìn cho cả gia đình sáu người. Cứ thế, chị em con lớn lên nhờ vào xe cá và những tờ tiền còn nguyên mùi cá của mẹ. Không hiểu sao lúc nhỏ con cứ thích ngửi những tờ tiền mẹ cho. Bây giờ con hiểu ra là vì những tờ tiền ấy có mùi cá và cả mùi mồ hôi, nước mắt của mẹ nữa.
Mẹ của con là một người thật hiền hậu, đảm đang và nhẫn nhịn. Từ lúc con sinh ra đến tận bây giờ chưa từng nghe mẹ lớn tiếng hay cãi nhau với ba lần nào. Có những lúc ba giận và la nhưng mẹ chỉ nhỏ nhẹ, chờ ba hết giận mới nói lại cho cả hai cùng hiểu nhau hơn.
Con nhớ cách đây hơn mười năm, khi con thi đại học, chẳng may rớt. Ba giận và la con rất nhiều. Con khóc. Mẹ vẫn luôn bên cạnh, an ủi, động viên con. Con nhớ lắm. Rồi con lên Sài Gòn học đại học. Mỗi lần con về nhà, thấy mẹ chạy xe đạp rao bán cá, con khóc. Con thấy thương mẹ lắm. Khi đó con tự nhủ mình phải cố gắng học thật tốt để mẹ đỡ vất vả. Sau đó cũng tới ngày con đi làm, áp lực công việc rất nhiều. Mỗi lần con muốn bỏ cuộc, lại nghĩ đến mẹ. Con vẫn tiếp tục. Con cảm ơn mẹ vì đã luôn bên con.
Hôm nay, con đọc được những dòng chữ trên VnExpress: "Độ tuổi từ 50 trở lên dễ gặp phải những thay đổi về sức khỏe và tâm sinh lý. Sức khỏe giảm sút khiến cho các hoạt động hàng ngày trở nên chậm, ít khéo léo hơn. Người tuổi này dễ nhạy cảm, thường cảm thấy cô đơn, lo sợ trở thành người thừa, vô dụng trước con cái". Con thấy nghèn nghẹn ở cổ. Con chợt nhận ra từ trước đến nay mình là một đứa vô tâm, thờ ơ với mẹ.
Thi thoảng làm việc nhà chung với mẹ, con hay tỏ ra nóng giận và lớn tiếng vì mẹ làm chậm. Song, con lại quên mất mẹ đã lớn tuổi. Con quên mất cả tuổi trẻ mẹ vất vả vì chồng con. Tất cả đã làm hao mòn sức khỏe của mẹ. Con chưa phải là một đứa con tốt. Con xin lỗi mẹ. Con hối hận vì điều đó.
Đây là lần thứ hai con viết những dòng tâm sự về mẹ. Lần đầu khi con đang học năm nhất đại học, con viết thư tay gửi mẹ. Lúc đó mới năm đầu xa mẹ, xa gia đình, con viết nhiều điều trong thư. Con không nhớ chính xác tất cả con viết, nhưng cảm xúc thì vẫn nguyên vẹn như vậy mẹ ạ.
Con mong phần đời còn lại mẹ sẽ sống thật khỏe mạnh, an yên bên con, hàng ngày trồng rau và chăm bầy cún ở nhà. Vì mẹ vốn chỉ thích làm những việc bình dị ấy hơn là đi du lịch nơi khác. Bây giờ mẹ không cần đi xe đạp nữa. Mẹ cứ việc ngồi sau xe và ôm con, còn lái xe cứ để con lo, mẹ nhé. Con cảm ơn ông trời đã cho con được làm con của mẹ. Con cảm ơn mẹ vì luôn bên cạnh, thương yêu, bao dung con. Con cảm ơn mẹ vì là mẹ của con. Nếu được sinh ra trăm nghìn kiếp nữa, con nguyện sẽ mãi làm con của mẹ.
Con yêu mẹ!
Phan Thị Trang