Trong buổi phỏng vấn trên kênh Russia-24, ông Borisov chia sẻ tàu vũ trụ đổi hướng và khai hỏa động cơ để chuẩn bị tiến vào quỹ đạo trước khi hạ cánh. Tuy nhiên, động cơ không tắt như thông thường theo biểu đồ chu kỳ. Động cơ hoạt động 127 giây thay vì 84 giây như dự kiến. Đó là nguyên nhân chính khiến con tàu đâm vào bề mặt Mặt Trăng. Theo ông Borisov, hoạt động đốt động cơ đã được kiểm tra trước đó trong mô phỏng trên mặt đất.
Roscosmos mất liên lạc với tàu vũ trụ Luna 25 hôm 19/8. Họ tuyên bố nhiệm vụ thất bại vào ngày hôm sau. Toàn bộ thí nghiệm được tiến hành trong vùng liên lạc vô tuyến ổn định, chứng tỏ nhiều khả năng liên lạc bị ngắt do con tàu gặp nạn. Thông qua kênh Telegram, Roscosmos tiết lộ tàu Luna 25 đã cố sử dụng động cơ đẩy để điều chỉnh quỹ đạo trước khi quá trình mất liên lạc xảy ra.
Tàu vũ trụ hướng tới cực nam của Mặt Trăng và dự kiến hạ cánh tại đó sớm nhất vào ngày 21/8. Nhưng nỗ lực khôi phục liên lạc với tàu Luna 25 cuối tuần qua không thành công, Roscosmos kết luận con tàu đâm xuống bề mặt Mặt Trăng. Roscosmos đã thành lập ủy ban đặc biệt để điều tra nguyên nhân dẫn tới thất bại của nhiệm vụ Luna 25.
Theo ông Borisov, chương trình Mặt Trăng bị gián đoạn gần 50 năm cũng góp phần vào sự cố. "Về cơ bản, chúng tôi cần phải làm chủ tất cả công nghệ một lần nữa, tất nhiên là ở trình độ kỹ thuật mới", ông Borisov nói.
Trang TASS đưa tin Nga đang lên kế hoạch cho các nhiệm vụ Luna khác, bao gồm Luna 26 và Luna 27. Luna 25 được kỳ vọng đánh dấu cột mốc lớn trong chương trình vũ trụ của Nga. Quốc gia này chưa hạ cánh tàu vũ trụ nào trên Mặt Trăng từ thời Liên Xô. Nhiệm vụ Luna gần nhất là Luna 24 đáp xuống Mặt Trăng vào ngày 18/8/1976.
Cực nam của Mặt Trăng là khu vực thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng vũ trụ trên toàn cầu do hầu như chưa được khám phá. Khu vực cũng lưu trữ băng nước, nguồn tài nguyên quý giá cho các nhiệm vụ không gian sâu trong tương lai. Băng nước có thể cung cấp nhiên liệu tên lửa, thậm chí nước uống cho phi hành gia. Luna 25 dự kiến sẽ hạ cánh gần cực nam Mặt Trăng hơn bất kỳ nhiệm vụ nào khác trong lịch sử. Hiện nay, tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ cũng chuẩn bị hạ cánh tại cực nam Mặt Trăng vào ngày 23/8.
An Khang (Theo CNN)