Ông nói về động lực ra sách ở tuổi 69, trong buổi giới thiệu truyện dài Tiệm sách của nàng sáng 5/12 tại TP HCM. Cây bút xứ Quảng cho biết từ xưa đến nay, ông làm việc với tâm thế "không để thời gian bắt kịp". Một nghề sáng tạo như viết văn đòi hỏi tác giả ngày nào cũng ngồi vào bàn làm việc.
"Tôi thường khuyên các bạn trẻ phải luôn 'tắm mình trong chữ nghĩa', để viết lách thành thói quen", nhà văn nói.
Việc viết văn với ông như quá trình "kiến tha lâu đầy tổ". Mỗi ngày, nếu siêng năng, ông sẽ viết được vài trang, ít thì khoảng nửa trang, vài dòng. Dần dà, mỗi năm ra một sách không phải chuyện khó với ông. Nguyễn Nhật Ánh nói người ngoài nhìn vào có cảm giác như ông bị "trời đày" vì ép bản thân vào kỷ luật lao động. Tuy nhiên, theo ông nếu đã hứng thú với công việc, khi ngồi vào máy tính, nguồn cảm hứng sáng tạo sẽ được kích hoạt. "Ngoài ra, nếu không viết lách, tôi cũng không biết làm gì nên hồn", ông nói vui.
Nguyễn Nhật Ánh lấy ý tưởng viết truyện mới từ giấc mơ tuổi thơ - làm chủ một tiệm sách. Thuở bé, truyện gối đầu giường của ông là những cuốn như Không gia đình (Hector Malot), Những người khốn khổ (Victor Hugo). Ông mơ đến ngày được đọc thỏa thích tác phẩm kinh điển, nhưng huyện Thăng Bình (Quảng Nam) lúc đó hiếm nơi bán sách báo. Để có truyện đọc, Nguyễn Nhật Ánh đem lên lớp, đổi với bạn bè.
Lớp 9, ông được cha dẫn đến một tiệm văn phòng phẩm lớn ở Tam Kỳ (Quảng Nam). Nguyễn Nhật Ánh choáng ngợp với không gian toàn sách, không dám thở mạnh vì "cảm giác như bước vào một đền thờ thiêng". Sau này, vào TP HCM lập nghiệp, ông từng mở một tiệm sách, đặt tên Kính vạn hoa, kế bên quán ăn Đo Đo. Tiệm kinh doanh khoảng 10 năm thì phải đóng cửa vì nhiều lý do. "Một ngày, tôi nhớ đến ước mơ xưa, và bắt tay vào viết Tiệm sách của nàng", ông cho biết.
Tác phẩm khắc họa vẻ đẹp từ tình tri kỷ giữa những người yêu sách, thơ văn. Theo nhà văn, sách là món ăn tinh thần không thể thiếu với nhiều người. Khi gặp, tình cờ nhắc đến một tác giả, tác phẩm, họ lập tức hiểu nhau mà không cần giải thích gì thêm. Chẳng hạn, trong truyện, nhân vật "anh" và "nàng" gặp nhau ở quầy sách, cùng biết về Stephan Zweig và Alberto Moravia - hai nhà văn nổi tiếng thế kỷ 20. Nhiều bút nhóm học trò từng xuất hiện trong Lá nằm trong lá (2011) được ông nhắc lại, như Cỏ Phong Sương, Trầm Mặc Tử, Hận Thế Nhân.
Nhà văn lần đầu thể nghiệm phong cách viết "3 trong 1", với kết cấu "truyện trong truyện". Ba câu chuyện được kể cùng lúc, gồm Tiệm sách của nàng, Trước tuổi mười lăm, Bên kia đồi Quạ. Theo Nguyễn Nhật Ánh, lối viết này mất sức hơn thông thường, đồng thời thử thách bạn đọc vì dễ làm ngắt mạch cảm xúc. Ông hy vọng khi vượt trở ngại ban đầu, độc giả có trải nghiệm thú vị với tác phẩm.
Nguyễn Nhật Ánh quê tại Thăng Bình, Quảng Nam. Từ năm 1973, nhà văn vào Nam sống, theo học ngành sư phạm, tốt nghiệp năm 1976. Bên cạnh năm tập thơ, hơn 30 tập truyện tranh, 12 tập kịch bản phim, Nguyễn Nhật Ánh đã xuất bản hơn 100 tác phẩm văn xuôi đề tài thanh thiếu niên, tuổi mới lớn và thiếu nhi. Tác giả còn in ba tập bình luận thể thao và hơn 50 tập tư vấn tình yêu dưới các bút danh khác nhau. Ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nhà văn viết cho thanh thiếu niên nhiều nhất nước.
Sách Nguyễn Nhật Ánh nhiều lần được chuyển thể lên màn ảnh. Năm 1994, phim Áo trắng sân trường ra mắt, do Lê Dân đạo diễn, dựa trên truyện Nữ sinh, dàn diễn viên gồm Lê Công Tuấn Anh, Y Phụng, Ngô Mỹ Uyên... Năm 1998, phim Chú bé rắc rối dựa trên truyện cùng tên có Phùng Ngọc - diễn viên phim Đất phương Nam - đóng chính. Năm 2004, phim truyền hình Kính vạn hoa ra mắt, với các gương mặt Ngọc Trai, Tiểu Long, Anh Đào. Cuối năm nay, bản điện ảnh của bộ truyện, do đạo diễn Võ Thanh Hòa thực hiện, được công chiếu với dàn diễn viên mới.
Mai Nhật