- Kỷ niệm cuối cùng của anh với ba - nhà văn Nguyễn Quang Sáng - là gì?
- Đêm hôm trước khi ba mất, tôi cầm chai rượu về tặng ba. Còn một chai rượu cũ ba chưa uống hết, nên ông không mở chai mới. Tôi hỏi thăm ba, ba tôi nói khỏe hơn rồi. Tôi hỏi: "Ba có uống sữa được không?". Ông nói uống được. Mà trước đây ba tôi chẳng bao giờ chịu uống sữa.
Chỉ vậy thôi, rồi ba đi. Tôi nghĩ thật là khó diễn tả chính xác được cảm giác khi đón nhận điều này nó như thế nào. Tôi cứ không muốn tin vào điều đó.
- Anh nhớ điều gì nhất mỗi khi nghĩ đến ba của mình?
- Tôi nhớ lúc tôi học lớp 9. Tôi chán học quá nên hay cúp học. Nhà trường phát hiện nên họ định đuổi tôi. Hôm đó, ba tôi ngồi nói chuyện với tôi một cách rất bình tĩnh. Ông cũng không la mắng gì. Ông chỉ hỏi tôi muốn học nữa hay không. Lúc đó, tôi hứa với ba là sẽ học hết lớp 12. Rồi sau, ba tôi xin cho tôi chuyển qua trường khác học.
Bẵng đi, đến một lần trong bữa cơm gia đình, tivi đang chiếu lại phim Cánh đồng hoang. Anh tôi lúc đó đã thi đậu vào Đại học Kiến trúc vì anh tôi có năng khiếu từ nhỏ. Ba nhìn sang tôi mới nói: "Ba cũng không biết mai mốt con làm nghề gì?”. Tôi chống chế: “Mai mốt ba viết kịch bản, con sẽ làm đạo diễn”. Sau này khi thi tốt nghiệp lớp 12 xong, ba tôi nhắc lại tôi chuyện đã nói làm đạo diễn. Thế là tôi thi vào trường Sân khấu - Điện ảnh.
- Điều lớn nhất anh học tập được từ nhà văn Nguyễn Quang Sáng là gì?
- Ba tôi là người chân thành, rất quan trọng lời hứa, tôn trọng sự thật và nhìn cuộc sống lạc quan. Nói thật là tôi không học hết được, tôi thua xa ba tôi, nhưng tôi sẽ cố gắng.
Ba tôi luôn xem gia đình là trên hết. Cho nên cả nhà tôi mỗi lần làm việc gì đều nghĩ đến má. Ba tôi rất ham chơi nhưng luôn luôn nghĩ đến má và các con.
- Lời dặn dò nào của ba làm anh nhớ nhất?
- Vì tôi ở riêng nên ba luôn dặn: "Phải nhớ về thăm má".
- Có điều gì anh ân hận khi chưa kịp làm được cho ba?
- Những điều tôi chưa làm được cho ông thì nhiều lắm. Nhưng để đến mức hối hận thì chưa có.
- Sinh thời, anh và ba thường có những chia sẻ nào trong công việc?
- Ba tôi hay kể tôi nghe những ý tưởng ông định viết. Trong tất cả tác phẩm của ba, ba thích nhất là tiểu thuyết Đất lửa. Ba tôi thích nghiên cứu về tôn giáo. Mỗi lần đọc cuốn nào hay ông lại đưa cho tôi mượn.
Có bạn ba tôi là anh Trịnh Lê Văn cũng từng muốn chuyển thể Chiếc lược ngà thành phim, nhưng anh cũng bận rộn quá nên chưa thực hiện được. Ba tôi cũng hơi băn khoăn không biết như thế nào nên trao đổi với tôi về điều này vì ông biết tôi có ý định làm phim. Tôi nói ba: “Không sao cả, ai làm cũng được, nhiều người làm thì có nhiều góc nhìn khác nhau sẽ thú vị”.
- Nhà văn Nguyễn Quang Sáng không bao giờ viết hồi ký. Anh nghĩ sao về điều này?
- Ba tôi cũng có nói với tôi như thế. Ông nói trong những tác phẩm của ông đã có phần của ông, bạn bè, những người xung quanh và cuộc sống của ông. Ông không muốn viết hồi ký vì ông nghĩ nó không hoàn toàn chính xác. Mình viết về mình mà ý thức là cho người khác đọc nên khó mà hoàn toàn trung thực được. Tôi cũng không rành về sách. Nói thật, văn chương của tôi rất kém. Nhưng có vài người đặt vấn đề làm sách về ba tôi và tôi rất ủng hộ điều này. Nếu làm được gì để giúp họ viết sách, tôi đều rất sẵn sàng.
- Vì sao mới đây anh đi tìm lại người từng làm thư ký cho ba mình?
- Bên công ty sách Phương Nam muốn in một ấn phẩm về ba tôi nhân 49 ngày ông mất. Chúng tôi tìm lại bạn thư ký để xin lại những bản thảo hoặc bản ghi âm trong quá trình bạn ấy làm công việc ghi chép cho ông.
Ba tôi không để lại di chúc về tác quyền các tác phẩm của ông. Nhưng tôi được biết ba có một hợp đồng với Phương Nam. Gia đình cũng đang liên lạc để biết thời gian kết thúc hợp đồng. Và sau đó, gia đình cũng thống nhất đồng ý cống hiến tác quyền các tác phẩm của ba tôi cho xã hội. Bởi vì gia đình chúng tôi nghĩ rằng cuộc sống này đã cho ba tôi và gia đình tôi nhiều điều hạnh phúc và ý nghĩa. Tôi tin rằng ba tôi sẽ tán đồng ý kiến trả lại cuộc sống này một phần nhỏ nào đó, xem như sự biết ơn cuộc đời. Còn hình thức cống hiến tác quyền thì chúng tôi cũng đang tìm hiểu và sẽ làm theo cách nào phù hợp nhất.
Gia đình tôi đang sắp xếp một căn phòng lưu giữ lại những kỷ vật của ba. Tất nhiên đó chỉ là kỷ niệm cho gia đình và bạn bè. Tôi nghĩ, nếu sau này có ai muốn làm nhà lưu niệm kiểu như: các nhà văn Nam Bộ, hay các nhà văn thế kỷ 20 thì gia đình tôi xin sẵn sàng hỗ trợ tất cả những gì của ba tôi.
- Anh triển khai ý tưởng làm phim "Chiếc lược ngà" đến đâu rồi?
- Tôi cũng có mở lời với một vài nhà đầu tư và họ cũng ủng hộ. Tôi luôn muốn làm một bộ phim chiến tranh làm sao tạo được cảm xúc với thế hệ hiện nay và có doanh thu. Đó là một bài toán khó, tôi sẽ cố gắng giải bài toán này nhưng tôi rất cần thời gian.
Điều khó khăn nhất khi làm một bộ phim về chiến tranh là phải có cảm xúc thật. Mình phải thật sự cảm xúc thì mới truyền được điều đó cho người khác và truyền niềm tin đến các nhà đầu tư...
Ngoài ra, hiện nay tôi cũng đang bắt tay chuyển thể một tác phẩm văn học rất nổi tiếng, nhưng nhà sản xuất cần bảo mật nên tôi chưa thể tiết lộ được.
Thoại Hà thực hiện