- Ông suy nghĩ gì khi từ chối nhận giải cho cuốn "Chuyện của anh em nhà Mem và Kya"?
- Ban đầu, tôi đã có ý kiến nhưng ban tổ chức vẫn cứ đưa vào nghĩ đây là cuốn sách cần được tôn vinh. Sách được chấm cao nhất ở vòng sơ khảo và bỏ phiếu 100%. Tôi rất hạnh phúc và muốn được nhận giải nhưng phải từ chối bởi là thành viên ban giám khảo. Tôi e ngại nhiều tngười chưa hiểu, chưa đồng cảm với câu chuyện tôi viết, họ sẽ thấy như vậy là không công bằng. Ở Việt Nam, từng có nhiều giải thưởng gây ồn ào, mất đi giá trị và thiếu thuyết phục vì giám khảo nhận giải.
Điều khiến tôi hạnh phúc hơn cả là tác phẩm được độc giả đón nhận. Phía nhà xuất bản nói đang lên kế hoạch tái bản.
- Hoạt động sáng tác cho thiếu nhi của ông hiện ra sao?
- Tôi tiếp tục viết một bộ sách, vẫn là câu chuyện của Mem và Kya nhưng sẽ là một thế giới khác, môi trường khác và hướng đi mới lạ.
Hàng ngày, tôi dành thời gian nhiều nhất là chơi với hai cháu, quan sát, lắng nghe và phải ghi chép lại vì mình già rồi, dễ quên mất. Chúng chưa biết nói nhưng tôi hiểu được điều chúng muốn truyền tải thông qua tiếng khóc, tiếng u ơ, khi cầm đồ chơi... Chẳng hạn như cháu có một động tác gì đó đặc biệt, đối xử với ông bà hay món đồ chơi ra sao, khi được xuống sân chơi chúng thích thú, lao về phía cái gì nhất... Những phát hiện đó quan trọng lắm, nó giúp chúng ta hiểu thế giới trẻ thơ, nhìn thấy đường đi cho một cuốn sách và tìm thấy thông điệp lớn lao gửi gắm vào tác phẩm. Nhờ vậy mà khi đọc, độc giả không thấy bóng dáng của một ông già viết sách mà hoàn toàn như đứa trẻ đang kể lại câu chuyện có thật.
Nhiều bạn nhỏ được bố mẹ đưa đến nhà tôi chỉ vì thích hai em Mem và Kya trong sách. Có bé còn đọc lại những chương sách cho tôi nghe vì đã thuộc lòng. Rõ ràng, phải có gì đó đồng cảm trong ngôn ngữ, suy nghĩ và những tò mò, quan sát thì chúng mới có thể thuộc được những đoạn văn.
- Ông làm thế nào để các tác phẩm luôn mới mẻ và phù hợp thời đại?
- Tôi tiếp cận internet, mạng xã hội, nhìn vào con, cháu mình để hiểu biết về trẻ con, thế giới hiện tại. Nhờ đó, tôi dần thay đổi nhận thức xã hội, thiên nhiên, thế giới.
Tôi xuất bản cuốn truyện thiếu nhi đầu tiên mang tên Bí mật hồ cá thần vì con gái tôi. Con bé hỏi tôi tại sao bố không viết những điều bố kể cho con thành một cuốn sách. Cuốn sách chứa đựng nhiều vấn đề về quá khứ, kháng chiến mà tuổi thơ tôi trải nghiệm. Bây giờ, hơn 50 năm trôi qua, tuổi thơ của những đứa trẻ hiện tại có nhiều khác biệt. Vì vậy, tôi buộc phải thay đổi.
Viết truyện cho thiếu nhi là cơ hội để tôi sống lần nữa với tuổi thơ, giúp tâm hồn thanh khiết hơn và bớt đi những phàm phu cuộc đời. Từ nay đến cuối đời, tôi sẽ dành phần lớn thời gian để viết sách cho những đứa trẻ, cho cháu, chắt của mình.
- Ông nhận định ra sao về văn học thiếu nhi của Việt Nam hiện nay?
- Nền văn học thiếu nhi ở Việt Nam trong nhiều năm nay có nhiều khoảng trống. Nguyên nhân là chúng ta chưa nhận thức hết được tầm quan trọng, chưa đầu tư đúng mức và sáng tác cho thiếu nhi thực sự rất khó. Ngoài ra, trẻ em ngày nay có nhiều phương tiện giải trí, học tập nên sách cho trẻ cần phải có tính thời đại, nội dung hấp dẫn, tốc độ và mở rộng hơn. Trong khi, nhiều tác phẩm hiện xa rời thiên nhiên, có xu hướng đạo đức hóa bằng văn chương, khô cứng và kém thu hút.
Vẫn có rất nhiều sách in cho thiếu nhi hàng năm nhưng trong đó phần nhiều là văn học nước ngoài. Tất nhiên, sách nước ngoài cũng giáo dục, hướng tới những điều tốt đẹp cho trẻ em. Nhưng muốn một đứa trẻ lớn lên trở thành người tốt trong chính nền văn hóa của mình thì phải hướng dẫn chúng về con người, văn hóa, truyền thống và tư duy của người Việt. Tại Hội Nhà văn Việt Nam, các hội đồng, ban khác có thể thay đổi nhưng chúng tôi luôn giữ lại ban Văn học thiếu nhi bởi đánh giá đây là mảng rất quan trọng trong việc định hướng giáo dục trẻ em.
- Ông đánh giá sao về các tác giả viết cho thiếu nhi hiện nay?
- Đội ngũ tác giả viết cho thiếu nhi hiện nay của chúng ta rất mỏng. Thậm chí có thể đếm trên đầu ngón tay các tác giả viết thường xuyên, trong đó Nguyễn Nhật Ánh được xem là trường hợp cá biệt. Ngoài ra, các nhà văn viết cho thiếu nhi đa phần đã lớn tuổi, chúng ta chờ đợi một thế hệ mới, trẻ trung và sáng tạo hơn.
Tôi muốn kêu gọi các nhà văn hãy dành một phần tư quỹ thời gian sáng tác để viết cho thiếu nhi. Không cần phải đề tài gì lớn lao mà hãy viết về con, cháu, chắt của mình với lòng yêu thương, chân thật.
Hiểu Nhân