![]() |
Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Ảnh: Hồng Khánh. |
- Là chủ tịch danh dự của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, khi xem những hình ảnh người giữ trẻ ở Đồng Nai hành hạ các em bé, bà cảm thấy thế nào?
- Tất cả những người bình thường xem truyền hình hôm đó đều phẫn nộ trước hành vi của bà bảo mẫu hành hạ các cháu nhỏ. Đối với tôi là người có trách nhiệm trong công tác này thì phẫn uất càng lớn hơn, thương các cháu nhiều hơn. Tôi sợ những hành vi đánh đập đó sẽ ảnh hưởng đến tâm thần, đến sự phát triển bình thường của các cháu.
- Với hàng loạt vụ ngược đãi trẻ em ở Hà Nội, TP HCM và gần đây là Đồng Nai, nhiều người đặt câu hỏi trách nhiệm xã hội của người thực thi pháp luật của địa phương. Theo bà nên xem xét vấn đề này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Bình làm Bộ trưởng Giáo dục từ năm 1976 đến 1987), Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng (1987-1992). Năm 1992, tại kỳ họp Quốc hội khóa IX, bà được bầu làm Phó chủ tịch nước và giữ chức vụ này liên tục trong 10 năm. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên giữ cương vị này.
Bà Bình đã nghỉ hưu từ năm 2002 và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch danh dự của Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Hội nạn nhân chất độc màu da cam. |
- Trước khi nói về trách nhiệm của chính quyền thì tôi cũng tự hỏi trách nhiệm của bố mẹ như thế nào, vì chuyện này không phải xảy ra một hôm. Bà bảo mẫu Hoa đã mở cơ sở được 3 năm, còn những người gửi con cũng phải vài ba tháng đến một năm, nhưng không quan sát xem con đi gửi có biểu hiện thế nào thì tôi cũng thấy lạ.
Về mặt chính quyền, tôi cho rằng quản lý xã hội của ta còn rất yếu, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Hệ thống chính trị ở các cấp dày đặc, từ ngành giáo dục trực tiếp quản lý nhà nước về lĩnh vực này, cho đến các đoàn thể như hội phụ nữ, rồi ủy ban chăm sóc bảo vệ thiếu nhi ở địa phương đã không thấy được trách nhiệm của mình. Nếu quản lý xã hội không được chấn chỉnh thì kinh tế có phát triển cách mấy đi nữa, song xã hội sẽ ngày càng phức tạp và xấu đi.
Qua vụ cháu Bình ở Hà Nội và một số việc ở TP HCM, Đồng Nai, các ngành liên quan cần rút kinh nghiệm, kiểm điểm rõ ràng hơn, xem quản lý xã hội yếu kém ở chỗ nào. Riêng các trường hợp này phải đưa ra xử nghiêm minh, không phải chỉ là dân sự đâu mà phải là xử lý hình sự. Lấy những vụ xử này để đánh động, cảnh báo dư luận.
- Một trong những lý giải cho các vụ ngược đãi trẻ em liên tục xảy ra gần đây là sự thờ ơ của xã hội. Nhiều người biết, nhưng im lặng. Bà nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Bà bảo mẫu Hoa nói rằng học đến lớp 10 mà có hành vi như vậy thì quả là đạo đức xã hội rất kém. Dù thiếu văn hóa đi nữa người ta cũng không ngược đãi trẻ em.
Nói thật trong tình hình hiện nay kinh tế đi lên, nhưng đạo đức xã hội thì rất đáng lo. Một bộ phận đạo đức rất kém, một số khác chưa đến mức như vậy nhưng vô cảm, bàng quan trước những hiện tượng xấu cũng là không tốt.
Qua những vụ việc đau xót vừa qua, như tôi đã nói cần kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý xã hội. Thực ra bây giờ chấn chỉnh là đã muộn rồi, nhưng muộn cũng còn hơn không. Giải quyết vấn đề này là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, nói cho đến cùng là của Đảng và Nhà nước.
- Theo bà khâu quan trọng nhất cần chấn chỉnh là gì?
- Đứng về mặt pháp luật tôi nghĩ là không thiếu, ta đã có Luật phòng chống bạo hành gia đình, trước đó là Luật chăm sóc bảo vệ trẻ em, nhưng thực thi không nghiêm. Chính quyền không coi trọng luật pháp. Chúng ta luôn nói cố gắng dành những gì tốt nhất cho trẻ em, nhưng làm thì yếu lắm.
Còn nói về khâu đột phá, tôi cho phải từ gia đình. Trong tình hình xã hội đang chuyển biến rất phức tạp thì cha mẹ càng phải có trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ con cái.
- Từng là phó chủ tịch nước, Bộ trưởng Giáo dục và hiện là chủ tịch danh dự của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, bà thấy mình cần làm gì?
- Bà Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Chủ nhiệm ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, đang xin thành lập Hội bảo vệ quyền lợi trẻ em. Tôi rất ủng hộ vì như vậy công tác chăm sóc trẻ sẽ bao quát hơn, chứ như hiện nay ta có cái dở là làm rất phân tán, y tế lo một chút, giáo dục lo một chút, Quỹ bảo trợ trẻ em do tôi làm chủ tịch danh dự chỉ lo được một phần cho các cháu khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.
Thứ sáu này sẽ có một cuộc họp giữa tôi, bà Trần Thị Thanh Thanh, bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng, sẽ nghe mấy chị báo cáo sau chuyến đi họp tại Liên hợp quốc về vấn đề trẻ em để kiểm điểm chủ trương xây dựng thế giới phù hợp với trẻ em. Trong cuộc họp đó, tôi sẽ đưa các vụ việc cụ thể này ra bàn một cách kỹ hơn.
Quan điểm của tôi là nếu lo cho các cháu về đầy đủ các mặt thì hơn phân nửa vấn đề xã hội đã được giải quyết.
Hồng Khánh thực hiện