Chiều 13/2, khi tiết xuân còn vương vấn phương Nam, thì Nguyễn Quang Sáng - một trong những nhà văn nổi bật nhất của vùng đất này - trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 82. Với nhiều độc giả yêu quý ông, có thể xem sự ra đi này là lặng lẽ và đột ngột, nhưng ông đã về cõi vĩnh hằng theo quy luật tự nhiên và nhẹ nhàng theo cách của ông.
Dáng người thấp đậm của Nguyễn Quang Sáng đã đồng hành cùng văn chương Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến và tiếp tục tỏa bóng trong thời bình bằng cá tính độc đáo. Trước sau Nguyễn Quang Sáng vẫn nhất quán một sự khẳng định: nếu không có cách mạng thì không có chân dung nhà văn của ông. Nguyễn Quang Sáng khởi nghiệp cầm bút ở chiến khu U Minh với truyện ngắn đầu tay Con chim vàng in năm 1956. Hơn nửa thế kỷ sáng tác, Nguyễn Quang Sáng đã mang đến cho công chúng nhiều tác phẩm mang đậm cốt cách Nam bộ như: Đất lửa, Chiếc lược ngà, Mùa gió chướng, Dòng sông thơ ấu, Bàn thờ tổ của một cô đào...
Nguyễn Quang Sáng không dụng công với kỹ thuật trên mỗi trang văn. Ông viết tự nhiên như lối ăn lối nói hàng ngày. Vì thế, truyện ngắn hay tiểu thuyết của ông luôn lôi cuốn vì thực tế đời sống cuồn cuộn trong từng dòng chữ. Những nhân vật do ông tạo ra như: Năm Hạng, Tư Quắn, Bảy Ngàn vẫn có sức hấp dẫn kỳ lạ.
Chính nhờ những trải nghiệm đầy và sâu, khi chuyển sang viết kịch bản phim, những chi tiết đắt giá của Nguyễn Quang Sáng đã góp cho điện ảnh nước nhà nhiều bộ phim rung động như: Cánh đồng hoang, Mùa nước nổi, Dòng sông hát hay Pho tượng. Tình yêu điện ảnh của Nguyễn Quang Sáng truyền sang cho cậu con trai Nguyễn Quang Dũng, trở thành một gương mặt đạo diễn tiêu biểu thế hệ sinh ra và lớn lên sau năm 1975. Có lẽ bộ phim Con gà trống là một trường hợp hiếm hoi trong lịch sử nghệ thuật thứ bảy nước nhà cho đến nay khi mà cha viết kịch bản và con làm đạo diễn.
Ngoài tài văn, Nguyễn Quang Sáng còn có tài… nhậu. Ông có thể ngồi vào bất cứ bàn rượu nào cũng đều thu hút bạn bè với những ngôn từ mộc mạc và thú vị. Nguyễn Quang Sáng không bao giờ tỏ ra tự phụ về tư cách trưởng lão làng văn. Ngồi với lớp hậu sinh, ông vẫn có thói quen trào lộng bản thân một cách vui nhộn. Xin được kể ra đây hai câu chuyện mà Nguyễn Quang Sáng hay giễu nhại mình mỗi khi cụng ly.
Câu chuyện thứ nhất. Từ năm 1946, mới 14 tuổi, Nguyễn Quang Sáng đã rời quê nhà đi làm liên lạc viên. Khi non sông thống nhất, trở về làng Mỹ Luông chôn nhau cắt rốn, Nguyễn Quang Sáng thưa với bà con bây giờ mình là nhà văn, ai cũng ngạc nhiên. Bao giờ nhắc đoạn này, Nguyễn Quang Sáng cũng cười khà khà: "Biết sao không? Hàng xóm cứ thắc mắc: Người ta đi theo cách mạng trở thành tướng tá hoặc quan chức, sao mày theo cách mạng lại thành nhà văn!"
