Sao Hôm -
- Ông sinh năm 1936, tuổi Bính Tý, năm 2010 ông có cảm thấy mình quá may mắn với giải A của Hội Nhà văn VN cho tiểu thuyết "Hội Thề"?
- Tin cái gì tôi cũng tin vừa phải, nghĩa là không cuồng tín. Tử vi cũng vậy. Không tin sái cổ nhưng cũng không báng bổ. Tôi khai sinh năm 1936 (Bính Tý) nhưng Âm lịch lại thuộc về Ất Hợi. Theo tử vi (dân gian), năm Canh Dần 2010 là năm xung của tôi. Nhưng tôi cảm thấy đó là một năm may mắn. Sức khỏe hai vợ chồng bình thường. Chúng tôi đi châu Âu kiểu Tây ba-lô suốt tháng 7/2010, qua Hungary, Áo, Slovakia, Đức, Czech và cuối cùng là Pháp. Ở tuổi xưa nay hiếm, chỉ số IQ không cao mà vẫn đủ sức khỏe mang ba lô cùng vợ 5 lần đi tàu cao tốc, hàng chục giờ máy bay qua mấy nước châu Âu mà không bệnh, không gặp đình công hay tắc đường, đến đâu cũng được bạn bè và người thân chăm sóc tận tình, đi đến nơi về đến chốn. Thế cũng coi là may mắn, được phù hộ. Về chưa bao lâu thì cuốn Hội Thề nhận được giải nhất, tuy mình làm ra chứ không phải trời cho nhưng cũng coi là hên. Ở hiền gặp lành thôi chứ cũng không gọi là “quá” may mắn.
- Ông nghĩ như thế nào về nhận xét: Mảnh đất nuôi dưỡng tinh hoa văn học thường là ở các vùng quê, chốn thâm sâu chứ không phù hợp với chốn thành thị phồn hoa và đối với văn học Việt Nam ta, các nhà văn, nhà thơ tinh túy nhất cũng xuất thân từ những vùng quê như vậy?
- Chuyện này có căn do. Vì nước ta là đất nước nghìn năm của nông dân. Cuộc sống, số phận con người, hàng chục cuộc chiến tranh giải phóng chống ngoại xâm phương Bắc, phương Tây đều do nông dân, từ nông dân mà ra. Nông dân làm ra tiếng Việt. Nông dân làm ra văn chương, từ ca dao tục ngữ. Nông thôn là cái gốc của văn hóa đã đành. Đậm đà hơn thế nữa, nông thôn cũng chính là cái gốc của tiểu thuyết. Có lẽ không nhân vật tiểu thuyết Việt Nam nào còn sống được mà không có cái “trích ngang” dính dáng đến nông thôn. Tự Lực Văn Đoàn và các nhà tiểu thuyết tiền chiến gồm những nhà văn là trí thức thành thị. Nhưng đa số nhân vật của Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh hay Khái Hưng, Nam Cao, đều có gốc gác ở nông thôn. Bối cảnh từ Đôi bạn, Nửa chừng xuân đến Chí Phèo cũng thường là nông thôn. Sau cách mạng tháng Tám cho đến nay, xuất hiện nhiều nhà văn công nông, cái nôi nông thôn càng đậm trong tiểu thuyết. Theo tôi, truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Huy Thiệp là truyện Bài học nông thôn. Nguyễn Ngọc Tư, được nhiều người đọc vì truyện của nhà văn nữ này đậm đà chất nông thôn Nam Bộ. Nó đánh thức ký ức sâu xa nhất của người đọc.
Nhưng nói rằng văn học không phù hợp với chốn thành thị phồn hoa là không đúng. Chắc chắn đến lúc nào đó, chúng ta sẽ được đọc trong tiểu thuyết Việt những nhân vật kiểu như anh chàng Meursault hay cô Marie, những “người xa lạ” trong tiểu thuyết cùng tên của Albert Camus (Nobel 1957), không gốc gác, không lý lịch, chỉ có hành động và suy nghĩ. Nếu đọc các nhà văn trẻ hôm nay, chúng ta cũng đã thấy thấp thoáng những nhân vật kiểu đó rồi. Chẳng có gì gọi là “mất gốc” cả. Nhân vật tiểu thuyết Việt chưa lớn vì đó là những típ người duy cảm “rất nông thôn” tuy họ vẫn chinh phục tình yêu của độc giả nước mình, nhưng khó mà nhận được visa của nhân loại. Tinh thần hiện đại đang mặc áo mới cho hàng loạt nhân vật, dần dần thay đổi họ thành những típ nhân vật có thể khái quát được não trạng tinh thần của thời đại. Chúng ta có quyền hy vọng vì đó là quy luật.
Nhà văn Nguyễn Quang Thân. |
- Thời gian gần đây, trừ điện ảnh có đôi chút ồn ào, còn văn đàn có vẻ như đang im ắng quá. Ông nghĩ sao?
