Video: Vũ Đoan
Sáng 25/6, TAND TP HCM xét xử ông Đặng Thanh Bình (64 tuổi, nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999, khung hình phạt 3-12 năm tù.
4 người thuộc tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) bị cáo buộc là đồng phạm trong vụ án, gồm: Hà Tấn Phước (55 tuổi, nguyên tổ trưởng tổ giám sát NHNH, phó giám đốc NHNN Chi nhánh Long An), Phạm Thế Tuân (62 tuổi, nguyên phó giám đốc ngân hàng Vietcombank Chi nhánh TP HCM), Lê Văn Thanh (54 tuổi, nguyên chánh Thanh tra NHNN tỉnh Long An), Ngô Văn Thanh (41 tuổi, nguyên phó phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ Ngân hàng Vietcombank Long An).
13 luật sư tham gia bào chữa cho 5 bị cáo. Trong đó có luật sư Phan Trung Hoài (Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) và nguyên thẩm phán Trương Thị Minh Thơ, Vũ Phi Long.
HĐXX trích xuất bị án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch VNCB) và Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) đến tòa vì một số vấn đề liên quan, song chỉ ông Mai có mặt.
Tòa cũng triệu tập 11 cá nhân thuộc Tổ giám sát NHNN như: Bùi Thị Phương, Trần Kiều Minh, Trần Thu Hồng, Hà Ngọc Minh, Trần Thị Hòa, Trần Mạnh Hùng, Phan Thị Thanh Vân, Huỳnh Tấn Phục, Lê Đức Khôi, Quách Minh Trung, Lê Ngọc Hải để làm rõ một số tình tiết vụ án.
Ngoài ra, 14 cá nhân khác được triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng; đại diện VNCB (nay là CB) và các lãnh đạo phòng ban thuộc NHNN.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Vũ Thanh Lâm (Phó chánh tòa Hình sự TAND TP HCM). Ngoài hai kiểm sát viên thuộc VKSND TP HCM được ủy quyền tham gia vụ án, VKSND Tối cao còn cử một kiểm sát viên từ trung ương tham gia kiểm sát.
Trong phần thủ tục phiên tòa, luật sư của ông Đặng Thanh Bình đề nghị HĐXX triệu tập bà Nguyễn Thị Hòa (nguyên Vụ trưởng Vụ 6, Cơ quan thanh tra Giám sát NHNN). Dù bà này đã có lời khai tại cơ quan điều tra, song sự có mặt của bà ở tòa sẽ đảm bảo sự thật khách quan hơn.
Luật sư cũng đề nghị tòa tách bạch vai trò của các tổ chức, cá nhân được triệu tập là người làm chứng hay người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Ví dụ, ông Tạ Thành Long thời điểm xảy ra vụ án đang là Phó vụ trưởng Vụ 1, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN, và được lấy lời khai với tư cách người làm chứng, có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, hôm nay ông Long đến tòa với tư cách đại diện NHNN. Luật sư cho đây là vấn đề "phải thận trọng".
Trong khi đó luật sư Trương Thị Minh Thơ đề nghị triệu tập đại diện Vietcombank. Tài liệu mật của NHNN chưa có văn bản giải mật nên bà đề nghị cho phép chất vấn đại diện NHNN...
Nêu quan điểm, đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố tại tòa cho biết, do vụ án có nhiều tình tiết quan trọng nên VKSND Tối cao cử ông Phạm Văn Dũng từ Trung ương vào để nhận nhiệm vụ theo sự phân công của Viện trưởng VKSND TP HCM. Việc luật sư yêu cầu triệu tập những người liên quan, đại diện VKS đồng tình vì nhiều vấn đề cần làm rõ sự thật khách quan.
Sau khi hội ý, tòa tiếp tục làm việc và thông báo nếu phát sinh vấn đề sẽ làm rõ trong quá trình xét hỏi.
Tổ giám sát NHNN sai phạm thế nào
Theo cáo trạng, ông Đặng Thanh Bình được NHNN giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, vụ Pháp chế. Ông này có nhiệm vụ chính trong việc chỉ đạo tái cơ cấu những ngân hàng hoạt động yếu kém, trong đó có VNCB.
Tháng 8/2012, ông Bình ký tờ trình Chính phủ phương án tái cơ cấu VNCB và được chấp thuận chủ trương. Tổ giám sát những hoạt động tại VNCB sau đó được thành lập.
Sau khi ông Phạm Công Danh (nhóm cổ đông Thiên Thanh) nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín (Trustbank, tiền thân của VNCB) từ nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện, VNCB được xếp vào một trong 6 ngân hàng hoạt động không hiệu quả. Thời điểm này VNCB chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN, mọi giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên phải có ý kiến của tổ giám sát.
Các ông Hà Tấn Phước, Ngô Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Lê Văn Thanh (thuộc Tổ giám sát NHNN đặt tại Trustbank) được giao quyền hạn "chủ động tiếp cận không hạn chế mọi tài liệu, hồ sơ, thông tin, hệ thống phần mềm của Trustbank". Họ cũng có quyền yêu cầu nhà băng báo cáo, cung cấp tài liệu, làm việc với mọi cấp cán bộ.
Theo cơ quan điều tra, 4 người này đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến việc Phạm Công Danh cùng đồng phạm rút tiền của Trustbank (sau trở thành VNCB) gây thiệt hại cho VNCB.
Trong đó, Bộ Công an và VKSND Tối cao xác định ông Hà Tấn Phước và Phạm Thế Tuân có trách nhiệm liên quan hậu quả thiệt hơn 3.450 tỷ đồng; ông Lê Văn Thanh có trách nhiệm với hơn 6.590 tỷ; ông Ngô Văn Thanh chịu trách nhiệm với hậu quả thiệt hại hơn 10.000 tỷ.
Đối với ông Đặng Thanh Bình, cơ quan điều tra cho rằng có đủ căn cứ kết luận cựu phó thống đốc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ; không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu Trustbank do chính NHNN đã trình Thủ tướng.
Ông Bình cũng bị cho là không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nhằm đảm bảo tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng và năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh. Ông này đã quyết định để ông Danh tham gia quản lý, nắm giữ cổ phần chi phối để điều hành Trustbank, tạo điều kiện cho ông Danh sử dụng ngân hàng như một phương tiện thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại hơn 15.000 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, ông Phước thừa nhận trách nhiệm chính với những gì xảy ra. Ông Thanh cho rằng do năng lực hạn chế, công việc phức tạp, không hiểu hết được ý đồ của Phạm Công Danh và đồng phạm nên đã không kịp xử lý vi phạm.
Đối với 11 người khác được giao nhiệm vụ trong Tổ giám sát, cơ quan điều tra xác định chưa đủ căn cứ xử lý hình sự. Riêng, ông Đặng Văn Thảo đã có hành vi không chuyển hồ sơ kết luận thanh tra sang cơ quan điều tra và không kiến nghị đặt Đại Tín vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Nhưng do thời hạn điều tra bổ sung đã hết nên Bộ Công an tách sự việc ra xử lý sau.
Phiên tòa xét xử ông Bình và đồng phạm sẽ kéo dài đến ngày 29/6.
Ngọc Lan