- Vì sao anh ít xuất hiện trên sân khấu ca nhạc vài năm nay?
- Tôi vẫn hoạt động nghệ thuật nhưng không xuất hiện trên truyền thông. Tôi ít hát trên các sân khấu, chương trình truyền hình mà đi biểu diễn cho khán giả ở các tỉnh miền Tây, đi hát sự kiện và đóng phim.
Tôi dành một khoảng thời gian sang Hong Kong để học vũ đạo và kinh nghiệm làm chương trình âm nhạc của nước bạn.
- Hầu hết nghệ sĩ Việt đều sang các nước Hàn Quốc, Singapore hay Mỹ để giao lưu, học hỏi, còn anh chọn xứ Cảng Thơm. Lý do của anh là gì?
- Tôi quyết định sang Hong Kong trước tiên vì tôi thần tượng Quách Phú Thành. Tôi thích cách anh ấy làm nghệ thuật, và ước mơ có thể làm ra một liveshow như anh ấy.
Ngoài ra, tôi có duyên được gặp biên đạo Sunny Wong - một trong bốn biên đạo nổi tiếng của Hong Kong cũng là sư phụ của thần tượng tôi. Ông ấy là người dàn dựng vũ đạo cho hầu hết các chương trình lớn của Hong Kong. Vì thế, tôi theo thầy qua đây học nhảy cũng như kinh nghiệm dàn dựng các show ca nhạc kèm vũ đạo của họ.
- Anh thần tượng Quách Phú Thành nhất ở điểm nào?
- Đầu tiên, xuất thân của Quách Phú Thành cũng là vũ công như tôi. Thứ hai, tôi có dịp tiếp xúc khi đi xem liveshow của anh ấy. Được chứng kiến tận mắt, tôi mới biết vì sao anh ấy lại có sức hút đặc biệt như vậy. Ngoài sự đam mê nghệ thuật, yêu nghề, anh ấy có một ê-kíp làm việc chuyên nghiệp về hòa âm phối khí, dàn dựng.
Quách Phú Thành là một tấm gương về niềm đam mê, sự nghiêm túc và làm việc khoa học. Ví dụ, dù có liveshow hay không thì anh ấy vẫn khép mình trong một lịch luyện tập 6-7 giờ trong một ngày, vẫn thức dậy sớm để tập thể dục. Tôi gặp đúng người cho tôi bài học, định hướng trong nghề nghiệp. Đến ngày hôm nay, anh ấy đã hơn 50 tuổi nhưng tôi cảm nhận anh ấy đam mê nghệ thuật như hồi còn ba mươi tuổi vậy.
- Anh dự tính khi nào có được liveshow như thần tượng của mình?
- Tôi cùng ê-kíp đang chuẩn bị mọi thứ để có thể làm một show diễn vào cuối năm nay. Để làm một show diễn, tôi phải chuẩn bị rất kỹ mọi thứ, chứ không phải nói là làm liền. Tôi học hỏi kinh nghiệm cũng là "của để dành" cho đến lúc sử dụng. Show diễn ca nhạc kết hợp vũ đạo yêu cầu người nghệ sĩ phải có thể lực tốt. Vừa nhảy vừa phải hát live nhiều bài không phải chuyện dễ. Tôi phải tập nhảy từng ngày từng giờ để có sức bền.
- Ngoài thể lực để vừa hát vừa nhảy, anh còn gặp khó khăn gì cho việc tổ chức?
- Khó khăn nhất nằm ở việc tôi muốn đầu tư một show nghiêm túc. Ở Hong Kong, họ đầu tư rất lớn, không chỉ quần áo, vũ công mà có dàn âm thanh, ánh sáng hiện đại. Ví dụ, một tiết mục cần chuẩn bị trang phục không chỉ cho ca sĩ mà cho hàng chục vũ công khác. Âm nhạc phải mix sao cho hợp với vũ đạo. Cách dàn dựng, khoảng trống giữa các tiết mục chính xác đến từng giây. Điều này đòi hỏi, chủ nhân của show diễn phải có nguyên một êkíp làm việc ăn ý và chuyên nghiệp.
Tôi đã tìm được một ê-kíp tốt để hợp tác nên khá yên tâm. Tôi cũng dồn sức và kêu gọi để chuẩn bị nguồn tài chính. Vấn đề bây giờ của tôi là sắp xếp thời gian hợp lý cho việc luyện tập chuyên môn và rèn thể lực.
- Nhìn lại quãng đường ca hát của mình, anh cảm nhận như thế nào?
- Tôi vẫn đang bước đi trên con đường nghệ thuật. Dù đã trải qua mười mấy năm hoạt động giải trí, với tôi lúc nào cũng là điểm xuất phát. Tôi không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng. Mỗi ngày, âm nhạc phát triển thì tôi vẫn trau dồi học hỏi kiến thức. Việc tôi đầu tư tiền bạc sang tận Hong Kong học cũng chính là học tập và làm mới bản thân trong mắt khán giả.
Tâm Giao thực hiện