- Đúng. Im ắng vì không có tác phẩm hay, vang dội không phải trên thị trường, thương trường xuất bản, báo chí, mà là gây bão trong tâm hồn người đọc. Theo tôi, cả điện ảnh cũng vậy. Nó gây được tiếng ồn trên báo chí trong nước, thi thoảng được gỉải thưởng, được khẳng định ở nước ngoài. Nhưng chưa phải đã là cái gì lớn lao, gây ấn tượng cho người xem nghệ thuật thứ bảy. Tôi thấy thời của anh Trần Văn Thủy với “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế”, điện ảnh thực sự góp phần làm thay đổi (dù không nhiều) tư duy và tình cảm của xã hội mạnh mẽ hơn. Tôi mong được đọc một vài cuốn tiểu thuyết làm được điều đó mà chưa thấy.
- Ông rất hay ví von văn chương với bóng đá. Chắc hẳn ông cũng là một fan của bóng đá?
- Tôi thấy trong bóng đá tinh thần dân chủ, sòng phẳng và con người được tự do phát huy cái tôi của mình mà vẫn không thành ốc đảo.
- Trở về với cuộc sống đời thường, mối tình của ông với nữ văn sĩ Dạ Ngân cũng là một hiện tượng “hiếm” trên văn đàn Việt Nam. Đến bây giờ, ông tự nhận thấy rằng trong hôn nhân mình có thuận buồm xuôi gió không vì bến bờ cuối ông đã tìm được hạnh phúc?
- Tình yêu và hạnh phúc vợ chồng của cặp nhà văn thì cũng như mọi người. Có khác một điều là khi mọi người bên nhau trên giường thì chúng tôi mỗi người một phòng, vật lộn với bàn phím đến một, hai giờ sáng. Nhưng chúng tôi cảm thấy hạnh phúc.
- Theo ông, khi vợ chồng cùng là nhà văn “hiểu nhau quá rồi” vậy thì có khó khăn gì trong cuộc sống chung?
- Một trong những thiên chức của văn chương là làm cho con người hiểu nhau hơn. Nhà văn sáng tạo ra những nhân vật không giống ai nhưng lại giống rất nhiều người. Càng không giống ai và càng giống nhiều người thì nhân vật tiểu thuyết càng lớn. Có vẻ rắc rối nhưng đúng là như vậy. Chính nhờ thế mà văn chương làm con người xích lại gần nhau. Cặp vợ chồng nhà văn thì cũng như ai vậy thôi, “hiểu nhau” là quá trình chung sống. Có điều là làm sao giữ được cái lung linh mơ hồ nhưng đầy quyến rũ của những con người sống cạnh nhau mà vẫn chưa hiểu hết nhau, luôn muốn khám phá về nhau. Kỹ nghệ luyện kim gọi là quá trình “làm giàu quặng”, chất liệu cuộc sống chính là quặng của nhà văn.
- Không phải ai cũng làm được điều ông đang làm: Kiên trì - bền bỉ góp sức sáng tạo và thành công qua bao thập kỉ biến động trong đời sống xã hội, bản thân ông, ông lấy nguồn năng lượng từ đâu?
- Tôi có sức khỏe thể xác và tinh thần do cha mẹ tôi ban cho. Mẹ tôi có lần bảo tôi: “Mẹ cho con một câu để có thể làm cẩm nang sống cả cuộc đời. Đó là “hãy coi nặng tinh thần hơn vật chất!” Nhờ nghe lời mẹ dăn mà tôi thành kẻ đi săn không mỏi mệt những giá trị tinh thần cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Chỉ luôn tiếc mình sức hèn tài mọn. Nhưng ai có thể nói mình đã làm trọn những gì muốn làm trong suốt cuộc đời?
- Người ta nói nhiều đến “Hội thề” sau khi ông đạt giải A Hội nhà văn Việt Nam, nhưng theo ông cái được nhất - hiệu ứng “Hội thề” mang lại trong đời sống là gì?
- Đúng là Hội Thề được nói đến nhiều. Có mấy loại ý kiến từ nhiều phía: Một là, từ những người đáng trân trọng, họ đã đọc và chân thành khen chê với tư cách là những người đọc yêu mến văn chương, tôn trọng công việc cần cù của tác giả không có mục đích gì khác. Hai là, những người chưa hề đọc nhưng vẫn “góp ý” theo những gì mà họ đọc qua người khác, nghĩa là bình luận trên bình luận, lại phán rõ dài, rõ oai, phần lớn là nặc danh, trong các “còm” của một số trang web. Giá như các vị ấy đọc rồi hãy phán thì hay hơn và tôi cám ơn xiết bao vì nghe được lời vàng ý ngọc! Tôi ghi nhận mà không muốn có ý kiến phản hồi vì nếu làm thế có lẽ tôi phải viết thêm cả một cuốn Hội Thề nữa. Tất cả đã có trong quả trứng, con gà mái có cục tác thêm nữa cũng chẳng ăn nhằm gì. Cả cuốn sách là những gì tôi muốn gửi tới độc giả tôi yêu mến ngày hôm nay. Còn hiệu ứng của Hội Thề như thế nào là câu hỏi xin dành cho quý độc giả.
Sao Hôm thực hiện