Sau này, chú Thịnh về Việt Nam phục vụ cách mạng. Khi đất nước thống nhất, chú kết hôn với người vợ quê ở Đồng Nai và chuyển tới Vũng Tàu làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước theo diện của bộ đội xuất ngũ.
Cơ quan hướng dẫn chú khai hồ sơ nguyên quán theo địa chỉ của vợ để tiện làm hộ khẩu và cho các con đi học. Sự việc chỉ rối rắm khi chú được cơ quan cấp nhà và con gái chú được yêu cầu hoàn thiện hồ sơ để bổ nhiệm.
Khi xác minh lý lịch, chú Thịnh và con gái không được cán bộ địa phương ở Đồng Nai chứng thực có nguyên quán ở đây. Chú được khuyên tìm giấy tờ gốc là giấy khai sinh. Theo điều 6 Nghị định 123/2015, "Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó".
Chú bay sang Pháp nhưng giờ bố mẹ đã mất, hồ sơ lưu không còn.
Nhận được tư vấn khác - xác nhận theo nguyên quán - chú quay về Nam Định. Nhưng những người biết ông cụ thân sinh từ thời chế độ cũ đều đã mất, ủy ban không có cơ sở để xác nhận.
Chú Thịnh bế tắc. Sau 5 năm chạy đi chạy lại làm thủ tục không thành, cuối cùng chú cũng được cấp nhà bằng phương thức "lót tay".
Con gái chú không đến mức bế tắc nhưng cô cũng phải làm lại giấy tờ rất nhiều lần do nhầm lẫn về các khái niệm nơi sinh, quê quán và nguyên quán.
Nơi sinh được xác định là địa chỉ của bệnh viện, cơ sở y tế, địa bàn hành chính gồm ba cấp của nơi một cá nhân được sinh ra. Trong nhiều trường hợp, nơi sinh trùng với quê quán và nguyên quán.
Quê quán được hiểu là nơi sinh ra của bố hoặc mẹ người đó. Trong khi nguyên quán là quê gốc, nơi sinh ra của ông bà. Theo tập quán, ban đầu con gái chú khai quê quán và nguyên quán theo bố và ông bà nội. Nhưng do hồ sơ của chú Thịnh có nhiều điểm khó xác minh, sau nhiều lần làm đi làm lại, con gái chú được khuyên có thể khai theo quê mẹ và ông bà ngoại.
Thực tế cả quê quán, nguyên quán, và nơi sinh đều quan trọng, có thể cung cấp những thông tin hữu ích về môi trường sống, nền tảng giáo dục và sự ảnh hưởng của gia đình lên một cá nhân. Điều này giúp ích cho việc quản lý nhà nước nhưng trong nhiều trường hợp, các quy định, biểu mẫu không rõ ràng gây trở ngại, khó khăn cho công dân.
Xã hội ngày càng hiện đại và biến động thì mỗi con người có thể thay đổi nơi cư trú nhiều lần trong đời. Dù một số giấy tờ đã lược bớt yêu cầu khai "nguyên quán", hai khái niệm "nguyên quán" và "quê quán" vẫn tồn tại trong rất nhiều thủ tục. Tuy nhiên, hai khái niệm này chưa được định nghĩa thống nhất trong một văn bản pháp luật nào, sinh ra cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc sử dụng không thống nhất giữa nơi này và nơi khác, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc và công sức cho cả người dân lẫn nhà chức trách khi cần chứng thực.
Tôi thực hiện một khảo sát nhỏ trong số sinh viên ngành Luật của mình. Có đến 87 trên tổng số 94, tương đương 92,6% sinh viên được hỏi ngẫu nhiên không phân biệt được nguyên quán khác quê quán ở điểm nào. Phần lớn đều biết rằng có sự khác biệt, nhưng khác biệt ở đâu thì họ không chỉ ra được.
Quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân thực tế phát sinh chủ yếu căn cứ vào nơi sinh, nơi cư trú của công dân đó. Thông tin về quê quán hay nguyên quán, thường trú trở nên không có ý nghĩa nhiều trên các giấy tờ tùy thân hay hồ sơ thông thường, chủ yếu liên quan đến hồ sơ tư pháp của cá nhân.
Best Citizenships, một công ty chuyên về quy hoạch và cư trú toàn cầu, cho rằng những thông tin quan trọng để quản lý một con người cũng như xác định xác suất thành công, thất bại do người đó mang lại là nơi sinh (Place of Birth - POB) và ngày tháng năm sinh (Date of Birth - DOB) và thông tin từ sinh trắc học (dấu vân tay, nhóm máu, đặc điểm nhận dạng). Những dữ liệu này cho phép phân biệt người này và người khác cũng như kiểm tra, phân biệt một cá nhân bình thường và những kẻ tình nghi, khủng bố nằm trong danh sách đen của mọi quốc gia.
Thông tin về quê quán, nguyên quán có ý nghĩa về mặt tinh thần, giúp mỗi người nhớ về quê cha đất tổ. Nhưng thông tin đó mỗi gia đình đều có cách lưu giữ riêng, theo nếp nhà hoặc trong gia phả.
Thông tin trên giấy tờ tùy thân như giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay hộ chiếu có thể tuân theo chuẩn tắc chung của thế giới; chỉ cần thông tin cơ bản về ngày tháng năm sinh và nơi sinh thay vì ghi cả quê quán hay nguyên quán.
Việc lưu trữ và truy xuất thông tin cá nhân và hình thành mã định danh công dân đang được Bộ Công an hoàn thiện. Ở góc độ quản lý nhà nước, những yêu cầu xác thực thông tin không cần thiết trên hồ sơ, sơ yếu lý lịch cá nhân nên được loại bỏ, nhằm giảm chi phí xã hội.
Vũ Ngọc Bảo