Hai vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Thân. |
Sở dĩ mối tình “yêu đến điên cuồng” của Nguyễn Quang Thân trắc trở muộn màng vậy, bởi họ đều đã có gia đình, cả hai cộng lại có tất cả 5 người con và khủng khiếp nhất là cái khoảng cách 2 nghìn cây số. Mười một năm yêu nhau, mối tình ấy “quá nhiều nước mắt và đau khổ, quá nhiều sự giằng xé và hy sinh”.
Họ gặp nhau trong trại viết Vũng Tàu, khi đó Dạ Ngân đã là người đàn bà hai con miền Tây sông nước, đã qua tuổi mãn khai không mấy hạnh phúc trong tình riêng, mấp mé bước vào làng văn với duy nhất một truyện ngắn đầu tay in ở báo Văn nghệ. Nguyễn Quang Thân thì đã được biết đến như một cây bút sắc lẻm chữ nghĩa, và vụ rắc rối của truyện ngắn Người đi cùng chuyến tàu.
Ngày ấy, họ yêu nhau là yêu bằng thư từ, bằng ý nghĩ về nhau, không một cú điện thoại. Phải cố gắng hết sức mới có thể một, hai năm thăm nhau một lần. Cả hai đều chỉ biết làm lụng, cày sâu cuốc bẫm trên cánh đồng chữ chất chứa tình yêu, có lúc họ gần như bế tắc, nỗi đau khổ vò xé chia cách, những ưu tư cho đời và cho bản thân mình.
Yêu nhau rồi, nhưng để đến được với nhau thật khó bởi ràng buộc của tờ hôn thú cũ mà các vị quan tòa cũng như đồng nghiệp hồi đó không sao lý giải được. Quan niệm ấu trĩ một thời đã góp phần kéo dài quãng thời gian 11 năm yêu nhau mà chẳng có nhau, như một câu thơ của Eloard: Trên nấc thang biếng lười của hoa và trái kéo dài vô tận mãi.
Chỉ đến khi cả Dạ Ngân cũng đã hai thứ tóc, họ mới được cùng chung một mái nhà. Một mối tình kiên trì và mãnh liệt, và chỉ có sức yêu bền bỉ ấy mới mang hai người lại bên nhau, thắt buộc họ lại với nhau khi mà tình yêu đã nặng về tình tri âm, tri kỷ.
Họ đều thừa nhận, chính quãng thời gian xa cách mà cả hai phải gồng sức lên để làm việc, để cống hiến những giá trị tinh thần cho sự nghiệp văn chương, cũng như để phục vụ những nhu cầu sống tối thiểu, họ đã viết nên những tác phẩm xuất sắc trong đời cầm bút: Con chó và vụ ly hôn (Dạ Ngân), Vũ điệu cái bô (Quang Thân), và trên dưới 30 đầu sách của cả hai người.
Nguyễn Quang Thân nói: “Đó là thời kỳ cả hai viết trong nỗi cô đơn rợn người và viết được nhiều”. Dạ Ngân chen vào: “Bây giờ có nhau rồi chúng tôi vẫn mãi mãi là hai tín đồ dưới mái vòm văn chương. Có lúc nào đó không viết thì cũng không có nghĩa là chúng tôi không ngoan đạo!”. Còn anh thì nói: “Nhà văn thì vẫn thường bị trách, cả khi họ viết và kể cả khi họ không viết”.
Cuộc sống của hai nhà văn từ khi lấy nhau (năm 1993), là một cuộc “trăng mật” kéo dài. Căn gác của cặp “vợ chồng son” như treo lửng lơ trên tầng không ở Kim Giang, Hà Nội, lặng lẽ "thở" ra mùi vị đồng quê gió nội. Nguyễn Quang Thân đã mang từ Hà Tĩnh, quê hương anh những giống cây mà anh cho rằng sắp tuyệt chủng như cây tắt, diếp trời, lộc cách và cẩn thận trồng lên trên mái nhà.
(Theo Công An Nhân Dân)