Câu chuyện thứ hai. Giới văn chương vẫn rỉ tai rằng, khi tập kết ra Bắc thì Nguyễn Quang Sáng nhận lương bổng tương đương thứ trưởng. Thậm chí, khi đã rời quân ngũ để chuyển về Hội nhà văn Việt Nam thì thu nhập của ông cũng hơn tất cả mọi người. Nguyễn Quang Sáng không giấu được sự sảng khoái khi nhắc đoạn này: "Biết sao không? Cùng đi một lượt với tao, thằng Hoàng Văn Bổn hơi cao nên được xếp vào đội bóng rổ, còn tao hơi lùn được xếp vào đội bóng bàn. Tụi tao hưởng chế độ của vận động viên, nên nhận nhiều gạo, nhiều thịt hơn các nhà văn chứ! Quá đã, quá đã!”.
Bây giờ Nguyễn Quang Sáng đã trở về dòng sông thơ ấu từng nuôi nấng và ôm ấp tâm hồn ông. Tiếng cười rộn ràng của ông vẫn ở lại trong lòng những người quen biết. Và tác phẩm của ông vẫn ở lại với nhiều lớp độc giả hôm nay và mai sau.
Lê Thiếu Nhơn
Sài Gòn, hoàng hôn 13/2/2014
Nhà văn Dạ Ngân: Vợ chồng tôi rất bất ngờ và buồn khi hay tin anh Sáng mất. Ông xã tôi - nhà văn Nguyễn Quang Thân - và anh là bạn cùng lớp. Chúng tôi có không ít kỷ niệm tươi sáng với nhau thời trước. Trong số các nhà văn miền Tây cùng thế hệ với Nguyễn Quang Sáng, anh là một tác giả có văn phong đậm đà, hay có thể nói là đậm đặc chất miền Tây. Anh luôn cố gắng và ý thức việc giữ gìn bản sắc đó trên trang viết của mình. Từ những năm 1968-69, khi còn chưa biết mặt nhau, chưa biết gốc gác của anh, tôi đã rất yêu tác phẩm Chiếc lược ngà. Lúc đó, tôi đọc trong rừng qua những cuốn sách được in ngoài Bắc chuyển vào miền Tây bằng đường Trường Sơn. Đọc truyện ngắn của anh xong nhớ mãi tên Nguyễn Quang Sáng. Sau năm 1975 mới có dịp gặp nhà văn. Lần đầu tiên tôi diện kiến anh thì đúng thật như mình hình dung "văn là người". Tôi từng viết một bài chân dung duy nhất về anh Sáng và anh có nói là anh thích nhất trong số các bài viết về anh. Lần cuối vợ chồng tôi gặp anh là ở buổi giới thiệu sách của nhà văn Trần Thị NgH. ở TP HCM, hình như là vào năm ngoái. Hôm đó thấy anh đã yếu, đi phải có người dìu. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Nguyễn Quang Sáng qua đời là một tổn thất lớn cho văn học - nghệ thuật nói chung nói chung và giới văn nhân phía Nam nói riêng. Thật sự ngày nay không dễ tìm một người giàu tấm lòng như Nguyễn Quang Sáng. Tấm lòng của ông đối với cuộc sống, với văn chương, với bạn bè rất là sâu đậm. Tôi đọc rất nhiều tác phẩm Nguyễn Quang Sáng, khi là thầy giáo dạy văn, tôi vẫn thích thú mỗi lần dạy cho các em tác phẩm Chiếc lược ngà và luôn cảm nhận được các em yêu quý câu chuyện này. Đến tận bây giờ, mỗi khi đọc lại truyện ngắn này của ông tôi vẫn rất cảm động. Có một lần, tôi theo chân ông đi về Đồng Tháp dự một chương trình do Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp mời. Lúc đó, tôi nhớ mãi phong cách uống rượu của ông. Ông không uống rượu thì thôi chứ khi uống rồi thì từ cách uống đến nói chuyện rất dễ thương, vui và hóm hình... Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt chia sẻ cảm nhận trên Facebook: "Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Nhớ mãi nụ cười lành như lão nông Nam Bộ. Nhớ niềm vui và sự xác tín một cách chắc nịch của vị chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 do Hội Nhà Văn TP HCM, NXB Trẻ và báo Tuổi Trẻ đồng tổ chức, khi phát hiện và trao giải nhất cho cây bút nữ mới toanh của Cà Mau - Nguyễn Ngọc Tư. Cầu nguyện hương hồn anh siêu thoát! Chỉ như một cuộc dạo chơi về một cõi khác thôi mà, phải không anh Sáng?". Thất Sơn ghi |